20/01/2025 lúc 15:57 (GMT+7)
Breaking News

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt Nam: Hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại

VNHN - Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian xuất hiện phổ biến trong đời sống các dân tộc mà cư dân gắn với nền nông nghiệp lúa nước.

VNHN - Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian xuất hiện phổ biến trong đời sống các dân tộc mà cư dân gắn với nền nông nghiệp lúa nước.

 

Trong đó có ở Việt Nam ta. Trong tiềm thức của người Việt, việc tôn thờ thần Đất, thần Nước, thần Núi, thần Lúa và các hiện tượng tự nhiên như Bà Sấm, Bà Sét, Mẹ Lúa, Mẹ Nước… đều đồng nhất với yếu tố Âm và nhân hóa thành Nữ tính - Mẹ. Tín ngưỡng thờ Nữ thần - Mẫu chứa đựng các nhân tố về hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ. Theo đó, vũ trụ được phân chia làm 4 miền: Miền Trời (Thiên Phủ), miền Đất (Địa Phủ), miền Nước (Thủy Phủ) và miền Rừng (Nhạc Phủ). Mỗi miền đều có một bà Mẹ (Thánh Mẫu) cai quản. Dưới các Thánh Mẫu có các vị thần linh khác như: Ngũ vị Quan Lớn, Tứ Phủ Chầu Bà, Tứ Phủ Ông Hoàng, Tứ phủ Thánh Cô, Tứ phủ Thánh Cậu và được sắp xếp thờ tự theo từng cặp đôi  âm - dương, chẵn - lẻ. Trong quá trình hình thành và phát triển Tín ngưỡng thờ Mẫu còn tiếp thu, ảnh hưởng của các tín ngưỡng tôn giáo khác như: Phật giáo, Đạo giáo…Đặc biệt, đến thế kỷ XV - XVI, sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã quy nạp toàn bộ hệ thống thờ Nữ thần (Mẫu) của người Việt thành một thể thống nhất để hình thành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Trong đó, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh làm thần chủ. Như vậy, từ một tín ngưỡng sơ khai tôn thờ các yếu tố Âm – Nữ tính (Nữ thần) có chức năng sản sinh, bảo trợ đời sống tinh thần của cộng đồng, đã phát triển thành Tín ngưỡng thời Mẫu Tam phủ, Tứ phủ có tính hệ thống và lan tỏa mạnh mẽ, mang đặc trưng văn hóa tín ngưỡng của người Việt.

Nam Định nằm ở Trung tâm khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, nơi hội tụ, lưu giữ và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, trong đó có Tín ngưỡng thờ Thánh Cha và Thánh Mẹ (tháng Tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ). Theo Truyền kỳ tân phả của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết vào thế kỷ XVIII thì mảnh đất Nam Định là nơi Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất và lần thứ hai. Lần thứ nhất giáng sinh vào nhà họ Phạm, xã Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên) vào năm 1434 với tên là Phạm Tiên Nga, không lấy chồng, đến 40 tuổi thì mất (1473). Lần thứ hai giáng sinh vào nhà họ Lê ở Kẻ Dầy Vân Cát, xã An Thái, huyện Thiên Bản (nay là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) vào năm 1557 với tên là Lê Thị Thắng, lấy chồng là Đào Lang, đến năm 21 tuổi lại về trời (1577). Dưới thời Lê, Nguyễn, Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã được triều đình nhiều lần ban tặng sắc phong làm Thượng đẳng thần; đồng thời cử các quan lại địa phương đứng lên hưng công, trùng tu xây dựng các đền, phủ phụng thờ, tiêu biểu là phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát. Đặc biệt, năm 1936 đồng quan Trần Vũ Thực và Hội Kinh Xuân Phổ Hóa đã khảo sát xây dựng lăng Mẫu, đến năm 1938 thì hoàn thành. Quá trình “Mẫu hóa” các di tích đã đưa phủ Dầy - Nam Định trở thành trung tâm của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Hằng năm, vào dịp tháng Ba âm lịch, tại đây thường tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động, nghi lễ như: Nghi lễ chầu văn, lễ rước Mẫu lên chùa thỉnh kinh, Hội hoa trượng và nhiều hoạt động văn hóa truyền thống nhằm tri ân công đức của Thánh Mẫu. Hiện nay, Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có sức lan tỏa mạnh mẽ khắp các địa phương trong và ngoài nước với nhiều địa điểm thờ tự. Chỉ tính riêng Nam Định đã có tới 287 địa điểm thực thành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Chủ thể thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu chính là cộng đồng có chung niềm tin, quyền năng, sức mạnh tối linh và sự bảo trợ của Thánh Mẫu, bao gồm thủ nhang, pháp sư, thanh đồng, hầu dâng, cung văn hóa và các con nhang đệ tử. Ngoài Nam Định ra còn có đông đảo cộng đồng người Việt ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Bộ và nhiều địa phương khác, thậm chí cả một bộ phận kiều bào ta ở nước ngoài cũng là chủ thể của di sản này.

