VNHN-Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính trong quý I/2019 chủ trì rà soát, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về việc sắp xếp, xử lý tài sản công; Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước gắn với cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Đây là hai nghị định đóng vai trò chính trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Tại cuộc họp đánh giá hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá trong 3 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh việc hoàn thiện pháp luật, chính sách theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, chặt chẽ, sát thực tiễn, vừa triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn tại từng doanh nghiệp. Nhờ đó, cổ phần hóa, thoái vốn đã được các bộ, địa phương và doanh nghiệp thực hiện chặt chẽ, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, góp phần hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo đều cho rằng tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra của năm 2018. Cụ thể, còn 53 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa được cổ phần hóa, 118 DN chưa được thoái vốn. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có 50 DN chưa cổ phần hóa; các DN thuộc Bộ Quốc phòng cũng gặp vướng mắc khi liên quan tới quản lý đất đai.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua 2 tháng đầu năm 2019, chưa có DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; Đồng thời, chưa có DN thực hiện thoái vốn.
Nguyên nhân chậm được các bộ, ngành nêu ra là do việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của nhiều DN quy mô lớn gặp khó khăn về quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian; quy định cổ phần hóa, thoái vốn được ban hành chặt chẽ, công khai, minh bạch theo Nghị định số 116/2015/NĐ-CP của Chính phủ, khiến các DN phải làm lại thủ tục cổ phần hóa từ đầu, kéo dài; một số bộ, địa phương,DN chưa quyết liệt thực hiện, kịp thời báo cáo khó khăn vướng mắc lên Ban Chỉ đạo...
Trên thực tế, hiện nay công tác cổ phần hóa còn xảy ra một số tiêu cực, như tình trạng các Bộ, ngành, địa phương chậm hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa DN như kế hoạch đã đề ra, còn giữ lại vốn chi phối ở các DN đối với các DN mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối. Việc ban hành cơ chế chính sách chậm gây khó khăn cho công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.
Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc các địa phương chậm phê duyệt phương án sử dụng đất, nhất là đối với các DN có đất tại nhiều địa phương, đã dẫn đến việc phê duyệt quyết định cổ phần hóa của DN không kịp tiến độ. Các quy định về cổ phần hóa chưa xử lý triệt để một số vướng mắc liên quan đến các nội dung về xác định giá trị DN (xác định giá trị đất và tài sản, sắp xếp và xử lý đất đai...), dẫn đến thời gian xây dựng phương án cổ phần hóa kéo dài, không hoàn thành đúng kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, không ít DN khi cổ phần hóa không thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là các DN có tỷ lệ vốn Nhà nước còn cao, dẫn đến một số DN chào bán cổ phần chưa thành công. Tuy vạy, áp lực cổ phần hóa DNNN đang dồn vào năm 2019-2020, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải bứt tốc
Theo Bộ Tài chính, hiện nay công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh còn thiếu tính dự báo, thiếu sự liên kết để đáp ứng yêu cầu phát triển chung. Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế.
Trách nhiệm của người quản lý DNNN chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của DN theo cơ chế thị trường... Đặc biệt, việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN đề ra theo quyết định của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước còn xảy ra, gây bức xúc xã hội, đặc biệt đối với những DN có những khu “đất vàng” trên địa bàn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố khác. Có thể nói, việc chậm cổ phần hóa, việc tạo ra các tiêu cực, thất thoát vốn Nhà nước một phần là do khe hở của pháp luật.
Trong thời gian tới, thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DNNN và DN có vốn nhà nước, trong quý I/2019, Bộ Tài chính sẽ chủ trì rà soát, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về việc sắp xếp, xử lý tài sản công; Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước gắn với cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước. Hai nghị định này đóng vai trò chính trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.
Ngoài ra, cũng trong quý I /2019, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng kết, báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện một số cơ chế, chính sách quan trọng như: Rà soát tổng kết và đề xuất việc sửa đổi bổ sung Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; Rà soát Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH Một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý sử dụng vốn, tài sản của DN.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ Quyết định thay thế Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN; Xây dựng, trình Nghị định chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ);
Đồng thời, hoàn thiện Nghị định về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam trình Chính phủ.