15/01/2025 lúc 11:39 (GMT+7)
Breaking News

Tôn vinh truyền thống dân tộc đề cao danh nhân, xây dựng tương lai Việt Nam mạnh giàu bản sắc

Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn vinh các danh nhân văn hóa Việt Nam được UNESCO ghi danh. Những danh nhân này không chỉ để lại di sản văn hóa quý giá cho dân tộc mà còn đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại. Họ là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần nhân văn, khả năng sáng tạo, và sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và phát triển văn hóa.

Ảnh: baotintuc.vn

Việc tôn vinh và bảo tồn di sản của các danh nhân là trách nhiệm chung của người dân Việt Nam và toàn nhân loại. Điều này bao gồm việc tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, và sử dụng công nghệ hiện đại để lưu giữ và truyền tải giá trị của các di sản văn hóa này. Bài viết cũng chỉ ra những thách thức trong công tác tôn vinh danh nhân như sự tác động của văn hóa ngoại lai, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu, khó khăn trong việc truyền tải thông tin. Đồng thời, bài viết đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn này, như: Xây dựng các chương trình giáo dục hấp dẫn; Tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng; Thành lập các quỹ hỗ trợ nghiên cứu; Đổi mới công tác lưu trữ, số hóa di sản; Tăng cường hợp tác quốc tế.

Kết luận bài viết khẳng định rằng tôn vinh danh nhân và gìn giữ bản sắc văn hóa là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Bằng việc hiểu rõ hơn về vai trò của các danh nhân và những giá trị mà họ để lại, chúng ta có thể góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam văn minh, giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc.

1. Mở đầu

Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, những danh nhân văn hóa luôn là những ngôi sao sáng, tỏa rạng ánh hào quang, soi đường chỉ lối cho con cháu đời sau. Họ là những người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, để lại cho hậu thế một di sản văn hóa vô cùng quý báu. Việc tôn vinh và học hỏi những giá trị mà họ để lại không chỉ là sự tri ân mà còn là cách để chúng ta gìn giữ bản sắc dân tộc, xây dựng một đất nước văn minh, giàu mạnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức. Làm thế nào để chúng ta có thể vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa hội nhập với thế giới? Câu trả lời có lẽ nằm ở việc tôn vinh những danh nhân văn hóa, những người đã trở thành biểu tượng văn hóa và góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam độc đáo, đa dạng.

Bài viết sẽ đề cập vai trò của các danh nhân văn hóa trong việc góp phần định hình và bảo tồn bản sắc dân tộc, đồng thời đề xuất một số giải pháp để tôn vinh họ - những biểu tượng văn hóa một cách hiệu quả hơn.

2. Nội dung

2.1. Danh nhân văn hóa - biểu tượng của bản sắc dân tộc

Các danh nhân văn hóa Việt Nam nói chung, và 07 danh nhân văn hóa được tổ chức UNESCO ghi danh bao gồm Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Lê Hữu Trác, không chỉ là những tài năng, mà còn trở thành những biểu tượng của văn hóa/ văn hiến dân tộc. Họ đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn học, tư tưởng có giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần định hình tâm hồn và nhân cách con người Việt Nam.

1) Nguyễn Trãi (1380-1442), anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Bình Ngô đại cáo, không chỉ là một áng văn bất hủ mà còn là lời tuyên ngôn độc lập đầy khí phách, khẳng định tinh thần dân tộc tự cường. Với triết lý "lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều... thắng hung tàn bằng đại nghĩa", Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà quân sự, chính trị tài ba mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước và độc lập tự cường. Ông cũng là một nhà văn hóa kiệt xuất với nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, và lễ nghi, thể hiện sự phong phú và đa dạng của văn hóa dân tộc.

2) Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969), anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Với mục đích cao nhất là làm cho đất nước hoàn toàn độc lập và người dân được no ấm, học hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nền tảng cho một nền văn hóa mới, kết tinh những giá trị cao đẹp của cả phương Đông và phương Tây, để lại di sản tư tưởng sâu sắc về nhân nghĩa, hòa bình, độc lập dân tộc, tự do con người, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, là ánh sáng dẫn đường cho nền văn hóa Việt Nam trong tương lai.

3) Nguyễn Du (1765-1820), đại thi hào dân tộc. Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du không chỉ đưa văn học Việt Nam trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại mà còn ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thi đàn quốc tế. Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khẳng định giá trị của ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, đưa tiếng Việt đến với bạn bè quốc tế qua hơn 20 ngôn ngữ khác nhau (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Mông Cổ, Ả Rập, Nga...) với trên 60 bản dịch khác nhau. Nguyễn Du, qua Truyện Kiều, không chỉ là một nhà thơ tài ba mà còn là một nhà tư tưởng sâu sắc. Tác phẩm của ông không chỉ là một áng văn bất hủ mà còn là một bức tranh xã hội sinh động, phản ánh chân thực số phận của người phụ nữ Việt trong xã hội phong kiến. Qua hình tượng Thúy Kiều, Nguyễn Du đã khẳng định giá trị nhân phẩm và khát vọng hạnh phúc của con người, góp phần nâng cao vị thế của văn học Việt Nam trên trường quốc tế. Truyện Kiều không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là một bài học về tình yêu, đạo đức, và cuộc sống.