Trong các thực hành của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt thì Nghi lễ chầu văn là đặc trưng tiêu biểu nhất. Đây là nghi lễ tích hợp nhiều hình thức văn hóa dân gian bản địa như: Âm nhạc, ngôn ngữ, tri thức, dân gian, ca hát, nghề thủ công truyền thống, trang phục, cùng với nghệ thuật trang trí, kiến trúc, ẩm thực…đã tạo nên một hình thức sân khấu tâm linh huyền ảo, mang tính linh thiêng.

Các thực hành trong tín ngưỡng đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và trong cộng đồng. Tình yêu Mẹ trở thành nguồn cội, gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, thiên nhiên, giúp cho con người tin tưởng vào cuộc sống, từ đó sống có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường thiên nhiên. Trải qua thời gian, các thực hành trong Tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn được cộng đồng duy trì, bảo tồn và phát triển trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh, trong đó tâm thức và tâm linh đan xen, hòa quyện vào nhau góp phần cố kết nhân dân, ổn định và phát triển xã hội.

Là một hiện tượng xã hội, Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng trải qua những thăng trầm trong quá trình tồn tại và phát triển. Trong giai đoạn đất nước chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đời sống kinh tế xã hội khó khăn, di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu chưa được quan tâm nghiên cứu để nhận diện đúng mức các giá trị, thậm chí coi các thực hành của tín ngưỡng là mê tín dị đoan. Sau khi đất nước thống nhất, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhiều Nghị quyết, văn bản pháp luật đã được ban hành, trong đó có Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi bổ sung năm 2009 thì hệ thống các di tích và thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được quan tâm đúng mức. Năm 1975, các phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và lăng Mẫu trong quần thể di tích phủ Dầy đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Từ năm 1992, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà nghiên cứu khoa học, sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, nhiều cuộc hội thỏa khoa học quốc gia và quốc tế được tổ chức nhằm làm sáng tỏ những giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Người có công lớn trong việc nghiên cứu về Tín ngưỡng thờ Mẫu là GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nguyên Viện tưởng Viện Văn hóa dân gian Việt Nam; đến nay ông đã có hàng chục đầu sách xuất bản nghiên cứu về Tín ngưỡng thờ Mẫu. Sau 3 năm thử nghiệm, năm 1996 Bộ Văn hóa nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý mở lại Lễ hội Phủ Dầy. Đến nay, Lễ hội Phủ Dầy đã trở thành một trong những lễ hội lớn của quốc gia, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham dự. Bên cạnh đó, nhiều di tích liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được các cấp chính quyền và nhân dân trùng tu, tôn tạo. Có thể nói, giai đoạn này, công lao bảo tồn, gìn giữ di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu phần lớn thuộc về cộng đồng.

Trong các năm 2012, 2013, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Sở VHTTDL kiểm kê, lập hồ sơ “Nghi lễ chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy” đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở khoa học và pháp lý để Bộ VHTTDL đồng ý cho tỉnh Nam Định đại diện các địa phương có di sản tiến hành nghiên cứu xây dựng Hồ Sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt) trình UNESCO vinh danh. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt nam và Sở VHTTDL Nam Định là hai cơ quan trực tiếp xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia.

