Đây là một trong những nội dung được tập trung thảo luận tại Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao Đông Á về chính sách Cạnh tranh (“EATOP”) lần thứ 16 và Hội nghị Đông Á về Luật và Chính sách Cạnh tranh (“EAC”) lần thứ 13 diễn ra vào tháng 9/2021 theo hình thức trực tuyến.
EATOP và EAC là hai sự kiện cạnh tranh thường niên của khu vực do cơ quan cạnh tranh các nước khu vực thay phiên chủ trì tổ chức. Hội nghị năm nay do Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore tổ chức với sự phối hợp của Ủy ban Thương mại Lành mạnh Nhật Bản (JFTC) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI).
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005, EATOP là sự kiện cạnh tranh thường niên của khu vực, là nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo cấp cao cơ quan cạnh tranh các nước Đông Á để trao đổi, chia sẻ những vấn đề nổi bật trong công tác thực thi chính sách và luật cạnh tranh của khu vực. Từ năm 2008 trở lại đây, Hội nghị EATOP được tổ chức song song với Hội nghị EAC tạo nên một cầu nối giữa cơ quan cạnh tranh và doanh nghiệp nhằm cùng lắng nghe ý kiến, chia sẻ quan điểm dưới các góc nhìn khác của các bên liên quan trong việc thực thi và tuân thủ chính sách và luật cạnh tranh khu vực.
Tham dự Hội nghị EATOP có 60 đại diện cơ quan cạnh tranh các nước Đông Á. Với hình thức trực tuyến, Hội nghị EATOP năm nay đã có cơ hội quy tụ được hầu hết các lãnh đạo cấp cao nhất, người đứng đầu của cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ và New Zealand, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Thương mại Lành mạnh Nhật Bản, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Indonesia, Ủy viên thường trực Ủy ban Thương mại Lành mạnh Hàn Quốc, Giám đốc điều hành Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Singapore, Giám đốc điều hành Ủy ban Cạnh tranh Malaysia, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng… Các lãnh đạo cơ quan cạnh tranh đã có bài trình bày đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với công tác thực thi pháp luật cạnh tranh thời gian vừa qua và đưa ra sáng kiến về công tác thực thi cạnh tranh thời gian tới.
Tham gia Hội nghị này, đại diện cơ quan cạnh tranh Việt Nam, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã chia sẻ với Hội nghị về: (i) những thách thức mà dịch bệnh Covid-19 đặt ra trong công tác thực thi luật cạnh tranh của Việt Nam thời gian qua; (ii) những biện pháp mà Việt Nam triển khai nhằm đảm bảo thị trường vận hành thông suốt; và (ii) định hướng của công tác thực thi trong thời gian tới trước sự chuyển hướng mạnh mẽ của môi trường kinh doanh sang nền kinh tế kỹ thuật số.
Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đáng kể đến công tác cạnh tranh tại Việt Nam như giá cả một số hàng hóa thiết yếu tăng cao, việc hạn chế đi lại và giãn cách xã hội gây cản trở công tác giám sát cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, số lượng hồ sơ tập trung kinh tế mà cơ quan cạnh tranh cần xử lý tăng cao do Việt Nam áp dụng quy định mới về kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cũng như do nhu cầu mua bán sáp nhập trên thị trường có xu hướng tăng trong do tác động của dịch bệnh.
Trước những thách thức đặt ra như trên, nhằm đảm bảo thị trường được vận hành thông suốt đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong trong thời kỳ dịch bệnh, Cục đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát thị trường đặc biệt thị trường của mặt hàng thiết yếu và đưa ra cảnh báo đối với một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh. Đồng thời, cơ quan cạnh tranh cũng tăng cường công tác giám sát cạnh tranh đối với các cơ quan quản lý ngành, địa phương đảm bảo cơ quan quản lý nhà nước không ban hành những chính sách có tác động ngăn cản, hạn chế cạnh tranh liên quan đến việc hạn chế vận chuyển và phân phối hàng hóa trên thị trường trong thời kỳ dịch bệnh.
Đối với việc kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong công tác tiến hành tập trung kinh tế nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng phương thức mua bán và sáp nhập như là công cụ hiệu quả trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp, tăng cường hiệu quả kinh doanh nhằm vượt qua khó khăn gây ra bởi dịch bệnh đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định về kiểm soát tập trung kinh tế. Liên quan đến lĩnh vực này, Cục đã xây dựng và công bố Hướng dẫn doanh nghiệp về quy định nộp và thẩm định hồ sơ tập trung kinh tế theo đó đơn giản hóa thủ tục đánh giá hồ sơ thông báo, giảm thời gian xem xét phê duyệt thông báo tập trung kinh tế của doanh nghiệp.
Trước bối cảnh có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang nền kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiến hành nghiên cứu, báo cáo đánh giá về kinh tế số để có thể tiến hành hiệu quả công tác thực thi luật cạnh tranh trong lĩnh vực này. Đồng thời, cùng với chức năng thực hiện công tác bảo vệ người tiêu dùng, Cục cũng sẽ tăng cường cơ chế phối hợp giữa công tác quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực kinh tế số.
Với Hội nghị EAC, bên cạnh đại diện cơ quan cạnh tranh, Hội nghị năm nay đã có sự tham dự của một số lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả trong lĩnh vực cạnh tranh và kinh tế số trong và ngoài khu vực. Với chủ đề về tác động của tiến bộ công nghệ đối với việc thực thi chính sách và luật cạnh tranh, các diễn giả bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Indonesia, học giả đến từ một số trường đại học khu vực, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp kỹ thuật số … đã thảo luận, đánh giá về tác động của tiến bộ công nghệ với môi trường kinh doanh cũng như đưa ra những định hướng cho công tác thực thi luật và chính sách cạnh tranh khu vực trong lĩnh vực này.
Được tổ chức song song với Hội nghị EATOP, Hội nghị EAC đã tạo ra một diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa cơ quan thực thi và các đối tượng áp dụng chính sách và luật cạnh tranh. Điều này giúp thu hẹp dần khoảng cách, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa cơ quan cạnh tranh và doanh nghiệp trong việc áp dụng và tuân thủ luật cạnh tranh trên tinh thần khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh lành mạnh trong môi trường kinh tế số. Hội nghị cũng tái khẳng định dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ lĩnh vực kinh tế nào thì chế độ cạnh tranh hiệu quả cũng sẽ thúc đẩy phát triển thị trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.