12/02/2025 lúc 13:52 (GMT+7)
Breaking News

Thực trạng và giải pháp đối với hoạt động phát triển đô thị du lịch, từ thực tiễn Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Quận 3 với thế mạnh là quận trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, có nguồn di sản văn hóa phong phú, đa dạng, có khả năng đáp ứng yêu cầu, tiềm năng của một điểm đến du lịch hấp dẫn. Trong xu thế hiện nay, để xây dựng Quận trở thành đô thị du lịch đặt yêu cầu cho chính quyền trong công tác quản lý, điều hành và định hướng cho hoạt động này trong thời gian tới.

Tóm tắt: Nhờ tận dụng các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương như giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật và sự phong phú, đa dạng về khả năng đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, ẩm thực… cũng như nắm bắt những cơ hội từ xu thế và thời đại, việc khai thác hiệu quả hoạt động du lịch tại các đô thị có lợi thế đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Theo đó, định vị thương hiệu, quy hoạch hợp lý, phát triển gắn với bảo vệ môi trường là những vấn đề đặt ra cho phát triển các đô thị du lịch hiện nay. Quận 3 với thế mạnh là quận trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, có nguồn di sản văn hóa phong phú, đa dạng, có khả năng đáp ứng yêu cầu, tiềm năng của một điểm đến du lịch hấp dẫn. Trong xu thế hiện nay, để xây dựng Quận trở thành đô thị du lịch đặt yêu cầu cho chính quyền trong công tác quản lý, điều hành và định hướng cho hoạt động này trong thời gian tới.

Từ khóa: đô thị du lịch, du khách, phát triển bền vững, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng “Lái xe Vespa – Khám phá Quận 3 đa sắc màu” năm 2022

1.Đặt vấn đề

Du lịch là ngành kinh tế đa ngành, không phân định “ranh giới hành chính”, cộng với xu hướng hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào kinh tế tri thức, đang tạo ra những cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức đối với nước ta. Các trung tâm đô thị ở nước ta trong thời gian qua phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, đặc biệt nhiều đô thị với bề dày lịch sử lâu đời, mang bản sắc văn hoá đặc trưng, đã tận dụng điều kiện, đưa ra nhiều giải pháp, chính sách phát triển loại hình du lịch đô thị hiện đại gắn với nhiều tiện ích; thu hút du khách trong và ngoài nước đã góp phần thúc đẩy du lịch trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Có thể kể tên một số địa phương nổi bật như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Sa Pa (Lào Cai), TP. Hạ Long (Quảng Ninh), TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa), TP. Huế (Thừa Thiên Huế), TP. Hội An (Quảng Nam), TP. Quy Nhơn (Bình Định), TP. Nha Trang (Khánh Hòa), TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).... Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hoạt động du lịch tại các đô thị nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, chiếm tỷ trọng chủ yếu về khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch của cả nước, thúc đẩy du lịch đô thị trở thành xu hướng bứt phá của ngành “công nghiệp không khói” và đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của các địa phương.

Hoạt động du lịch đô thị phát triển tạo ra nhiều việc làm cho xã hội và tạo sức lan tỏa khi kéo theo nhiều ngành nghề liên quan cùng phát triển. Cụ thể, tại các đô thị với thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, kiến trúc, thẩm mỹ và sự đa dạng về khả năng đáp ứng nhu cầu đã thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng và mua sắm… Vì vậy, mỗi năm các đô thị du lịch không chỉ thu hút lượng lớn du khách tới tham quan và trải nghiệm mà còn mang đến giá trị kinh tế từ việc cung cấp hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch chất lượng cao phát triển như: Dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, mua sắm, thương mại, ẩm thực. Mô hình đô thị du lịch đang được coi là xu thế của thời đại khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão. Trong xu thế phát triển tương lai thì du lịch các đô thị vẫn là điểm đến chính trong xu hướng du lịch toàn cầu bởi nhiều lợi thế như sự thuận tiện về giao thông, quy tụ đa dạng bản sắc văn hóa, dịch vụ phong phú, dễ tiếp cận, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự…

Quận 3 – TP.Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, đa dạng loại hình và địa điểm tham quan du lịch phong phú. Trong những năm qua, quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch trên địa bàn tạo ra kết quả tích cực, thu hút nhiều du khách và chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn, đặc biệt là các hoạt động liên kết nhằm tạo ra những điều kiện tốt để phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch đặc trưng, nhiều loại hình du lịch mới được triển khai đã góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP. Hồ Chí Minh nói chung. Trong thời gian tới, cần xây dựng các giải pháp căn cơ và phù hợp với tình hình tại địa phương, hướng đến giá trị phát triển KT-XH nhưng vẫn đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa lợi ích hiện tại và tương lai là đòi hỏi cấp bách đối với chính quyền Quận 3.