4) Chu Văn An (1292-1370), người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc đã để lại những bài học quý báu về đạo đức, nhân cách, góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam.

Triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Chu Văn đã đề cao giá trị của tri thức và giáo dục. Quan điểm giáo dục của ông có tính tiến bộ vượt thời đại, nhấn mạnh tầm quan trọng của học tập suốt đời và cống hiến cho xã hội, phản ánh sự tôn trọng tri thức trong văn hóa Việt Nam.

5) Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn, thày thuốc đông y. Là tấm gương vượt qua khó khăn để theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời, Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần khích lệ lòng yêu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, vì lợi ích cộng đồng và tinh thần nhân văn qua thơ văn của mình. Tác phẩm Lục Vân Tiên của ông chứa đựng những giá trị đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện sự kết nối giữa văn học và văn hóa dân tộc.

6) Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 –1822), được tôn vinh là “Bà chúa thơ Nôm”. Với lối làm thơ phá cách và ngôn ngữ bình dị, Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự sáng tạo và tư duy độc lập trong văn chương, đồng thời đấu tranh cho bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ. Bà là biểu tượng cho sự mạnh mẽ và tinh thần tiên phong của người phụ nữ Việt Nam trong văn hóa.

7) Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791) là một đại danh y có những đóng góp xuất sắc cho y học. Lê Hữu Trác đã hệ thống hóa y học cổ truyền Việt Nam, sáng tạo ra nhiều phương pháp chữa bệnh hiệu quả và đào tạo nhiều thế hệ thầy thuốc. Ông còn là một nhà văn, nhà thơ tài năng, có những đóng góp quan trọng vào kho tàng văn học Việt Nam. Ông có tư tưởng tiến bộ, luôn tìm tòi, học hỏi và không ngừng nâng cao trình độ, luôn đặt con người vào trung tâm, quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của mọi người.

Lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra những tài năng kiệt xuất, những con người tài hoa, để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm người dân. Bảy danh nhân văn hóa được UNESCO vinh danh là minh chứng hùng hồn cho trí tuệ và tâm hồn Việt.

Các danh nhân này không chỉ là những tài năng sáng chói mà còn là những tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần nhân văn, sự sáng tạo và ý chí vươn lên. Họ đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa vô cùng quý báu, góp phần làm phong phú và đa dạng hóa kho tàng văn hóa nhân loại. Tinh thần nhân văn sâu sắc được thể hiện rõ nét qua tư tưởng "nhân ái" của Nguyễn Trãi, tình yêu thương con người của Nguyễn Du, hay tấm lòng vị tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự sáng tạo không ngừng được minh chứng qua những tác phẩm văn học, nghệ thuật độc đáo của các danh nhân. Cùng với đó, tinh thần học hỏi, khám phá không ngừng nghỉ đã giúp các nhà khoa học như Hải Thượng Lãn Ông có những đóng góp to lớn cho nền y học cổ truyền Việt Nam.

Những giá trị văn hóa mà các danh nhân này để lại không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ trẻ hôm nay, giúp chúng ta tự hào về dân tộc mình và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Việc học tập và làm theo tấm gương của các bậc tiền nhân là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời góp phần đưa văn hóa Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế.

2.2. Tôn vinh danh nhân là góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa

Các danh nhân văn hóa Việt Nam nói chung, và 07 danh nhân văn hóa được UNESCO ghi danh nói riêng không chỉ là những tài năng xuất chúng mà còn là biểu tượng của tinh thần dân tộc. Từ những tư tưởng nhân văn sâu sắc trong tác phẩm của Nguyễn Trãi, sự trác việt trong nghệ thuật và thơ văn của Hồ Xuân Hương, đến sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả đều minh chứng cho nền văn hóa Việt Nam không chỉ bền bỉ, trường tồn mà còn có khả năng hội nhập và cống hiến cho sự phát triển chung của văn hóa thế giới.

Những phẩm chất cao quý như lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập tự cường, sự nhân văn và đức hy sinh vì cộng đồng, khả năng sáng tạo và tư duy đột phá, tinh thần học hỏi không ngừng, sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và tư tưởng mới, cùng sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và phát triển văn hóa dân tộc, đã được kết tinh trong cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân này. Những phẩm chất này không chỉ phản ánh trong cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ người Việt Nam sau này, làm nên bản sắc độc đáo và giá trị lâu bền của văn hóa Việt Nam.

Tôn vinh danh nhân là cách để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã có công xây dựng đất nước, đồng thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi mà văn hóa truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức. Những hình thức tôn vinh đã được thực thi ở Việt Nam bao gồm:

Xây dựng các công trình tưởng niệm: Đền, miếu, lăng mộ, tượng đài... là những nơi để mọi người đến tưởng niệm và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân.

