20/05/2024 lúc 08:21 (GMT+7)
Breaking News

Tiền Giang, Long An khẩn trương đối phó sạt lở bờ sông

VNHNO - Biến đổi khí hậu đang tác động rất mạnh đến dòng chảy, làm cho bờ sông các tỉnh Tiền Giang, Long An cũng như các tỉnh khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sạt lở rất nghiêm trọng, phức tạp, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của hàng nghìn người dân…

VNHNO - Biến đổi khí hậu đang tác động rất mạnh đến dòng chảy, làm cho bờ sông các tỉnh Tiền Giang, Long An cũng như các tỉnh khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sạt lở rất nghiêm trọng, phức tạp, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của hàng nghìn người dân…

Nguy cơ sạt lở ngày càng cao

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp cho biết: “Sạt lở bờ sông tại Tiền Giang có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Từ năm 2010 đến 2017, tỉnh đã xử lý 545 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh với tổng chiều dài khoảng 26,135 km, tổng kinh phí hơn 154 tỷ đồng”.

Rạch Dâu “ngoạm” sâu vào một con đường ở ấp 2, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè (Tiền Giang)

Trong bảy tháng đầu năm 2018, Tiền Giang đã xảy ra 67 điểm sạt lở với chiều dài hơn 6,7 km, tổng kinh phí dự toán để xử lý là 50,2 tỷ đồng. Trong đó, tại huyện Cái Bè có chín điểm, chiều dài 716 m; huyện Cai Lậy 26 điểm, chiều dài 4.233 m; thị xã Cai Lậy tám điểm, chiều dài 912 m; huyện Châu thành 21 điểm, chiều dài 641 m; TP Mỹ Tho có ba điểm, chiều dài 227 m. Tỉnh đã xử lý được 11 điểm với tổng chiều dài hơn 1,1 km; kinh phí 27,9 tỷ đồng. Các điểm còn lại, địa phương đang hoàn chỉnh thủ tục chuẩn bị triển khai thi công.

Tương tự, tại Long An đang có hơn chục điểm sạt lở. Tình hình sạt lở bờ sông nghiêm trọng nhất tập trung trên các tuyến kênh, sông lớn như: sông Vàm Cỏ, sông Cần Giuộc, kênh Nước Mặn thuộc các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Thạnh Hóa, Thủ Thừa…

Vụ sạt lở gần đây nhất xảy ra ngày 7-7 trên kênh Dương Văn Dương (xã Thủy Tây, Thạnh Hóa) làm sáu căn nhà bị hư hỏng nặng, các hộ dân phải di dời khẩn cấp; sạt lở trên đê sông Vàm Cỏ (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) làm một căn nhà bị sập, giao thông bị đình trệ, không thể đi lại.

Nguy hiểm nhất là khu vực thị trấn Cần Giuộc nằm bên sông Cần Giuộc có chiều dài hơn 1,6 km với hàng trăm hộ dân đang sống và mưu sinh trong những căn nhà tường, nhà cao tầng nằm sát bên miệng “thủy thần”. Theo thống kê của ngành thủy lợi Long An, từ năm 2012 đến nay, khu vực này đã có 12 căn nhà và một chợ bị trôi xuống sông. Bà Lê Thị Hồng Huỳnh, ở thị trấn Cần Giuộc cho biết: Lúc mới về ở khu vực chợ này, đất cất nhà doi ra mé sông hơn 5 m, nay thì lở hết nên phải dựng nhà sàn trên sông để ở.

Cũng trên sông Cần Giuộc, tại ấp 4, xã Long Hậu, sạt lở đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 300 hộ dân, trong đó có 63 hộ đang sống ngay khu vực sạt lở cần phải di dời khẩn cấp. Trong 10 năm trở lại đây, đã có 10 căn nhà trôi xuống sông, còn lại 63 căn thì đã có nhiều nhà bị nghiêng, tường bị nứt nhiều chỗ, kết cấu không còn bền vững và không bảo đảm an toàn để sinh sống.