Tour Du lịch đặc trưng “Lái xe Vespa – Khám phá Quận 3 đa sắc màu” mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách

2. Hoạt động du lịch đô thị

2.1.Tìm hiểu về “Đô thị du lịch”

Thuật ngữ “Đô thị du lịch” lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản quản lý của Nhà nước là Luật Du lịch năm 2005, quy định Đô thị du lịch là đô thị có lợi thế phát triển du lịch và du lịch có vai trò quan trọng trong hoạt động của đô thị”. Ở cách tiếp cận khác thì phân biệt với Du lịch đô thị (tiếng Anh: Urban tourism) được miêu tả nhiều hoạt động du lịch trong đó thành phố là điểm đến chính và địa điểm ưa thích.

Với nội hàm khái niệm này, đô thị du lịch phải thỏa mãn được 2 tiêu chí cơ bản, đó là: Nội hàm thứ nhất, xét về “đô thị” được đưa ra trong Luật Đô thị được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/05/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nội hàm thứ hai bao gồm: (1) có tài nguyên du lịch hấp dẫn trong ranh giới đô thị hoặc trong ranh giới đô thị và khu vực liền kề; (2) có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch; có cơ cấu lao động phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch; và (3) ngành du lịch có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, đạt tỷ lệ thu nhập từ du lịch trên tổng thu nhập của các ngành dịch vụ theo quy định của Chính phủ (Điều 31, Luật Du lịch 2005). Hiện nay, khái niệm về “Đô thị du lịch” đã không còn đề cập trong Luật Du lịch năm 2017, tuy nhiên đô thị luôn đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong phát triển du lịch. Trong hệ thống tổ chức lãnh thổ du lịch, tất cả các trung tâm du lịch ở bất kỳ cấp quốc gia, cấp vùng hay địa phương đều là đô thị.

Theo nguyên tắc phát triển đô thị du lịch, là gắn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng. Tuy nhiên, không phải đô thị nào cũng là đô thị du lịch nếu chưa hội đủ các tiêu chí như có tiềm năng tài nguyên du lịch nổi trội, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ; được quy hoạch theo hướng đô thị có chức năng chính là du lịch. Vì thế, chính quyền địa phương cần xác định được lợi thế và định hướng, tạo điều kiện, thực hiện các giải pháp tổng hòa để tiến tới xây dựng đô thị du lịch; và đó cũng là tầm nhìn với những bước đi lâu dài.

2.2 Hoạt động quản lý đối với đô thị du lịch

Trong bối cảnh và xu hướng phát triển mới với những cơ hội, thuận lợi, khó khăn và cả những thách thức mới hiện hữu, cùng với yêu cầu đặt ra phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì hoạt động quản lý đối với đô thị du lịch cần trở nên bức thiết, cần xác lập các chính sách phù hợp và kịp thời, cụ thể:

- Chính sách đối với phát triển đô thị nói chung và đô thị du lịch nói riêng, theo đó ngoài các quy định chung về đô thị cần có những quy định mang tính đặc thù của du lịch trong phát triển đô thị. Ví dụ, tỷ lệ hợp lý đối với không gian “xanh” để tạo cảnh quan du lịch; tỷ lệ hợp lý các công trình dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm, khu vui chơi giải trí,… đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; tỷ lệ hợp lý về hệ thống giao thông và phương tiện vận chuyển công cộng phục vụ yêu cầu đi lại tham quan của khách du lịch… Đặc biệt cần có hệ thống giao thống kết nối giữa đô thị du lịch với các điểm tham quan, vui chơi giải trí du lịch ở vùng phụ cận.

– Năng lực quản lý của chính quyền đô thị, theo đó ngoài yêu cầu về trình độ quản lý đô thị, đội ngũ cán bộ quản lý đô thị còn phải có được hiểu biết về du lịch, hiểu biết về tương tác giữa hoạt động phát triển đô thị với môi trường và các hệ sinh thái để qua đó có được phương thức quản lý phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch là ngành kinh tế chủ lực của đô thị.

