22/01/2025 lúc 18:51 (GMT+7)
Breaking News

Tổng Bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh

- Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của đảng và nhân dân. Lời dặn dò “hãy giữ vững chí khí chiến đấu” trước lúc đi xa của đồng chí mãi mãi là phương châm hành động cho mỗi cán bộ đảng viên chúng ta trong mọi thế hệ.

Tấm gương tiêu biểu về lý tưởng sống và nhiệt huyết cách mạng

Xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, mới hơn 4 tuổi đã mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ, tuổi thơ Trần Phú đã trải qua những năm tháng đau buồn và cơ cực. Truyền thống quê hương qua những câu chuyện kể của người cha về các anh hùng, nghĩa sĩ quê hương Hà Tĩnh... đã góp phần hun đúc nên người thanh niên giàu chí khí, lòng yêu nước, yêu quê hương, căm ghét bọn cướp nước và bè lũ tay sai, có tinh thần học hỏi, vươn lên tìm cách báo thù nhà, đền nợ nước.

Hoạt cảnh trong màn sử thi lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã kết thân với nhiều bạn bè đồng hương, có cùng chí hướng lập ra nhóm “Thanh niên tu tiến hội” để cùng nhau đọc sách, trao đổi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Năm 1922, không chọn con đường "vinh thân, phù gia", người thanh niên trẻ tuổi đã chọn con đường dạy học để đến với thế hệ thanh, thiếu niên, truyền cho họ tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh cho tự do độc lập, cho một xã hội bình đẳng, không còn áp bức, bất công.

Là một thanh niên yêu nước, trăn trở tìm đường cách mạng, Trần Phú đã gia nhập và sớm trở thành một yếu nhân của Hội Phục Việt, hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước của Hội và cũng nhận thấy đường lối của Hội Phục Việt chưa được xác định rõ ràng. Trần Phú đã quyết định bỏ nghề dạy học để dấn thân vào con đường cách mạng bằng cách tìm đường sang Quảng Châu gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện về “đưởng cách mệnh" theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, được kết nạp vào “Cộng sản Đoàn", từ chủ nghĩa yêu nước đồng chí đã đến với lý tưởng cộng sản. Hạnh phúc đối với Trần Phú là từ khát khao đi tìm lý tưởng đã bắt gặp lý tưởng và quyết tâm đi theo con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi, sẵn sàng hiến dâng đời mình cho lý tưởng đã lựa chọn.

Nhà lý luận cách mạng tiên phong, Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất

Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Trần Phú đã tham gia hoạt động ở nhiều tổ chức cách mạng, sau đó được cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga; được cử vào BCH Trung ương lâm thời và được phân công soạn thảo Luận cương Chính trị.  Tại Hội nghị BCH Trung ương (tháng 10/1930), đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, khi mới 26 tuổi. Bằng trí tuệ và tầm vóc lý luận của mình, đồng chí Trần Phú đã soạn thảo Luận cương chính trị được thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương Đảng. Dự thảo Luận cương chính trị được soạn thảo dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 và được bổ sung bằng những kết quả khảo sát từ thực tiễn phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam.

Luận cương chính trị đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua những thử thách, từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang. Luận cương chính trị do đồng chí soạn thảo đã được kiểm nghiệm thực tế trong cào trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) trên quê hương đồng chí. Cao trào Xô viết ở Nghệ Tĩnh đã để lại nhiều bài học quý báu về sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là vai trò của tổ chức Đảng ở các địa phương, cơ sở.

Hội thảoTổng Bí thư Trần Phú - chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Phú thường xuyên quan tâm củng cố tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng; chú trọng công tác tuyên truyền, xây dựng Đảng về tư tưởng. Cuối tháng 12/1930, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng bàn việc đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận cho đảng viên và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tiếp đó, tháng 3/1931, đồng chí chủ trì Hội nghị lần thứ hai BCH Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương để bàn về công tác tổ chức của Đảng, của đoàn thể, đánh dấu sự ra đời của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát biểu tại Hội thảoTổng Bí thư Trần Phú - chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam

Trong trái tim người cộng sản Trần Phú, luôn bùng cháy ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân.