Từ tháng 11/2013 đến tháng 3/2014, Ban xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia đã tiến hành kiểm kê di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định, ghi âm, ghi hình, nghiên cứu tư liệu, dựng phum, viết về hồ sơ theo các quy định của UNESCO. Trong quá trình xây dựng hồ sơ di sản, Ban xây dựng hồ sơ đã nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ của chính quyền địa phương và đông đảo cộng đồng, tiêu biểu là các chủ thể văn hóa thuộc quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Vản và phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên. Ngày 15/3/2014, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đã họp thông qua hồ sơ và đề nghị bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ cho phép nộp hồ sơ di sản tới văn phòng UNESCO tại Paris (Cộng hòa Pháp) vào ngày 30/03/2014 để xét duyệt vào năm 2015. Tuy nhiên, hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nằm ngoài danh sách 50 Hồ sơ ưu tiên, Ban Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO thông báo hồ sơ di sản của Việt Nam sẽ xem xét vào năm 2016. Theo đó, Ban xây dựng hồ sơ đã chỉnh sửa, hoàn thiện theo hướng dẫn của UNESCO và nộp lại vào ngày 30/12/2015. Hồ sơ đề cử của Việt Nam đã được chuẩn bị công phu, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của UNESCO. Sau khi thẩm định, Ban thư ký Di sản Văn hóa phi vật thể đã có văn bản gửi cơ quan thẩm quyền của Việt Nam gợi ý điều chỉnh tên gọi hồ sơ là “Thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đã tiếp thu ý kiến của Ban thư ký và tổ chức hội nghị với các cơ quan liên quan thống nhất tên gọi hồ sơ là “ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người việt” báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có văn bản trả lời Ban thư ký Di sản văn hóa phi vật thể UNESCO.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di sản, tỉnh Nam Định đã đăng cai tổ chức 02 hội thảo khoa học quốc tế, tổ chức chương trình tham quan, giới thiệu di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu tới đoàn ngoại giao gồm hơn 20 đại sứ các nước và tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng nhiều cơ quan thông tấn, báo chí nhằm quảng bá giá trị của di sản, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế và các nước thành viên Công ước 2003 bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2015, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã nghiên cứu, tổ chức trưng bày chuyên đề “ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Bản sắc và giá trị”. Trưng bày có sự chung tay góp sức của đông đảo cộng đồng, nhằm giới thiệu những giá trị nổi bật, công lao bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đây chính là nơi kết nối cộng đồng, đồng thời tuyên truyền, quảng bá di sản đến du khách trong và ngoài nước.

Thực hiện nhiệm vụ trong Đề án xây dựng hồ sơ, năm 2015 tỉnh Nam Định đã cử đoàn công tác tới Văn phòng UNESCO để bàn về nhiệm vụ bảo vệ di sản đề cử. Tháng 11/2016 đoàn công tác của tỉnh Nam Định và Bộ VHTTDL đã tham dự phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO tổ chức tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia. Tại phiên họp này “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ  “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã đáp ứng các tiêu chí của UNESCO.

Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ XVI thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang đệ tử… Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành; Các bộ phận cấu thành của di sản thể hiện những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu. Việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy, tôn trọng đa dạng văn hóa. Trong quá trình tồn tại và phát triển, di sản đã được cộng đồng tự nguyện gìn giữ và bảo vệ. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản. Các hoạt động đó phản ánh cam kết của Nhà nước, cộng đồng bảo vệ, tránh thương mại hóa di sản. Di sản đã được đại diện cộng đồng, chủ thể của di sản, các cấp chính quyền, các nhà nghiên cứu cùng nhiều tổ chức của Chính phủ và phi Chính phủ đồng thuận đề cử. Các thành tố của di sản như “ Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định” và “Lễ hội Phủ Dầy” đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012, 2013, đó là những cơ sở pháp lý và khoa học để đề cử vinh danh di sản ở tầm quốc tế.

Sau khi di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động bao gồm: Xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ vinh danh và đón bằng UNESCO; xây dựng Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản; Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản; Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá giá trị của di sản…

Di sản “ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được vinh danh ở tầm quốc tế là niềm tự hào của cộng đồng thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu và của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào về những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, chúng ta cũng cần nhận thức còn nhiều khó khăn thách thức trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Ngoài sự nỗ lực của Nhà nước thì cộng đồng đóng vai trò quan trọng, bởi chính họ là chủ thể sáng tạo, bảo tồn và trao quyền di sản cho các thế hệ tiếp nối./.