Bà Lê Thị Kim Loan, ở ấp 4, xã Long Hậu cho biết: “Từ năm 2007 đến nay, sạt lở cuốn mất dãy nhà của bố, chị gái tôi. Riêng nhà tôi bị sạt lở mất mấy phòng nằm sát mé nước, phần đất sạt lở dài khoảng 8 m. Các hộ dân mong chính quyền xem xét làm bờ kè cho dân được sinh sống an toàn”.

Thực hiện đồng bộ giải pháp trị thủy

Thời gian qua, các tỉnh Long An, Tiền Giang đã nghiên cứu và triển khai những giải pháp công trình, phi công trình để bảo đảm lâu dài cho việc chống sạt lở bờ sông. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Long An Lê Văn Hoàng, trước tình hình sạt lở bờ sông Cần Giuộc đang diễn ra nghiêm trọng, việc thực hiện công trình kè chống sạt lở là yêu cầu cấp bách, nhằm bảo vệ tính mạng, cuộc sống của cộng đồng dân cư cũng như kết cấu hạ tầng, công trình, đường sá giao thông. Sở đang phối hợp các cơ quan liên quan để chuẩn bị triển khai dự án kè chống sạt lở bờ sông Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc).

Dự án có tổng mức đầu tư 353 tỷ đồng từ nguồn vốn T.Ư hỗ trợ, ngân sách đối ứng của địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác; được chia thành hai tiểu dự án, trong đó tiểu dự án 1 gồm 1.650 m kè kéo dài từ rạch Trị Yên đến hạ lưu bến phà Cần Giuộc (thuộc thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, Long An); tiểu dự án 2 gồm 750 m kè thuộc ấp 4, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc. Tiểu dự án 2 và một phần tiểu dự án 1 sẽ được ưu tiên thực hiện trước, dự kiến khởi công xây dựng trong quý IV-2018, hoàn thành sau 18 tháng thi công. Phần còn lại của dự án sẽ được thực hiện khi có nguồn vốn bổ sung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết: “Địa phương đã có các giải pháp công trình kè như: gia cố bằng bê-tông, kè mềm, vận động người dân tự gia cố... Ngoài nguồn kinh phí địa phương, tỉnh tranh thủ nguồn vốn T.Ư, vốn ODA, đầu tư khắc phục những điểm sạt lở lớn, vượt quá khả năng cân đối kinh phí đầu tư của tỉnh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép Tiền Giang xử lý khẩn cấp bốn điểm nóng sạt lở với tổng kinh phí 130 tỷ đồng giai đoạn 1: cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), kè kênh Ba Rài (Cai Lậy), cù lao Tân Long (TP Mỹ Tho), cồn Cống (huyện Tân Phú Đông).

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật và giải pháp phi công trình, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng ngừa sạt lở; vận động người dân trồng lục bình, trồng cây chắn sóng trên kênh rạch để chống sạt lở.

Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên rà soát, dự báo tình hình sạt lở ở ven sông, ven biển để có giải pháp gia cố, lập kế hoạch xử lý kịp thời; tăng cường công tác dự báo, kiểm soát các điểm có nguy cơ sạt lở để khẩn trương xử lý các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm; chỉ đạo các địa phương kiểm soát không để người dân xây dựng nhà ở, các công trình gần bờ, xử lý trình trạng vi phạm xây dựng lấn chiếm dòng sông làm co hẹp, thay đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông; các ngành công an, môi trường và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác cát trái phép làm xói lở bờ sông, kênh rạch; vận động người dân tố giác các hành vi trái pháp luật gây ảnh hưởng đến sông rạch…

Mặc dù chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng người dân tại các địa phương vẫn chưa thể yên tâm trước những diễn biến phức tạp của tình trạng sạt lở bờ sông. Để giải quyết căn bản vấn đề này, các địa phương mong muốn được hỗ trợ kịp thời nguồn vốn thực hiện các công trình trọng điểm chống sạt lở. Hiện, nhiều công trình lớn vẫn chờ vốn cho nên chưa thể thực hiện đúng tiến độ./.

Theo Nhandan.com.vn