Trung thành tuyệt đối với Đảng,  bất khuất trước kẻ thù

Tháng 3-1931, tại Sài Gòn, đồng chí Trần Phú đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ hai, nhằm giải quyết một số vấn đề về nhận thức, tư tưởng, củng cố các cơ quan chuyên môn của Ðảng và các tổ chức quần chúng cách mạng. Vô cùng hoảng sợ trước cao trào cách mạng 1930 - 1931 và uy tín của Ðảng Cộng sản, kẻ thù đã ráo riết truy lùng người Tổng Bí thư trẻ tuổi, đầy tài năng. Ngày 19-4-1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Mặc cho kẻ thù dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, dọa nạt, tra tấn dã man, Trần Phú vẫn một lòng kiên trung với Ðảng, bình tĩnh, hiên ngang nhận mình là Tổng Bí thư, nhưng không hề để lộ bí mật của Ðảng. Ngày 6-9-1931, Trần Phú trút hơi thở cuối cùng ở nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), vì những đòn ác hiểm của kẻ thù, khi mới 27 tuổi. Trước lúc qua đời, đồng chí đã dùng chút sức lực cuối cùng còn lại để nhắn nhủ tới các đồng chí, đồng đội: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Lời nhắn nhủ đó của đồng chí Trần Phú đã đi vào lịch sử, trở thành lời cổ vũ, động viên, là phương châm và lý tưởng sống, cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, thanh niên. Đó không chỉ là lời nhắn nhủ những người cộng sản trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, vì độc lập tự do của Tổ quốc mà còn là lời nhắn nhủ mỗi đảng viên của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.

Một góc khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu xã Tùng Ảnh, Đức Thọ quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú hôm nay

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú tỏa sáng một nhân cách lớn, một tấm gương của người chiến sỹ cộng sản, cống hiến và hy sinh trọn đời vì đất nước và nhân dân với ý chí cách mạng kiên cường, kiên trì bền bỉ chịu đựng gian khổ, không hề nao núng, vượt qua mọi khó khăn để đảm đương nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng vô cùng khó khăn, thử thách.

Noi gương Trần Phú, Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giầu mạnh.

Ðảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vô cùng tự hào về Trần Phú, người con ưu tú của quê hương. Trong những năm tháng đấu tranh cách mạng và kháng chiến lâu dài, gian khổ trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng quê hương trong công cuộc đổi mới hiện nay, tấm gương sáng ngời của đồng chí Trần Phú đã cổ vũ, động viên và nuôi dưỡng chí khí của lớp lớp đảng viên cộng sản và nhân dân Hà Tĩnh vượt khó vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giầu mạnh.

Đường về Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh

Nông thôn Từ một tỉnh nghèo, với sự cố gắng nỗ lực vươn lên, Hà Tĩnh đang tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ logistics và xây dựng NTM bền vững, có môi trường hấp dẫn, được các nhà đầu tư lựa chọn làm “bến đỗ” cho nhiều dự án lớn. Năm 2023, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 646.000 tấn, hiện tất cả xã, phường trong tỉnh có điện lưới quốc gia, có đường ô-tô vào trung tâm xã; kinh tế đạt mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung cả nước. Đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế đạt 8,05%, đứng thứ 15/63 tỉnh thành cả nước. Có thể nói tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục,... của tỉnh đều có những tiến bộ vượt bậc, đời sống của người dân được nâng lên, tình hình chính trị ổn định, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng.

Trong dịp kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, để tỏ lòng biết ơn công lao của đồng chí, một phong trào thi đua sôi nổi dấy lên ở khắp các địa phương trong tỉnh; địa phương nào, đơn vị nào cũng có những công trình cụ thể hướng tới ngày kỷ niệm. Tin tưởng vào thành công của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, học tập và noi theo Trần Phú, Ðảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh sẽ phấn đấu hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ chỉ tiêu, kế hoạch mà Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

“Trước thềm Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, chiều 15/4 tại Hà Tĩnh đã diễn ra buổi tổng duyệt; Tham dự có đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Võ Trọng Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các ban nghành cùng tham dự 

Chương trình Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng được xây dựng kịch bản có thời lượng hơn 100 phút. Điểm nhấn là màn sử thi nghệ thuật mang tên: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” gồm 3 chương: Chương 1 “Khí phách Hồng La”; Chương 2 “Người Cộng sản kiên trung”; Chương 3 “Quê hương vang mãi lời anh”.

Cũng trước thềm kỷ niệm, Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”

Phát biểu tại Hội thảo này, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng tự hào khẳng định: Hà Tĩnh - quê hương của nhiều danh nhân, các nhà cách mạng tiêu biểu. Trong các giai đoạn lịch sử, Hà Tĩnh luôn có những người con ưu tú, kiệt xuất, đóng góp lớn cho quê hương, đất nước.

Tấm gương đạo đức cách mạng kiên trung của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là động lực to lớn cổ vũ Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng với nhân dân cả nước giành thắng lợi vĩ đại trong cách mạng tháng Tám năm 1945, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược”.

Trọng Thắng - Anh Bình

...