24/11/2024 lúc 15:44 (GMT+7)
Breaking News

Top 10 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất 8 tháng qua

VNHNO - Tháng 8/2018, trị giá hàng hóa nhập khẩu nước ta tuy chỉ tăng nhẹ 1,6% so với tháng trước đó, nhưng tính chung 8 tháng năm 2018, kim ngạch nhập khẩu đã đạt con số gần 154 tỷ USD với 10 nhóm hàng nhập khẩu chính.

VNHNO - Tháng 8/2018, trị giá hàng hóa nhập khẩu nước ta tuy chỉ tăng nhẹ 1,6% so với tháng trước đó, nhưng tính chung 8 tháng năm 2018, kim ngạch nhập khẩu đã đạt con số gần 154 tỷ USD với 10 nhóm hàng nhập khẩu chính.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2018, trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt ngưỡng mới với mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó xuất khẩu tăng tới 15,6% so với tháng 7; nhập khẩu tăng 1,6%.

Tính đến hết tháng 8/2018, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giữ được nhịp tăng cao so với cùng kỳ năm 2017, trong đó trị giá nhập khẩu là 153,72 tỷ USD (tăng 12,4%). Điểm đáng chú ý là có tới 43/53 nhóm hàng nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2017. 

Số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD là 30/53, trong đó, tăng mạnh nhất là các nhóm hàng: sản phẩm từ kim loại thường khác tăng 125,2%; quặng và khoáng sản khác tăng 81,4%; than đá tăng 64%; phế liệu sắt thép tăng 50,6%; xơ sợi dệt các loại tăng 34,5%... so với cùng kỳ năm trước.

10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất 8 tháng năm 2018 theo loại hình doanh nghiệp. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Theo đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện hiện vẫn là nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong 8 tháng năm 2018 đã đạt 27,29 tỷ USD (tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái).

Những thị trường xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn nhất sang Việt Nam gồm Hàn Quốc; Trung Quốc và Nhật Bản.

Nhóm hàng xếp thứ hai là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với trị giá trong 8 tháng năm 2018 đạt 21,83 tỷ USD (giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Các sản phẩm có xuất xứ từ thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản trong 8 tháng năm 2018 đã chiếm tới 67,2% tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này.

Đứng thứ 3 là nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo với mức tăng trưởng ấn tượng. Trong 8 tháng qua kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 9,7 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017).

Thứ tư là nhóm hàng điện thoại và các linh kiện với trị giá nhập khẩu đạt 9,29 tỷ USD (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước).

Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện trong 8 tháng năm 2018 cho Việt Nam với trị giá chiếm 93% trị giá nhập khẩu của mặt hàng này. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc là 5,23 tỷ USD và từ Hàn Quốc là 3,45 tỷ USD.

Nhóm hàng nhập khẩu nhiều thứ năm là vải các loại, đạt 8,41 tỷ USD (tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước). Tiếp đến là nhóm hàng sắt thép các loại (lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 9,29 triệu tấn, trị giá 6,72 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng nhưng tăng 11% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017).

Đứng thứ bảy là hóa chất và sản phẩm từ hóa chất với trị giá 6,64 tỷ USD (tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2017). Ba nhóm hàng còn lại lần lượt là Kim loại; Nguyên phụ liệu dệt may, da, giày và nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu./.