23/11/2024 lúc 17:33 (GMT+7)
Breaking News

Có thêm 155 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công từ cổ phần hóa doanh nghiệp

VNHN - Lũy kế 3 năm đầu giai đoạn 2016- 2020, cả nước cổ phần hóa 156 doanh nghiệp, tăng 34% so với tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa cùng kỳ 3 năm đầu giai đoạn 2011- 2015 (116 doanh nghiệp), với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 204.818 tỷ đồng.

VNHN - Lũy kế 3 năm đầu giai đoạn 2016- 2020, cả nước cổ phần hóa 156 doanh nghiệp, tăng 34% so với tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa cùng kỳ 3 năm đầu giai đoạn 2011- 2015 (116 doanh nghiệp), với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 204.818 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Đó là thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp. "Không quá coi trọng số lượng nhưng vẫn phải xử lý nghiêm trách nhiệm những người để chậm cổ phần hoá, thoái vốn", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh về việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước năm 2019 khi chủ trì cuộc họp này.

Tối đa hóa giá trị vốn nhà nước

Đánh giá chung về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn 3 năm qua, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vừa hoàn thiện pháp luật, chính sách theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, chặt chẽ, sát thực tiễn, vừa đẩy mạnh triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn tại từng doanh nghiệp.

"Nhờ đó, cổ phần hóa, thoái vốn đã được các bộ, địa phương và doanh nghiệp thực hiện chặt chẽ, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, góp phần hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân", ông Huệ cho biết, "đến nay chưa phát hiện gian lận, vi phạm lớn mặc dù đây là lĩnh vực rất nhiều phức tạp. 

Bên cạnh đó, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thành lập, đi vào hoạt động và tiếp nhận thành công 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, không để gián đoạn hoạt động, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước này".

Nêu lên tinh thần chủ đạo trong hành động của Chính phủ năm 2019 là bứt phá, Phó thủ tướng cho rằng, cổ phần hóa, thoái vốn cũng phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tối đa hóa lợi ích Nhà nước, quyết liệt, công khai, minh bạch trong thực hiện để có bứt phá. 

Về thoái vốn nhà nước, ông Huệ nêu rõ, Nghị quyết số 12-NQ/TƯ đề ra các nguyên tắc khi thoái vốn, trong đó có yêu cầu công khai, minh bạch, tối đa hóa giá trị vốn nhà nước theo thị trường, chứ không yêu cầu phải bảo toàn vốn nhà nước. 

Do vậy, có những trường hợp giá vốn theo thị trường dưới mệnh giá thì vẫn có thể thoái, vì càng giữ thì Nhà nước càng thiệt. Đồng thời, cần tránh trường hợp doanh nghiệp, dự án yếu kém có thể khắc phục để cổ phần hóa, thoái vốn được mà lại "bán non", thiệt hại lợi ích của Nhà nước.

Trong ba năm thu được 210.000 tỷ đồng

Thông tin từ cuộc họp, năm 2018, cả nước có 32 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa, Nhà nước giữ 58,44% tổng vốn điều lệ. Tính tới hết năm, các bộ, địa phương bán cổ phần lần đầu 30 doanh nghiệp, thu về hơn 24.250 tỷ đồng với nhiều doanh nghiệp quy mô lớn như Tập đoàn Cao su, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Điện lực Dầu khí... Giá trị IPO và bán cho cổ đông chiến lược trong năm 2018 gấp 4,67 lần năm 2017 và gấp 1,4 lần năm 2016. 

Lũy kế 3 năm đầu giai đoạn 2016-2020, cả nước cổ phần hóa 156 doanh nghiệp, tăng 34% so với tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa cùng kỳ 3 năm đầu giai đoạn 2011- 2015 (116 doanh nghiệp), với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 204.818 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011- 2015 (189.509 tỷ đồng).

Cùng với cổ phần hóa, Nhà nước cũng thu về hơn 16.000 tỷ đồng tiền thoái vốn, cao hơn 2,58 lần giá trị sổ sách. Như vậy, tổng thu từ cổ phần hoá, thoái vốn trong năm 2018 đạt hơn 40.300 tỷ đồng. Lũy kế 3 năm 2016- 2018, tổng số thu này đạt hơn 210.000 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần tổng thu của cả giai đoạn 2011- 2015. 

Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp ngân sách nhà nước phục vụ kế hoạch đầu tư công trung hạn từ năm 2016 đến hết năm 2018 đạt 62% kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020 với 155 nghìn tỷ đồng đã chuyển từ quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước.

Về việc bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tính tới hết năm 2018 các bộ, địa phương đã bàn giao 30/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng. 

32 doanh nghiệp chưa bàn giao có tổng vốn nhà nước là gần 7.000 tỷ đồng ở 11 bộ, địa phương là Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hóa thể thao và du lịch và các địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao Bằng, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh. Cả nước vẫn còn 595 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đến hết năm 2018, còn 53 doanh nghiệp nhà nước chưa được cổ phần hóa, 118 doanh nghiệp chưa được thoái vốn theo kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, TP. HCM và Hà Nội có 50 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa; các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng cũng gặp vướng mắc khi liên quan tới quản lý đất đai. 

Bên cạnh đó, các bộ ban hành văn bản hướng dẫn các Nghị định của Chính phủ về xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước chậm; tiến độ bàn giao doanh nghiệp có vốn nhà nước về SCIC và việc thực hiện chế độ báo cáo không đạt yêu cầu./.

Theo Vneconomy.vn