11/01/2025 lúc 07:03 (GMT+7)
Breaking News

TP. HCM lên kế hoạch mở thêm 12 tuyến buýt mới

Sở Giao thông Vận tải TP. HCM vừa đề xuất UBND TP. HCM bổ sung 12 tuyến xe buýt vào mạng lưới xe buýt thành phố.
TP. HCM lên kế hoạch mở thêm 12 tuyến buýt mới

Các tuyến buýt mới gồm có 4 tuyến xe buýt nhỏ, 4 tuyến chất lượng cao, 4 tuyến liên tỉnh.

Cụ thể, 4 tuyến buýt sức chứa nhỏ (buýt mini) gồm có ga tàu thủy Bình An - Bến xe buýt Sài Gòn (19,5km); ga tàu thủy Bình An - đường Liên Phường (18km); khu dân cư ấp 5 Phong Phú - UBND quận 7 (16,5km); khu dân cư T30 - Đại học Marketing (14km).

4 tuyến buýt chất lượng cao thuộc dự án phát triển giao thông xanh sẽ chạy dọc hành lang Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ gồm có An Lạc - Rạch Chiếc (21,3km); An Lạc - Bến Thành (14,4km); Chợ Lớn - Rạch Chiếc (15,7 km); Bến Thành - Rạch Chiếc (10,8km).

4 tuyến buýt liên tỉnh chất lượng cao (không trợ giá) đi các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh gồm: Bến xe An Sương - Bến xe Biên Hòa (37,4km); Bến xe Tân Phú - Bến xe Tây Ninh (91km); Bến xe buýt Tân Phú - Bến xe Tiền Giang (85km); Bến xe Tân Phú - Bến xe Biên Hòa (47km).

TP. HCM hiện có 126 tuyến buýt với gần 2.100 xe, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không.

Gần đây, mỗi năm thành phố trợ giá cho loại hình giao thông này khoảng 1.000 tỷ đồng. Năm ngoái, Covid-19 khiến tổng lượng khách đi xe buýt trên địa bàn chỉ đạt khoảng 53 triệu lượt, bằng 43% năm 2020. Năm nay, thành phố đặt mục tiêu 232 triệu lượt khách đi xe buýt, tăng 23% năm 2021.

Cạnh xe buýt nội tỉnh, TP. HCM còn có các tuyến xe buýt kết nối đến các tỉnh liền kề gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bà Rịa Vũng Tàu.

Mật độ mạng lưới tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP. HCM khoảng 1km/km2 - thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn là 2-2,5 km/km2. Bên cạnh đó, đặc thù của đô thị TP. HCM có nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp (58% đường dưới 7m) nên người dân khó tiếp cận giao thông công cộng.

Việc mở thêm các tuyến buýt được cho góp phần phát triển vận tải hành khách công cộng và giúp giảm xe cá nhân trên địa bàn; kết nối các khu dân cư, đầu mối giao thông... khuyến khích người dân dùng phương tiện giao thông công cộng.

Khi vận tải công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tùy từng khu vực, TP. HCM sẽ triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân, tổ chức lại giao thông cho xe hai, ba bánh tại khu vực trung tâm. 

Đến nay, TP. HCM đang quản lý khoảng 8,55 triệu xe, trong đó có gần 838.400 ô tô và hơn 7,7 triệu xe máy.

Anh Phạm