– Nguồn nhân lực du lịch, theo đó với tư cách là một ngành kinh tế dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng vì đây là yếu tố đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn của sản phẩm, dịch vụ du lịch. Điều này còn trở nên có ý nghĩa khi nguồn nhân lực du lịch là điều kiện đầu tiên mà các nhà đầu tư sẽ xem xét khi quyết định đầu tư phát triển điểm đến du lịch nói chung và đô thị du lịch nói riêng.

– Môi trường du lịch, theo đó nếu như bản thân đô thị là nơi môi trường tự nhiên luôn chịu áp lực lớn bởi sự tập trung dân cư và cũng là nơi phát sinh nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường xã hội thì đối với đô thị du lịch áp lực này sẽ lớn hơn nhiều do có sự gia tăng du khách, đặc biệt vào mùa du lịch. Nếu môi trường du lịch, nhất là an ninh trật tự không được đảm bảo thì sự phát triển du lịch sẽ không thể được đảm bảo và phát triển du lịch sẽ không tương xứng với vai trò của mình trong phát triển kinh tế – xã hội đô thị. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc đô thị du lịch sẽ mất dần chức năng du lịch khi môi trường du lịch xuống cấp.

– Khả năng thích ứng của đô thị với tác động của biến đổi khí hậu như triều cường gây tình trạng ngấp úng, tình trạng xâm nhập mặn,… đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng là lãnh thổ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu với mức độ “khốc liệt” ngày một tăng do tác động các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.

– Ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Phát triển đô thị du lịch cũng kèm theo sự gia tăng giá cả sinh hoạt, nhất là vào mùa du lịch, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống của người dân đô thị, có người được hưởng lợi từ các hoạt động của du khách như cho thuê phòng nghỉ, ăn uống, vui chơi, mua sắm,… và ngược lại như tăng giá cả chi phí sinh hoạt, sự gia tăng lượng khách du lịch sẽ tạo “cầu” rất lớn đối với vận chuyển khách tại điểm đến góp phần gia tăng tình trạng kẹt xe, áp lực cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự; đây cũng là yếu tố làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo đô thị và sự không hài lòng của nhiều dân nghèo đô thị đối với phát triển du lịch. Ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm, mảnh đất màu mỡ cho tội phạm phát triển nếu quản lý không tốt như lừa đảo, cướp giật…

Ra mắt Sản phẩm du lịch Quận 3 “Du ngoạn Sử Xanh” năm 2023

3. Thực trạng đô thị du lịch tại Quận 3

3.1. Điều kiện để quận 3 tổ chức đô thị du lịch

Quận 3 tuy có diện tích chỉ 4,92 km2 nhưng có lợi thế vị trí trung tâm của TP. Hồ Chí Minh với hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, giao thông thuận tiện, là đầu mối – cửa ngõ giao thông quan trọng của Thành phố. Quận có nguồn di sản văn hóa phong phú, đa dạng, có khả năng đáp ứng yêu cầu, tiềm năng của điểm đến du lịch hấp dẫn. Đặc điểm nổi bật của địa phương là một đô thị lớn có nhiều nét văn hóa lịch sử mang tính đặc trưng của Thành phố. Bên cạnh đó, Quận có nhiều địa điểm du lịch tâm linh gắn liền yếu tố dân tộc và tôn giáo, nổi bật là các đền, chùa, nhà thờ với các giá trị lịch sử gắn liền sự phát triển của Thành phố, được thiết kế theo nhiều lối kiến trúc khác nhau, từ những nét đẹp cổ kính, đậm chất Á Đông đến phong cách cổ điển Châu Âu. Mỗi năm, cùng với Thành phố, Quận 3 đón hàng triệu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú. Có thể điểm qua một số điểm thu hút khách tham quan, du lịch trên địa bàn quận, như sau:

- Về di tích lịch sử: có 03 di tích lịch sử cấp quốc gia gồm Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ, Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh dinh Độc Lập năm 1968, Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968); và 01 di tích lịch sử cấp thành phố: Chùa Xá Lợi.

