Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực trẻ, năng động, có thế mạnh trong các lĩnh vực về toán, khoa học công nghệ, là nền tảng nguồn nhân lực có thể chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn…
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (Vietnam Research and Development Center - VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI được kỳ vọng là nền tảng giúp Nvidia cùng các đối tác trong nước triển khai AI tiên tiến.
Việc tăng cường mối quan hệ hợp tác với các quốc gia, đặc biệt là quốc gia phát triển trên thế giới sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam, trong đó phải kể đến việc tăng cường vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mở rộng thương mại, chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng... Tuy vậy, để tận dụng tốt hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, sẵn sàng đón dòng vốn FDI, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài.
Bất cập cần khắc phục
Luật Đầu tư (sửa đổi năm 2020) tuy đã có nhiều quy định mới về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tận dụng nguồn lực từ trong nước cũng như thúc đẩy việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam như: bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư (hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành); bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này (như: áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật). Đặc biệt, Luật Đầu tư (sửa đổi 2020) cũng đã bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay…
Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật Đầu tư 2020 đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về đầu tư. Cụ thể như: Luật chưa có quy định thống nhất trong việc quyết định chủ trương thực hiện dự án (đối với dự án ngoài ngân sách) với kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Hay như những rào cản về thủ tục hành chính, quy định về phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan… mà đại diện các nhà đầu tư nước ngoài đã chỉ ra và kiến nghị đến Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài hồi tháng 4/2023.
Trong bối cảnh hiện nay, FDI gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái (FDI xanh) là vấn đề được nhiều nước quan tâm. Khi một nước nhận được các dự án FDI xanh sẽ có cơ hội đón nhận các công nghệ ít tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, công nghệ thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo tinh thần đó, về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam cần đổi mới chính sách thu hút FDI, chuyển từ thu hút FDI “theo chiều rộng” sang thu hút FDI “theo chiều sâu”, trong đó tập trung khuyến khích thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, góp phần xanh hóa các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường quốc gia, khu vực và thế giới.
Liên quan đến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, hiện nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan… đã và đang thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu thông qua hình thức ưu đãi, trợ cấp. Điều này tác động không nhỏ đến sức hút môi trường đầu tư của nước ta, đòi hỏi Việt Nam cần khẩn trương xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Theo đó, việc đổi mới chính sách thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, hướng vào các công nghệ ít tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, công nghệ ít phế thải, công nghệ khép kín, công nghệ xanh là yêu cầu cần thiết hiện nay.
Giải pháp được đề xuất
Các chuyên gia cho rằng, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI, đón làn sóng đầu tư mới từ nhiều quốc gia phát triển, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật minh bạch, đơn giản, tránh chồng chéo giữa các văn bản luật gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Theo đó:
- Cần sớm hoá giải các quy định xung đột, chồng chéo còn tồn tại trong các văn bản luật. Cần đặc biệt lưu ý nghiên cứu sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, quy định về tiếp cận tài nguyên đất đai, tài chính… liên quan đến hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
- Tập trung rà soát và kịp thời tháo gỡ những rào cản về thủ tục hành chính, quy định về phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan; các quy định về chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế… để môi trường đầu tư kinh doanh thực sự trở nên thông thoáng hơn hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm nhà đầu tư Hoa Kỳ.
- Đặc biệt, cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN và sửa đổi đồng bộ các luật thuế có liên quan khác, để giải tỏa nỗi lo lắng khi thuế tối thiểu toàn cầu (có hiệu lực vào năm 2024) sẽ ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư và hiệu quả của dự án của cộng đồng doanh nghiệp FDI. Trong đó, cần bổ sung quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu; quy định về quyền đánh thuế bổ sung phần thuế chênh lệch đối với các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài... Để làm được điều này, theo các chuyên gia, cần thực hiện các nội dung sau:
1. Hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng ưu tiên thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các khu vực kinh tế trong nước, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, toàn cầu.
2. Tiếp tục sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút FDI có chọn lọc vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo và lĩnh vực công nghệ cao. Việc sửa đổi các cơ chế chính sách này cần đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư và Nhà nước và đối xử công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài.
3. Bên cạnh đó, cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng phát triển công nghệ bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, kinh tế tuần hoàn, phát triển công nghệ mới hướng tới tiêu dùng xanh. Cụ thể: Cần lập quy hoạch phát triển sản xuất xanh trong tất cả ngành của nền kinh tế hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Rà soát và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách tiêu dùng xanh theo hướng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch. Đồng thời, đẩy mạnh chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi liên quan đến tiêu dùng xanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm xã hội, tầm quan trọng và lợi ích kinh tế từ việc chuyển đổi mô hình sang phát triển công nghệ bền vững, công nghệ xanh và chứng chỉ các bon…/.
Ths Lê Xuân Đăng