Chuyển đồi số là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Xu thế chung của thời đại
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế nhận định, Kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Trong đó, đối với nền kinh tế tuần hoàn, phát triển nông nghiệp bền vững đồng nghĩa với việc phải áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Tại Việt Nam, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GDP ngày một giảm, đặc biệt khi so sánh cùng các ngành công nghiệp, dịch vụ. Tuy vậy nông nghiệp lại có vai trò đặc biệt quan trọng. Thế giới đang mở cửa để các nước cùng nhau hợp tác phát triển, đặc biệt là cuộc cách mạng lần thứ 4 thì việc chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp trở thành xu thế tất yếu. Đây được coi là giải pháp then chốt giúp Việt Nam phát triển nền nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Thực tế cũng cho thấy, khi ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp chi phí lao động đã giảm ½, khí thải nhà kính giảm 50%, năng suất tăng 30%. Khi áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, người dùng còn dễ dàng truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, tạo cảm giác yên tâm khi sử dụng sản phẩm.
Trong khi đó, dưới góc độ quản lý, chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích khi quản lý, điều hành ngành nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng hiệu quả hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào trong điều hành, quản lý sẽ giúp cho việc ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt, kịp thời, làm tăng hiệu lực quản lý và hiệu quả điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp
Nhiều cơ hội và cả thách thức
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh đến việc thiết lập kiến trúc dữ liệu nền tảng số của ngành nông nghiệp, cũng như tăng cường sự phối hợp giữa địa phương với Trung ương trong bảo vệ các hoạt động nông nghiệp xanh và bền vững. Với sự nỗ lực, quyết tâm của các bên liên quan, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ NN&PTNT với UNDP, các tổ chức quốc tế và các địa phương sẽ góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ lệ nông dân Việt Nam sử dụng internet hằng ngày khá cao. Đây là một trong những thuận lợi giúp nông dân ứng dụng số hóa vào trong sản xuất. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà chuyển đổi số còn giúp nông dân gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Dù có nhiều cơ hội nhưng để số hóa thành công trong nông nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn rải rác, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Nông nghiệp thông minh và công nghệ cao cần phải đầu tư hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn các hộ không đủ điều kiện để đầu tư.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được ban hành. Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn hạn chế.