- Về di tích kiến trúc - nghệ thuật: có 10 di tích được xếp hạng cấp thành phố như Đình Xuân Hòa, Đình Phú Thạnh, Miếu Thánh Mẫu, Thủy đài, Viện Pasteur, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THPT Marie Curie¸ Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn, Bệnh viện Mắt Thành phố và Nhà Thiếu nhi Thành phố.

- Các cơ sở tôn giáo như: chùa Vĩnh Nghiêm (Phường Võ Thị Sáu), Trung tâm Phật giáo Thích Quảng Đức (Phường Võ Thị Sáu), nhà thờ Tân Định (Phường Võ Thị Sáu), Dòng Chúa Cứu Thế (Phường 9), Giáo xứ Bùi Phát (Phường 12), chùa Chantarangsay… là những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Ngoài ra, còn có công viên tưởng niệm nơi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu (Phường Võ Thị Sáu),

Quận có Bảo tàng chứng tích chiến tranh và Công trường Quốc tế - Hồ Con Rùa (tại Phường Võ Thị Sáu) thường xuyên được du khách trong và ngoài nước lựa chọn điểm tham quan khi đến du lịch tại TP. Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, theo thống kê của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (Phường Võ Thị Sáu), Bến thuyền đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc đường Hoàng Sa, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (Phường 4), phố chuyên doanh nhạc cụ (Phường 2); Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc lập năm 1968 (Phường 5) là những địa điểm tham quan hấp dẫn du khách nước ngoài khi đến TP.Hồ Chí Minh.

Theo thống kê phòng Văn hóa và Thông tin, trên địa bàn quận hiện có 63 cơ sở kinh doanh lĩnh vực lưu trú du lịch đang hoạt động với 2.617 phòng cơ bản đáp ứng điểm lưu trú cho du khách đến nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Cụ thể: Khách sạn xếp hạng 5 sao: 03 cơ sở với 691 phòng; Khách sạn xếp hạng 4 sao: 03 cơ sở với 649 phòng; Khách sạn xếp hạng 3 sao: tổng 11 cơ sở, trong đó 02 cơ sở ngưng hoạt động, 02 cơ sở chuyển tối thiểu, còn 07 cơ sở với 573 phòng; Khách sạn xếp hạng 2 sao: tổng 08 cơ sở, trong đó 02 cơ sở ngưng hoạt động, 04 cơ sở chuyển tối thiểu, còn 02 cơ sở với 64 phòng; Khách sạn xếp hạng 1 sao: 21 cơ sở với 379 phòng (03 cơ sở tạm ngưng hoạt động); Cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn tối thiểu: 34 cơ sở với 448 phòng.

3.2. Hoạt động Quản lý nhà nước về du lịch đô thị tại quận trong thời gian qua

Một là, công tác chỉ đạo, ban hành văn bản quản lý

Để công tác quản lý đi vào chiều sâu, Quận đã xây dựng và ban hành Quyết định số 701/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2021 về việc phê duyệt Đề án Quảng bá các điểm đến du lịch trên địa bàn Quận 3, giai đoạn 2021 - 2025 là căn cứ để các cơ quan tổ chức xây dựng các phương án thu hút du khách và triển khai tổ chức thực hiện hoạt động du lịch; ban hành nhiều kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện Đề án này nhằm tạo điều kiện để hoạt động du lịch phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Nhằm phục hồi hoạt động du lịch và mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Quận đã triển khai Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2022 về thí điểm tổ chức đón khách du lịch quốc tế trên địa bàn quận. Ban hành nhiều kế hoạch để tập trung cho phát triển du lịch, đáng chú ý là Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2024 về tổ chức phong trào thi đua “Mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một hướng dẫn viên” điểm đến về văn hóa, du lịch trên địa bàn Quận 3 xác định định hướng rõ ràng về một quận 3 trong mắt du khách là sự tận tình, hiếu khách và là điểm đến du lịch “an toàn, thân thiện, nghĩa tình”.

Hai là, công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố và quận ủy, UBND Quận ban hành nhiều kế hoạch cụ thể hóa và triển khai công tác quảng bá, tổ chức các hoạt động du lịch như: Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2022 về thực hiện các biểu trưng, quà lưu niệm tại các điểm đến di tích Lịch sử Văn hóa và du lịch trên địa bàn quận; Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2022 về tổ chức Cuộc thi thiết kế sản phẩm du lịch Quận 3 năm 2022, Kế hoạch số 297/KH-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2022 về tổ chức Lễ công bố sản phẩm du lịch Quận 3 và trao giải Cuộc thi thiết kế sản phẩm du lịch Quận 3 năm 2022; Kế hoạch số 290/KH-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2022 về Phát triển tuyến chuyên doanh Phố ẩm thực đường Nguyễn Thượng Hiền trên địa bàn Phường 4; Kế hoạch số 334/KH-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2022 về tổ chức hoạt động của Phố đi bộ tại khu vực Công trường Quốc tế - Hồ Con Rùa.

