22/01/2025 lúc 18:08 (GMT+7)
Breaking News

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính

Ngày nay, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương gắn với cải cách thủ tục hành chính… vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại.

Ý nghĩa quan trọng và kết quả thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền

Phân cấp, phân quyền được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và trong các văn bản pháp luật chuyên ngành (lĩnh vực đất đai, y tế, giáo dục, lao động, an sinh xã hội…).

Nghị quyết số 27-NQ/TW (ngày 09/11/2022) Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, phân cấp, phân quyền và kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”.

Trước đó, Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước cũng đã xác định rõ mục tiêu đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, của pháp luật, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ Nhân dân.

Việc thực hiện phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực một cách khoa học, hợp lý có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy năng lực, vị trí, vai trò của các cấp chính quyền. Các cơ quan trung ương (Chính phủ, bộ, ngành) tập trung hơn vào hoạch định chính sách vĩ mô; các cơ quan chính quyền địa phương, nhất là cấp tỉnh, được phân cấp nhiều hơn trong việc quản lý nhà nước trên địa bàn, thực hiện phê duyệt, đánh giá, chấp thuận, cấp phép và thực hiện các thủ tục hành chính...

Việc phân cấp, phân quyền hợp lý cũng là cơ sở để chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt vai trò “kép”: vừa là cơ quan thực hiện pháp luật do chính quyền trung ương hoặc chính quyền cấp trên ban hành, vừa là cơ quan trực tiếp giải quyết các công việc riêng, có tính đặc thù của địa phương. Đồng thời, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cũng góp phần bảo đảm sự điều hành thông suốt của nền hành chính quốc gia theo Hiến pháp và pháp luật, tăng cường sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp.

Đi đôi với phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính là một yêu cầu quan trọng cần được tiếp tực thực hiện. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên cả 6 nội dung: 1- Cải cách thể chế; 2- Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); 3- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; 4- Cải cách chế độ công vụ; 5- Cải cách tài chính công; 6- Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Công tác chỉ đạo điều hành đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới; nhiều vướng mắc về sản xuất kinh doanh, tài khóa, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng, đất đai, các mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình hạ tầng chiến lược… được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, công tác cải cách tổ chức bộ máy được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến tích cực. Đa số các bộ đã hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức bên trong; 63/63 địa phương cơ bản hoàn thành rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các sở, ngành; bộ máy tổ chức đã được tinh gọn đáng kể. Quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TPHCM; đồng thời Quốc hội đang xem xét dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Liên quan tới chủ trương phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính, mới đây ngày 06/8/2024, tại Phiên họp Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, đã ra mắt Ban Chỉ đạo Tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV. Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo xác định rõ mục tiêu xây dựng Đề án tổng kết; đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Việc tổng kết cơ cấu tổ chức của Chính phủ qua các nhiệm kỳ là cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng để nghiên cứu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chính phủ phù hợp với cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và với tình hình thực tế, nhằm góp phần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần các Nghị quyết, Kết luận của Đảng.

Một số giải pháp nhằm hoàn thiện phân cấp, phân quyền gắn với cải cách thủ tục hành chính

Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống các quy định về phân cấp, phân quyền ở nước ta vẫn còn những hạn chế, như: Một số quy định còn biểu hiện phân tán, cục bộ; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, chưa chú trọng việc thanh tra, kiểm tra đối với những việc đã phân cấp cho địa phương. Còn tình trạng phân cấp đồng loạt và đại trà, không phân biệt về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội giữa các địa phương và thực hiện trong một cơ chế, chính sách chung trong phân cấp. Vẫn còn một số quy định về phân cấp không đồng bộ; chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Quy định về phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương chưa bảo đảm tương ứng các điều kiện cần thiết để thực hiện, còn thiếu sự đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực có liên quan, chưa tạo điều kiện thực tế cho chính quyền các cấp chủ động cân đối các nguồn lực và nhu cầu cụ thể của mình. Phân cấp còn chậm, thiếu kiên quyết, thiếu các điều kiện nguồn lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ…

Vì vậy, cần có các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền đảm bảo tính thống nhất, góp phần xây dựng Nhà nước vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.

*Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quy định của Hiến pháp; trong đó: Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách; Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

Theo đó, hoàn thiện các quy định phân quyền quản lý Nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương theo ngành, lĩnh vực; Hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý Nhà nước giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực.

*Gắn phân cấp, phân quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

+ Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương, gắn phân cấp, phân quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên bảo đảm các nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

+ Trên cơ sở hoàn thiện các quy định về phân cấp, phân quyền, các cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm rà soát lại tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, điều chỉnh số lượng biên chế cho phù hợp để thực hiện có hiệu quả các quy định về phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước, bảo đảm chuyển giao nhiệm vụ gắn với chuyển giao tổ chức bộ máy và biên chế.

+ Bố trí đủ các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để các cơ quan, tổ chức sau khi được sắp xếp, kiện toàn có đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

+ Cần chú trọng CCHC từ cơ sở, nghiên cứu giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện để tăng cường cho cơ sở để giải quyết thủ tục, công việc cho người dân và doanh nghiệp. Không đùn đẩy, phải đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, không gây lãng phí nguồn lực.

+ Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC được giao. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nào chưa trực tiếp phụ trách công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thì phải phân công ngay. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở thực hiện nghiêm túc việc lắng nghe, tăng cường đối thoại để trực tiếp nắm bắt thực tiễn và chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp./.

TS. Lê Văn Hào

...