16/01/2025 lúc 19:54 (GMT+7)
Breaking News

Thực tế lãng phí ở Bến cá tiền tỷ Hoằng Phụ

VNHN - Bến cá Hoằng Phụ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đầu tư xây dựng từ đầu năm 2017. Ngay sau khi hoàn thành, công trình đã được bàn giao cho UBND huyện Hoằng Hóa và UBND xã Hoằng Phụ quản lí, khai thác. Và suốt từ đó đến nay, bến cá là nơi cho trẻ em nơi đây đá bóng và chỉ có lác đác vài chiếc tàu cá nhỏ neo đậu trong bến

VNHN - Bến cá Hoằng Phụ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đầu tư xây dựng từ đầu năm 2017. Ngay sau khi hoàn thành, công trình đã được bàn giao cho UBND huyện Hoằng Hóa và UBND xã Hoằng Phụ quản lí, khai thác. Và suốt từ đó đến nay, bến cá là nơi cho trẻ em nơi đây đá bóng và chỉ có lác đác vài chiếc tàu cá nhỏ neo đậu trong bến.

Ngay sau khi được UBND huyện Hoằng Hóa bàn giao, ngày 11/04/2017 - UBND xã Hoằng Phụ đã thành lập Ban quản lí bến cá nhằm quản lí khai thác theo quy định của cấp trên. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên bến cá không thể đi vào hoạt động. Ngày 13/11/2018, UBND xã Hoằng Phụ có Tờ trình UBND huyện Hoằng Hóa trình bày thực trạng là bến cá chưa đi vào hoạt động và xin kinh phí hoạt động, cụ thể là xin 114 triệu để trả cho 2 người bảo vệ mà BQL xã đã thuê trông coi bến cá từ tháng 5/2017 đến tháng 12/2018. Và cũng từ đó đến nay, UBND xã Hoằng Phụ chưa được nhận phản hồi từ UBND huyện Hoằng Hóa.

Tờ trình của UBND xã Hoằng Phụ về việc bến cá chưa đi vào hoạt động

Tháng 4/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có kết luận 4608/UBND-NN về vấn đề chuyển đổi mô hình quản lí bến cá Hoằng Phụ bằng việc thu hút doanh nghiệp vào khai thác, sử dụng sao cho có hiệu quả nhất để tiếp tục đầu tư đồng bộ các hạng mục công trình bến cá.

Các trẻ chơi bóng trên sân bến cá

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại Công văn số 4608/UBND –NN, ngày 13/ 6/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản gửi UBND huyện Hoằng Hóa về việc hướng dẫn quản lí, khai thác vận hành bến cá Hoằng Phụ sau khi chuyển đổi mô hình quản lí. Văn bản cũng nêu “nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa liên hệ các ngành, đơn vị liên quan để hướng dẫn giải quyết”. Tuy nhiên cho đến nay, bến cá Hoằng Phụ vẫn chỉ là sân chơi bóng cho trẻ em.

Công trình trên bến bỏ trống không hoạt động

Một ngư dân có thuyền đậu tại bến cá cho biết: “Bến cá này xây được 3 năm nay mà chưa hoạt động. Chỉ có vài tàu thuyền nhỏ đậu trong bến vì bến nhỏ lại cạn, khi nước lên thì nhìn vậy đấy chứ khi nước xuống thì tròi đáy ra, lối vào ra không thuận lợi. Có ông bảo vệ trong coi bến thì thỉnh thoảng liểng qua rồi về”.

Trao đổi với PV VNHN, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết” “Bến cá đã xây dựng được 3 năm nay do Sở NN&PTNT Thanh Hóa đầu tư. Xây dựng xong thì tỉnh giao cho UBND huyện Hoằng Hóa quản lí, khai thác và giao UBND xã Hoằng Phụ trông coi. Tuy nhiên không có tàu thuyền vào neo đậu. Xã cũng đã có công văn gửi huyện về tình trạng trên. Xã cũng đã nhờ 1 bảo vệ trông coi không lương. Hiện xã chưa nhận được sự chỉ đạo gì của huyện”.

Ông Lê Huy Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp phát và Triển nông thôn huyện Hoằng Hóa cho PV biết: “Thực ra bến cá có hoạt động, có điều ít tàu vào nên chưa thu được kinh phí. Hiện chúng tôi cũng đang xây dựng phương án chuyển đổi (nên chưa có văn bản – PV) để tháng 11 tới đây sẽ cho đấu thầu và giao cho doanh nghiệp có năng lực quản lí khai thác”.

Dưới bến chỉ có vài chiếc ca nô từ khu du lịch biển Hải Tiến gần đó lên neo đậu 

Như vậy, cho đến nay công trình tiền tỉ vẫn đắp chiếu, không phát huy được công năng. Những câu hỏi đặt ra là không biết trước khi xây dựng bến cá này, Sở NN&PTNT Thanh Hóa là chủ đầu tư có tiến hành nghiên cứu khảo sát thực tế một cách cụ thể trên thực địa hay chỉ nghiên cứu trên giấy? Nghiên cứu có bám vào tập quán của ngư dân hay không và có tính toán khả thi lượng tàu của ngư dân sẽ neo đậu? Có tính toán cụ thể dòng thủy lưu cuộn phù sa bồi lắng? Có xây dựng phương án khai thác một cách khoa học, hiệu quả sau khi công trình được bàn giao? Nếu có chắc hẳn công trình sẽ không đến mức phải nằm không suốt nhiều năm. Trong khi đó, UBND huyện Hoằng Hóa khi được bàn giao công trình thì cũng không xây dựng phương án khai thác mà chuyển luôn cho UBND xã Hoằng Phụ quản lí, khai thác – một đơn vị hành chính nhỏ nhất với sự thiếu khuyết cả năng lực chuyên môn lẫn kinh phí hoạt động và hình như là sự trao tay cho xong việc.

Nếu cứ đầu tư tiền tỉ rồi giao cho đơn vị nhỏ nhất là UBND xã quản lí nhưng lại không hỗ trợ xây dựng phương án khai thác, không hướng dẫn về chuyên môn, không hỗ trợ kinh phí ban đầu và cứ để trôi cho xã tự lo liệu rồi đến khi hoạt động không hiệu quả thì xã làm tờ trình gửi huyện và huyện làm tờ trình gửi tỉnh và những quyết định mới ra đời cho việc chuyển đổi hoặc cho thuê hoặc phá bỏ làm mô hình khác…(!) Vậy trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình tiền tỉ không phát huy được công năng trong suốt nhiều năm này thuộc về ai?