Trải nghiệm thực tế sản phẩm du lịch đặc trưng “Khám phá Quận 3 đa sắc màu”, đã tổ chức 03 tour cho cán bộ công chức, ban ngành đoàn thể Quận 3 và 12 phường, trưởng, phó 63 khu phố với hơn 300 lượt người tham dự. Nội dung cụ thể gồm: Không gian văn hóa nghệ thuật, Không gian triển lãm ảnh, Không gian đọc sách thiên nhiên, Không gian khởi nghiệp, Không gian văn hóa ẩm thực; Kế hoạch phối hợp số 14-KHPH/UBND-UBMTTQ ngày 19 tháng 10 năm 2022 về phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền và Hội thi “Quảng bá sản phẩm Việt trên địa bàn Quận 3” hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022.

Tổ chức tuyên truyền, quảng bá các điểm du lịch, các tiềm năng phát triển du lịch của thành phố, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, hưởng ứng, tham gia, tuyên truyền và phối hợp Sở Du lịch Thành phố trong công tác tổ chức các chương trình, sự kiện về du lịch như: Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch, Lễ hội Sông nước, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, Tuần lễ Du lịch….

Ba là, tổ chức thực hiện du lịch đô thị tại địa phương

Quận đã xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình điểm đến du lịch “Không gian sách thiên nhiên tại khu vực Công trường Quốc tế - Hồ Con Rùa”. Kết quả thu hút đông đảo du khách đặc biệt là lực lượng thanh niên và thiếu nhi đến tham quan, vui chơi tại khu vực Hồ Con Rùa có thể đắm mình trong thế giới sách tại không gian sách thiên nhiên. Đồng thời, triển khai mô hình “Hệ thống wifi miễn phí” phục vụ Nhân dân và du khách tại khu vực Công trường quốc tế Hồ Con Rùa. Hiện nay phục vụ hơn 700 lượt truy cập wifi miễn phí cùng lúc. Cao điểm cuối tuần phục vụ hơn 1.000 lượt truy cập.

Thực hiện mô hình điểm đến du lịch “Biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại khu vực Công trường Quốc tế - Hồ Con Rùa” hàng tuần (thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật), bao gồm các hoạt động ca múa nhạc, nói chuyện chuyên đề về sách,… đã thu hút đông đảo lực lượng du khách đến tham gia, giao lưu và đây cũng là điểm hẹn, sân chơi giải trí giành cho người dân Quận 3 nói riêng và thành phố nói chung có cùng niềm đam mê nghệ thuật.

Thiết kế biểu trưng lưu niệm hình tượng Bà mẹ, người chị, người em Bàn Cờ; In ấn phẩm giới thiệu về các di tích, điểm đến du lịch trên địa bàn quận. Các vật phẩm lưu niệm phục vụ cho việc quảng bá các cơ sở di tích và điểm đến du lịch: có in hình các địa điểm di tích và mã QR giới thiệu chi tiết các địa điểm di tích, điểm đến du lịch gồm móc khóa, huy hiệu…

Lồng ghép quảng bá sản phẩm du lịch vào các hoạt động lễ hội, phong trào: Tổ chức Lễ hội đua ghe Ngo Quận 3 mở rộng trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè lần thứ 1 năm 2023 và lần thứ 2 năm 2024, chủ đề “Đất nước trọn niềm vui”, thu hút đông đảo người dân tham gia cổ vũ và xem trực tiếp các đội tranh tài. Qua lễ hội, không chỉ chúng ta góp phần phát huy Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer là một di sản phi vật thể cấp quốc gia mà còn đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đến du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó là Chương trình giao lưu văn hóa ẩm thực các dân tộc thiểu số tại Thành phố Hồ Chí Minh với các món đặc trưng, như: Bún nước lèo, cốm dẹp (dân tộc Khmer), Xôi ngũ sắc (dân tộc Tày), Mì vịt tiềm (dân tộc Hoa), Cà ri bò (dân tộc Chăm)... phục vụ đại biểu khách mời và nhân dân.

