24/01/2025 lúc 02:57 (GMT+7)
Breaking News

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện

VNHN – Chính sách của Nhà nước với phát triển sự nghiệp thư viện; mạng lưới thư viện; thành lập thư viện; phát triển thư viện số và hiện đại hóa thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện… là những nội dung lớn được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đóng góp đối với dự án Luật Thư viện.

VNHN – Chính sách của Nhà nước với phát triển sự nghiệp thư viện; mạng lưới thư viện; thành lập thư viện; phát triển thư viện số và hiện đại hóa thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện… là những nội dung lớn được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đóng góp đối với dự án Luật Thư viện.

Ảnh minh họa

Họp phiên toàn thể tại Hội trường chiều 5/11, Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Thư viện dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Theo chương trình nghị sự, đây là dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.

Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện.

Phát biểu tại thảo luận, liên quan đến chính sách của Nhà nước với phát triển sự nghiệp thư viện, các đại biểu đồng tình với quy định chính sách của Nhà nước ở 3 cấp độ. Một số hoạt động thư viện cần được đầu tư và hiện đại hóa, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thư viện nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thư viện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đề nghị cần bổ sung chính sách xã hội hóa để phát triển thư viện.

Về mạng lưới thư viện, các đại biểu cơ bản nhất trí với các khái niệm từng loại thư viện, đề nghị bổ sung quy định về mô hình hoạt động các loại thư viện được quy định trong dự thảo Luật.

Đề cập đến vấn đề thành lập thư viện, một số ý kiến cho rằng cần quy định điều kiện thành lập thư viện chung cho cả thư viện công lập và ngoài công lập. Trong đó thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập thư viện thực hiện theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập đối với thư viện công lập, các thư viện còn lại được thực hiện theo quy định của pháp luật điều chỉnh việc thành lập cơ quan, tổ chức chủ quản của thư viện.

Một số đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể về quyền của một số đối tượng đặc thù trong lĩnh vực thư viện và quy định trách nhiệm của các thư viện trong việc phục vụ các đối tượng đặc thù nhằm tạo điều kiện cho đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận các dịch vụ thư viện.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đóng góp ý kiến về một số nội dung như: Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; nguồn tài chính của thư viện; liên thông thư viện; thư viện cộng đồng; các hành vi bị nghiêm cấm; xử lý tài nguyên thông tin và tổ chức hệ thống tra cứu thông tin; tài nguyên thông tin sử dụng hạn chế trong thư viện; chức năng của thư viện; quản lý nhà nước về thư viện; xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện; đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện; ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam…

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Thư viện sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua.