26/06/2024 lúc 17:28 (GMT+7)
Breaking News

Thực hiện CNH-HĐH: Kết quả, hạn chế và những giải pháp cùng cách tiếp cận mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công cuộc CNH-HĐH trong gần bốn chục năm qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao; đưa nước ta ra khỏi nước nghèo, đứng trong đội ngũ các nước đang phát triển… Mặc dù vậy, cách tiếp cận cũ đang làm chậm lại và ảnh hưởng chung đến kết quả CNH, HĐH không chỉ ở các địa phương mà cả trên phạm vi quốc gia.

Ở nước ta, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao.

Vấn đề CNH, HĐH đất nước đã được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Trong thời gian, đã có khoảng 20 nghị quyết ban hành một số chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến những khía cạnh riêng rẽ của CNH, HĐH. Đại hội XIII nêu rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo". Đặc biệt, khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhất là tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình mới; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Do vậy, ngày 17/11/2022, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII tiếp tục đưa ra nhiều mục tiêu nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết quả đạt được

Đã gần 40 năm đất nước thực hiện đổi mới (từ 1986) với công cuộc CNH, HĐH là trọng tâm. Những kết quả đạt được của quá trình CNH, HĐH là rất lớn và quan trọng; được thể hiện ở nhiều mặt:

-Ngành Công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giảm tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng tích cực theo hướng giảm tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên. Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của ngành công nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, với mức bình quân 10,4%/năm. Một số ngành công nghiệp xuất khẩu (dệt may, da dày, điện tử…) đã cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao và chiếm thị phần ngày càng lớn trên thị trường quốc tế…  Bên cạnh đó, công nghiệp là ngành thu hút đầu tư FDI lớn nhất với tốc độ tăng trưởng cao (tăng gần 2 lần cả về quy mô và tỷ trọng trong 10 năm qua), đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm hơn 60% vốn đầu tư vào các ngành và khoảng 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) với một số dự án đầu tư lớn của các tập đoàn công nghệ toàn cầu đã tạo động lực tăng trưởng mới cho ngành và góp phần hình thành nên các trung tâm công nghiệp mới của Đất nước.

Ngành nông nghiệp tăng trưởng ổn định và bền vững, từng bước được cơ cấu lại theo hướng hiện đại. Theo đó, ngành Nông nghiệp đã đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, với tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,36%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hơn 53,2 tỷ USD, tăng 30% so năm 2021.  Trong khi đó, đóng góp của ngành Dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng; đã hình thành được một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học và công nghệ cao...

-Cơ sở vật chất - kỹ thuật của đất nước được tăng cường đáng kể, khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế được nâng cao. Từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp lạc hậu, cơ sở vật chất yếu kém đi lên, đến nay cả nước đã có hơn 100 khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung, nhiều khu hoạt động có hiệu quả; tỷ lệ ngành công nghiệp chế tác, cơ khí chế tạo và nội địa hóa sản phẩm ngày càng tăng.

-Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đạt được những kết quả nhất định: tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm (Cơ cấu nền kinh tế quý I/2024: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73% (36,7% năm 2000); khu vực dịch vụ chiếm 43,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%).

Những thành tựu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân 10 năm 2001 - 2010 là 7,26%/năm;  bình quân giai đoạn 2010-2022 là 6,1% (thấp hơn giai đoạn trước một phần quan trọng là do mất 3 năm đại dịch Covid-19)… Điều đó đã góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng lên đáng kể: Năm 2005, đạt 640 USD/ người; năm 2010 đạt 1.168 USD/người; năm 2023 đã đạt mức 4.284 USD/người. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Hạn chế trong thực hiện CNH-HĐH

Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta vẫn còn những hạn chế; cụ thể là:

1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn thấp so với khả năng và thấp hơn nhiều nước trong khu vực thời kỳ đầu công nghiệp hóa. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, tập trung vào các ngành công nghệ thấp, tiêu hao vật chất cao, sử dụng nhiều tài nguyên, vốn và lao động. Năng suất lao động còn thấp so với nhiều nước trong khu vực.

2. Nguồn lực của đất nước chưa được sử dụng có hiệu quả cao; tài nguyên, đất đai và các nguồn vốn của Nhà nước còn bị lãng phí, thất thoát nghiêm trọng. Nhiều nguồn lực trong dân chưa được phát huy.

3. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm. Trong công nghiệp, các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao còn ít. Trong nông nghiệp, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường. Chất lượng nguồn nhân lực của đất nước còn thấp. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn cao, tỷ trọng lao động qua đào tạo còn thấp, lao động thiếu việc làm và không việc làm còn nhiều.

4. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy được thế mạnh để đi nhanh vào cơ cấu kinh tế hiện đại. Kinh tế vùng chưa có sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả thấp và chưa được quan tâm đúng mức.

5. Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý. Công tác quy hoạch chất lượng thấp, quản lý kém, chưa phù hợp với cơ chế thị trường.

Mục tiêu CNH – HĐH đến năm 2030

Để CNH – HĐH tiếp tục đạt được những thành công mới, các Mục tiêu CNH – HĐH đã được xác định:

Mục tiêu tổng quát đến 2030

Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.

Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

-Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới.

-Tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%; đạt khoảng 260 sinh viên trên một vạn dân.

-Thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỉ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Tỉ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14 - 15% GDP.

-Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.

-Xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

-Tỉ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Hoàn thành xây dựng chính phủ số, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.

-Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản), tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN; chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) đạt trên 55. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

Tầm nhìn đến năm 2045:

-Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á.

Có thể nói, quá trình CNH, HĐH ở Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cách tiếp cận cũ đang làm chậm lại và giảm hiệu quả của quá trình CNH, HĐH ở nhiều địa phương; từ đó ảnh hưởng chung đến kết quả CNH, HĐH ở quy mô quốc gia.

Một số đề xuất cách tiếp cận cụ thể:  Bước đi và lộ trình CNH-HĐH thời gian tới cần thể hiện sự kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh, phù hợp với lộ trình đạt được các mục tiêu phát triển của đất nước và những quá trình chuyển đổi của nền kinh tế qua từng giai đoạn. Mô hình và phương thức công nghiệp hoá, hiện đại hoá tương thích và đồng bộ với mô hình tăng trưởng kinh tế và mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Định hướng phát triển CNH-HĐH cần ưu tiên nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất nhằm nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp dịch vụ có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế.

Việc đưa ra mô hình cho chiến lược CNH-HĐH đất nước cần dựa trên những thế mạnh, khắc phục những điểm yếu cũng như từ các nhu cầu thực tiễn để bảo đảm đạt được mục đích đề ra. Xây dựng mô hình CNH-HĐH cần quan tâm đến các yếu tố: Kiện toàn lại cơ sở hạ tầng phục vụ cho các mục tiêu cần nhắm đến; cần có sự cập nhật và linh động của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tận dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có; hướng đến phát triển các lĩnh vực có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới…

Giải pháp đẩy mạnh CNH – HĐH

Để đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh CNH-HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết. Cùng với đó là những giải pháp được đề xuất trên cơ sở tình hình thực tiễn. Bao gồm:

1. Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CNH, HĐH đất nước. Trong đó, ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng...; tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh. Xây dựng lộ trình, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững, phù hợp với xu thế của thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế. Xây dựng khung pháp luật cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số; ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách thí điểm, đặc thù cho các hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số...

2. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

3. Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy CNH, HĐH đất nước nhanh, bền vững. Theo đó, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho CNH, HĐH theo hướng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; ưu tiên nguồn lực tài chính nhà nước đầu tư cho phát triển hạ tầng liên kết vùng, hạ tầng năng lượng, chuyển đổi số, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo...

4. Đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo đó, cần ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng kết nối nông thôn với đô thị, nhất là hạ tầng thủy lợi, giao thông vận tải, hạ tầng thương mại, kho bãi, bảo quản, chế biến nông sản; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng số và dữ liệu số nông nghiệp, nông thôn; nâng cấp, hiện đại hóa và phát triển sàn giao dịch cho các nông sản chủ lực, xây dựng các trung tâm hậu cần biên mậu.

5. Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy CNH, HĐH. Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thu hút FDI. Xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình CNH, HĐH như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng...

6. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.

7. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội./.

  Ths. Đào Văn Thuyết

...