Trong năm 2022, Quận 3 phối hợp với Công ty du lịch Viettravel tổ chức ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng “Lái xe Vespa – Khám phá Quận 3 đa sắc màu” khai thác các điểm đến di tích đặc trưng của Quận như du khách được di chuyển bằng xe máy để tham quan Đài tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức, khám phá hầm bí mật chứa 3 tấn vũ khí; tìm hiểu về trà, tự tay pha một bình trà đúng chuẩn, trải nghiệm làm mặt nạ trà xanh, tham quan chùa Chantarangsay ngôi chùa Khmer đầu tiên ở TPHCM. Tại điểm kết thúc của chuyến du lịch, du khách sẽ thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoàng hôn trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đắm say trong những điệu múa của các nàng tiên Apsara; thưởng thức ẩm thực trên tàu, thả hoa đăng trước chùa Pháp Hoa.

Năm 2023 tour “Du Ngoạn Sử Xanh” ra đời, một sản phẩm từ sự phối hợp với Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc. Tour “Du ngoạn sử xanh” ngoài phục vụ nhu cầu của du khách khi di chuyển bằng thuyền xuôi dòng Nhiêu Lộc, còn truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến học sinh, sinh viên. Qua đó, nâng cao nhận thức của mọi người về việc tiết giảm sản phẩm dùng một lần, không xả rác xuống kênh rạch, thực hiện các hoạt động cải tạo nguồn nước.

Hoạt động thông tin, quảng bá du lịch được đẩy mạnh và triển khai thực hiện nhằm tạo tính hiệu quả, tính lan tỏa trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Quận 3 “An toàn – Thân thiện – Nghĩa tình” đến với du khách với điểm nhấn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đưa các hoạt động du lịch lên nền tảng trực tuyến nhằm tạo hiệu ứng, tính tương tác, độ lan tỏa cao.

Bốn là, công tác phối hợp với các cơ quan đơn vị

Quận phối hợp Sở Du lịch Thành phố thẩm định và thực hiện thủ tục cấp biển hiệu “Đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch” đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí tại Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Nhà hàng NNICE số 119 – 121 Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu và Công ty TNHH Dịch vụ Giải trí Karaoke NNICE số 338A - 340 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3.

Phối hợp Sở Du lịch thẩm định và thực hiện thủ tục cấp biển hiệu “Đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch” đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí tại Công ty TNHH Đầu tư Giải trí Karaoke ICOOL 9, số 129A Cách Mạng Tháng 8, Phường 5 Quận 3. Nhằm xây dựng sản phẩm du lịch liên quận, Quận tiến hành khảo sát, với đơn vị bạn như Quận 1, 5, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú.

Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 3 cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 3 triển khai đến Hội Liên hiệp Phụ nữ 12 phường thực hiện quay và dựng video clip giới thiệu ẩm thực, món ăn đặc trưng trên địa bàn phường với chủ đề “Khám phá Quận 3 đa sắc màu” thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham dự.

Chủ động quản lý, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp theo từng nhóm đối tượng có tên gọi “Khám phá Quận 3 đa sắc màu” và “Du ngoạn Sử xanh”. Tập trung quảng bá, khai thác sản phẩm tour “Khám phá Quận 3 đa sắc màu” và tour “Du ngoạn Sử xanh” sản phẩm du lịch đặc trưng của quận đặc biệt là sản phẩm du lịch đường thủy, sản phẩm du lịch gắn với kinh tế ban đêm trong hệ thống chính trị và nhân dân, đồng thời phát triển các hoạt động gắn liền thế mạnh du lịch của quận nhằm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Năm là, công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Quận trong thời gian qua chưa phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động du lịch, Quận duy trì công tác họp giao ban với các cơ quan chức năng công tác đảm bảo an ninh, du lịch, đối với công tác phòng cháy chữa cháy ở các điểm lưu trú được quan tâm thường xuyên.

Quận phối hợp Sở Du lịch tiến hành kiểm tra trên địa bàn Quận một số hoạt động liên quan như sau: điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch: 21 cơ sở; Kiểm tra thẩm định hạng sao (hạng 3 sao) của cơ sở lưu trú du lịch: 03 cơ sở; Kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành: 14 cơ sở.

