28/11/2024 lúc 03:41 (GMT+7)
Breaking News

Bất an sạt lở đất bờ sông ở Cà Mau

VNHNO - Vào mùa mưa bão hằng năm, cư dân vùng sông nước Cà Mau lại thấp thỏm, bất an với nỗi lo từ thiên tai, sụp lún, sạt lở đất ven sông, đe dọa cả tính mạng và tài sản của họ…

VNHNO - Vào mùa mưa bão hằng năm, cư dân vùng sông nước Cà Mau lại thấp thỏm, bất an với nỗi lo từ thiên tai, sụp lún, sạt lở đất ven sông, đe dọa cả tính mạng và tài sản của họ…

Những ngôi nhà tạm của người dân tại chợ Tân Tiến (huyện Đầm Dơi) có thể bị nước cuốn trôi bất cứ lúc nào

Những ngày không bình yên

Con sông Biện Trượng đổ nước ra vùng biển tây của Cà Mau mùa này chảy xiết. Vào cao điểm, độ chênh lệch giữa nước lớn và nước ròng rất cao, có nơi gần 3 m. Dòng nước mạnh như thác lũ ấy là thủ phạm cuốn mất nhiều nhà dân sinh sống cặp triền sông, trong đó có nhà của gia đình ông Trần Văn Nhớ, ngụ ấp Trại Lưới (xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, Cà Mau).

Rạng sáng 20-5, ông Nhớ tỉnh giấc, bơi xuồng đi bắt cua để kiếm tiền lo viện phí cho vợ và hai cô con gái đang nằm viện. Bất ngờ, ông nghe bờ đất chung quanh chuyển động mạnh. Linh tính có chuyện chẳng lành, ông Nhớ xô dạt mũi xuồng ra khỏi bãi đất trống thì đúng lúc đó, toàn bộ căn nhà của ông bị sụp xuống sông Biện Trượng. Sau gần hai tháng tìm kiếm, ông và những người thân chỉ vớt được mỗi cái bàn thờ, mọi thứ còn lại đã bị nước cuốn mất.

Trong căn chòi ọp ẹp được cất tạm để làm nơi trú mưa, che nắng sau vụ sạt lở, vợ chồng ông Nhớ và hai đứa con gái ngồi co ro sau cơn mưa dầm. Gia đình ông thuộc hộ nghèo. Giờ, cái nơi trú mưa che nắng cũng chắp vá, thì chuỗi ngày tới đây, biết làm gì để có đủ cái ăn trong mùa mưa gió.

Năm Căn là một trong ba địa phương ven biển của tỉnh Cà Mau thường xuyên xảy ra sụp lún, sạt lở đất, nhất là vào cao điểm mùa mưa bão hằng năm. Trong đó, các xã Lâm Hải, Hàng Vịnh, thị trấn Năm Căn... được coi là điểm nóng. Trong ba ngày liên tục hồi giữa tháng 6 vừa qua, tại huyện Năm Căn xảy ra tám vụ sạt lở đất ven sông, nhấn chìm sáu nhà dân, làm hư hỏng hai trại tôm giống và 195 m đường giao thông nông thôn. Riêng trên địa bàn xã Lâm Hải, mỗi năm có ba đến sáu vụ sạt lở đất.

Chủ tịch UBND xã Lâm Hải Nguyễn Việt Bắc cho biết: Sạt lở đất đang gia tăng mạnh trên dọc tuyến sông Biện Trượng, Chà Là, Đầu Chà. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2018, số vụ sụp lún, sạt lở đất ven sông cao hơn con số của cả năm 2017. Phần lớn trường hợp mất nhà vì sạt lở đất là hộ nghèo. Bà con không có đất sản xuất, đành cất nhà ven sông, “dựa lưng” vào bìa rừng sinh nhai bằng nghề bắt cua, bắt sò...; chấp nhận trực chờ với nguy cơ sạt lở đất bất cứ lúc nào và tâm trạng luôn bất an, lo lắng.

Đi hay trụ lại?