Đặt tên: Đặt tên đường phố, trường học, giải thưởng theo tên các danh nhân để ghi nhớ công lao của họ.

Tổ chức các hoạt động văn hóa: Lễ hội, hội thảo, triển lãm, các chương trình nghệ thuật... giúp quảng bá hình ảnh của các danh nhân đến đông đảo công chúng.

Truyền thông: Sách, báo, phim, truyền hình, mạng xã hội... là những kênh thông tin hiệu quả để giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân.

Giáo dục: Lồng ghép nội dung về các danh nhân vào chương trình giảng dạy ở các cấp học để giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa dân tộc.

2.3. Thách thức và giải pháp

Tuy nhiên, việc tôn vinh danh nhân và bảo vệ bản sắc văn hóa Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đáng lo ngại nhất là sự tác động mạnh mẽ của văn hóa đại chúng phương Tây, khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, dần rời xa các giá trị truyền thống, ít quan tâm đến việc tìm hiểu về lịch sử và văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, việc thiếu các nghiên cứu chuyên sâu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của các danh nhân cũng hạn chế việc chúng ta có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về những đóng góp của họ. Cuối cùng, việc truyền tải thông tin về các danh nhân đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ, còn nhiều hạn chế, khiến cho nhiều người chưa thực sự hiểu rõ và trân trọng những giá trị mà các danh nhân đã để lại.

Để khắc phục những khó khăn này, chúng ta cần, xây dựng các chương trình giáo dục hấp dẫn, phù hợp với tâm lý và sở thích của giới trẻ. Việc ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại như STEAM, kết hợp với công nghệ thông tin, sẽ giúp truyền tải kiến thức về các danh nhân một cách sinh động, trực quan, từ đó khơi gợi sự tò mò và hứng thú học hỏi của học sinh.

Cần tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa xoay quanh hình ảnh các danh nhân. Việc sản xuất các sản phẩm văn hóa như phim, truyện tranh, trò chơi... dựa trên cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân không chỉ giúp quảng bá hình ảnh của họ đến công chúng mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm văn hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của mọi người.

Việc thành lập các quỹ hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về danh nhân Việt Nam và thế giới là vô cùng cần thiết. Điều này sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều tài liệu, tư liệu quý báu để nghiên cứu, làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của các danh nhân, từ đó có những đánh giá khách quan và toàn diện hơn.

Việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa là một hướng đi đúng đắn. Thông qua hợp tác, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, đồng thời giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc mình ra thế giới.

Về tổng thể, để tiếp tục tôn vinh và bảo tồn di sản của các danh nhân văn hóa Việt Nam, đòi hỏi một hệ thống giải pháp đồng bộ và toàn diện. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn di sản vật thể, nghiên cứu sâu rộng, giáo dục truyền thông hiệu quả, ứng dụng công nghệ hiện đại và hợp tác quốc tế...

Thứ nhất, việc bảo tồn và phát huy các di tích, công trình liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân là vô cùng quan trọng. Qua đó, không chỉ gìn giữ những giá trị vật chất quý báu mà còn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ và du khách tìm hiểu về lịch sử và văn hóa dân tộc.

Thứ hai, việc nghiên cứu sâu rộng về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của các danh nhân là nền tảng để chúng ta có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về những đóng góp của họ. Việc tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học, xuất bản sách, báo, tạp chí, làm phim... sẽ giúp phổ biến rộng rãi những kiến thức này đến công chúng.

Thứ ba, giáo dục truyền thông về các danh nhân cần được lồng ghép vào chương trình học ở các cấp học. Việc ứng dụng phương pháp STEAM sẽ tạo ra những bài học sinh động, hấp dẫn, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận và ghi nhớ kiến thức. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa như cuộc thi, trại hè cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần học hỏi của thế hệ trẻ.

Thứ tư, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc bảo tồn và quảng bá di sản là điều cần thiết. Số hóa các tư liệu, xây dựng các nền tảng trực tuyến sẽ giúp bảo tồn di sản một cách lâu dài và mở rộng đối tượng tiếp cận.

Cuối cùng, hợp tác quốc tế là một yếu tố quan trọng để nâng cao vị thế của các danh nhân Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua hợp tác, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác và giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc mình đến bạn bè quốc tế.

3. Kết luận

Con người là tinh hoa trời đất, là vốn quý nhất. Tôn vinh các danh nhân văn hóa và gìn giữ bản sắc dân tộc là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không chỉ để tri ân những đóng góp to lớn của họ mà còn để khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy văn hóa thế giới. Bằng cách hiểu rõ và tiếp tục phát huy những giá trị mà họ để lại, chúng ta có thể góp phần xây dựng một Việt Nam văn minh, giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc./.

PGS.TS Phạm Lan Oanh,

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

...