Có thể thấy, sự tăng trưởng của hoạt động tham quan, du lịch trên địa bàn Quận 3 là kết quả của nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai thực hiện trong suốt những năm qua. Hoạt động thông tin quảng bá được chú ý và không ngừng đẩy mạnh, tạo tính hiệu quả, tính lan tỏa trong việc quảng bá hình ảnh du lịch quận 3 đến với du khách với thái độ gần gũi và thân thiện, không ngừng đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin đưa các hình ảnh du lịch tạo sự lan tỏa và tương tác cao. Công tác hợp tác và phát triển du lịch bám sát chỉ đạo của Thành phố vận dụng sáng tạo theo hướng hợp tác đa phương theo hướng các bên cùng có lợi. Các sản phẩm du lịch luôn đổi mới, cải thiện chất lượng và hướng đến giá trị văn hóa truyền thông dân tộc sâu sắc, tạo điểm nhấn riêng biệt của Quận 3. Kết quả trên được lãnh đạo chính quyền Thành phố đánh giá cao.

4. Đề xuất một số giải pháp phát triển đô thị du lịch tại Quận 3 trong thời gian tới

Với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao cùng tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh… đặt ra nhiều thách thức trong phát triển du lịch bền vững nói chung và phát triển du lịch đô thị nói riêng. Do đó, đòi hỏi du lịch đô thị phải có những giải pháp mới, sáng tạo hơn, linh hoạt và phù hợp hơn, đặc biệt là các giải pháp với sự trợ giúp của công nghệ trong quản trị đô thị. Để phát triển du lịch đô thị trong thời gian đến, đề xuất một số giải pháp phát triển đô thị du lịch theo hướng bền vững. Theo đó đô thị du lịch Quận 3 trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như sau:

Một là, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa du lịch của địa phương cho cán bộ và nhân dân địa phương. Lựa chọn giá trị cốt lõi nhằm tạo dựng bản sắc đặc trưng và thương hiệu riêng cho đô thị du lịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng để thu hút thị trường khách du lịch cùng các nhà đầu tư, cụ thể cần định hướng xây dựng những chương trình phát triển loại hình du lịch gắn kết nhu cầu tham quan mua sắm, giải trí với giá trị văn hóa truyền thống là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt giữa Quận 3 và các địa phương khác, đặt trong bối cảnh cạnh tranh với các địa phương khác trong cả nước.

Hai là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào phục vụ phát triển du lịch. Song song với xây dựng đô thị thông minh, lãnh đạo Quận cần quan tâm hơn đến việc xây dựng chiến lược du lịch thông minh góp phần phục vụ phát triển du lịch theo xu hướng chung hiện nay. Quận chủ động cung cấp thông tin chính thống cho doanh nghiệp xây dựng bộ thuyết minh chuẩn tại điểm đến; dữ liệu lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng gắn với sản phẩm du lịch trên địa bàn nhằm tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm; khai thác kho dữ liệu dùng chung do Thành phố xây dựng, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, tích hợp và chia sẻ, nguồn dữ liệu khai thác từ Trung tâm Mô phỏng và dự báo Kinh tế - Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba là, chú trọng công tác quy hoạch và quản lý đô thị, quản lý lưu lượng khách du lịch, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính quyền thực hiện chính sách bảo vệ các di sản văn hoá trong phát triển du lịch, sử dụng công nghệ số để kiểm soát dòng khách du lịch, thực hiện chính sách mở rộng ra ngoại thành để giảm áp lực tại đô thị, mở rộng các vùng du lịch vệ tinh cho đô thị. Nghiên cứu và triển khai các giải pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch Xanh, hướng đến phát triển bền vững của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Bốn là, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đô thị cần tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện nhiều hơn về hệ thống cơ sở hạ tầng mới có thể đáp ứng được nhu cầu phục vụ du khách đến tham quan, mua sắm. Tuy nhiên khi phát triển du lịch đô thị, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng cần bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng và lợi ích của người dân, không làm mất ổn định cuộc sống người dân trong quá trình phát triển du lịch.