Đó là câu hỏi mà chúng tôi đau đáu sau những ngày rong ruổi trên các triền sông lớn ở Cà Mau. Số vụ sạt lở đất ven sông mà Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Cà Mau cập nhật, cung cấp cho phóng viên liên tục tăng lên, có ngày xảy ra tới ba, bốn vụ. Đáng chú ý nhất là vào ngày 8-5, sạt lở đất làm sập hoàn toàn năm căn nhà của người dân, hư hỏng 100 m đường giao thông nông thôn ở ấp Thuận Long (xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi). Sạt lở còn cuốn mất một đoạn đường dài 50 m, ngang 1,5 m ở ấp Cả Học (xã Tân Tiến).

Trên địa bàn xã Tân Tiến hiện còn nhiều vết nứt dài theo các tuyến đường trong khu vực chợ, đe dọa “xóa trắng” nhà cửa và tài sản của tiểu thương. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề di dời hay trụ lại, bà Trần Thị Sáu, một hộ buôn bán tại chợ Tân Tiến nói: Biết đang đánh cược với “tử thần” khi sống trong khu vực nguy hiểm, nhưng biết đi đâu đây khi nhà cửa, tài sản, sinh kế… của chúng tôi đều đang ở đây.

Tình trạng sụp lún, sạt lở đất ven sông xảy ra phổ biến ở hầu khắp các huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, đặc biệt là Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, do cùng chịu tác động của bán nhật triều. Các điểm sạt lở thường nằm ngay khu vực họp chợ, đông dân cư hoặc ngã ba sông. Khi sạt lở xảy ra, hộ kinh doanh, buôn bán phút chốc trắng tay, lâm vào cảnh “tán gia, bại sản”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho rằng, giải bài toán sụp lún, sạt lở đất ven sông hiện nay đã trở thành vấn đề sống còn đối với cư dân vùng sông nước Cà Mau.

Cà Mau có hơn 10.000 km chiều dài sông, rạch, được xem là tỉnh có sông ngòi chằng chịt nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ước tính, trong 10 năm gần đây, toàn tỉnh mất đi khoảng 2.000 ha đất ven sông do sạt lở bờ sông, bằng diện tích đất sản xuất của một xã cỡ lớn ở Cà Mau.

Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết: Ngoài yếu tố địa chất, thủy văn, ảnh hưởng của dòng chảy mạnh thì còn do tác động từ con người. Thực tế cho thấy, hầu hết những vụ sạt lở xảy ra ở khu vực giao nhau giữa các nhánh sông lớn, thuận tiện việc kinh doanh, giao thương hàng hóa. Ở những nơi ấy, hộ dân xây dựng hạ tầng lấn nhiều ra mép sông, gây áp lực lên nền đất yếu khiến tiến trình sạt lở diễn ra nhanh hơn.

Ứng phó tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp, ngoài vận động, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, không cơi nới nhà cửa lấn dòng sông..., hiện các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau đang thực hiện cùng lúc hai giải pháp.

Tại những nơi sạt lở chưa có hạ tầng trọng yếu, dân cư thưa thớt, tỉnh vận động, di dời dân vào những nơi an toàn, bố trí tái định cư. Còn tại những nơi đã đầu tư hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và đông dân cư, áp dụng giải pháp lâu dài là sẽ triển khai các công trình ứng phó sạt lở.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Tô Quốc Nam, cả hai giải pháp đều gặp khó do nguồn vốn hỗ trợ ứng phó sạt lở ven sông từ Trung ương cho Cà Mau còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh sẽ ưu tiên thực hiện các công trình cấp thiết ở những điểm bức xúc nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.

Với người dân vùng nguy cơ sạt lở đất, họ cũng còn e dè, lo ngại khi di dời đến nơi ở mới, họ sẽ làm gì, chuyển đổi nghề thế nào để có việc làm ổn định nuôi sống gia đình. Nếu không có câu trả lời thỏa đáng, nhiều khả năng họ sẽ vẫn nhất quyết bám trụ nơi ở cũ, dù biết nguy hiểm luôn cận kề.../.

Theo Nhandan.com.vn