Năm là, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp. Qua đó cần đổi mới phương thức, nội dung công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn Quận cụ thể là: tập trung tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch, thương mại và dịch vụ; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các lĩnh vực phục vụ định hướng phát triển địa phương, thích ứng tốt với xu hướng hội nhập như: quản lý đất đai, tài chính kế toán, quy hoạch và quản lý đô thị, kiến trúc, hoạch định chính sách, xây dựng đô thị thông minh, công nghệ thông tin, chính quyền điện tử, chuyển đổi số…

Sáu là, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương. Xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia vào mô hình du lịch đô thị. Xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến du lịch của địa phương chú trọng phù hợp với định hướng chung của ngành, bám sát chương trình xúc tiến du lịch Thành phố. Chú ý mối quan hệ phối hợp các cơ quan đơn vị liên ngành để “giữ chân” du khách ở lâu tại TP. Hồ Chí Minh nói chung và Quận 3 nói riêng.

Bảy là, tổ chức thực hiện quản lý du lịch địa phương. Phối hợp các công ty hoạt động lĩnh vực du lịch thực hiện quảng bá và khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm phát huy thế mạnh du lịch đường thủy của Quận gắn liền với các loại hình du lịch địa phương. Đồng thời, kết hợp tổ chức khảo sát các sản phẩm du lịch, làm mới lại các chương trình du lịch tại các điểm đến của Quận gắn với các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, tham gia các hoạt động hướng đến việc bảo vệ môi trường... Mặt khác, tiếp tục duy trì phát triển 2 sản phẩm tour du lịch đặc trưng Quận đã xây dựng và khai thác là “Lái xe Vespa – Khám phá Quận 3 đa sắc màu” và “Du ngoạn Sử xanh”. Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết với các quận, huyện lân cận để xây dựng sản phẩm tour liên kết nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tận dụng thế mạnh của các quận, huyện bạn trong việc xây dựng và tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn đồng thời giúp hạn chế sự trùng lặp về sản phẩm.

Song song đó, kết nối với các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để các tour tuyến này thực sự là đặc trưng, thế mạnh lâu dài, mang lại giá trị thu hút du khách khi đến với Quận. Kết nối các cơ sở dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm... để phát triển du lịch gắn với kinh tế đêm, một trong những hướng phát triển ưu tiên của thành phố trong giai đoạn phát triển tới.

5. Kết luận

Thành phố Hồ Chí Minh được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp vào nhóm 5 điểm đến hàng đầu khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và là một trong 100 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới mà khách du lịch ưu tiên lựa chọn. Thành phố cũng là điểm đến đứng đầu cả nước về lượng khách du lịch và thu nhập du lịch; khách du lịch đến Thành phố luôn tăng qua các năm, đặc biệt trong giai đoạn 2014 - 2019 với tỷ lệ tăng trưởng trung bình đạt 13,2%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước. Theo báo cáo thống kê của Sở Du lịch Thành phố năm 2023 lượng khách du lịch quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 5 triệu lượt (chiếm 50% số du khách quốc tế đến Việt Nam), du khách nội địa là 35 triệu lượt, dự báo xu hướng trong thời gian đến sẽ tiếp tục gia tăng. Là quận có vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố lớn nhất Việt Nam và là một trong những siêu đô thị trong tương lai gần, do đó Quận 3 có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong phát triển đa dạng loại hình du lịch, nhất là du lịch đô thị, du lịch nội đô. Vì vậy, muốn triển khai du lịch đô thị hiệu quả, thì mỗi cơ quan chuyên môn quận, Ủy ban nhân dân các phường, mỗi cán bộ công chức, viên chức, người lao động Quận không ngừng sáng tạo, đổi mới tư duy, cần chủ động xây dựng định hướng và đưa ra những giải pháp hữu hiệu xây dựng đô thị du lịch “Quận 3, điểm đến du lịch an toàn – thân thiện – nghĩa tình”, góp phần xây dựng “Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Lương Thị Hồng Gấm

Đảng ủy Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg ban hành ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Hà Nội;
  2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2022), Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ban hành ngày 21/12/2022 của phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Hà Nội;
  3. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2018), Quyết định số 3364/QĐ-UBND ngày 13/8/2018 về Phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh;
  4. Báo cáo số 1421/BC-SDL ngày 11/7/2022 của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (2023), Báo cáo tình hình phát triển du lịch năm 2023 và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch năm 2024,TP. Hồ Chí Minh;
  5. Quyết định số 701/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Quận 3 về việc phê duyệt Đề án Quảng bá các điểm đến du lịch trên địa bàn Quận 3, giai đoạn 2021 – 2025.
...