19/01/2025 lúc 06:53 (GMT+7)
Breaking News

Thúc đẩy 5 dự án trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh

Chiều 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TPHCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đến hết ngày 25/11/2022, tổng số vốn đã giải ngân là hơn 12.665 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 34%.

Các đơn vị chủ đầu tư đăng ký giải ngân vốn đến hết niên độ Kế hoạch đầu tư công năm 2022 đạt tỉ lệ 76,7% tổng số vốn giao, ông Mãi nói.

Về triển khai các dự án trọng điểm, theo Chủ tịch UBND TPHCM, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành-Suối Tiên có tiến độ đạt 92,89%. Dự kiến công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Còn tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành–Tham Lương, TPHCM dự kiến khởi công xây dựng cuối năm 2022, hoàn thành vào cuối năm 2024.

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, Thành phố đang hoàn tất các thủ tục để phê duyệt hai dự án thành phần (xây lắp và bồi thường) trước ngày 30/11/2022, phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng để khởi công trước ngày 30/6/2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc

Gỡ vướng cho TPHCM

Các ý kiến của thành viên đoàn công tác cho rằng, TPHCM đã phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của thành phố qua 4 từ "năng động, chủ động, quyết liệt, tiên phong" và cho biết thêm, khi đến TPHCM tham gia chống dịch trước đây, tổ công tác chỉ mong TPHCM sẽ có ngày đông vui như bình thường, thì nay, TPHCM đã đông vui hơn cả bình thường.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, vốn đầu tư công giao cho Thành phố chiếm tỉ lệ rất lớn so với cả nước, giải ngân nhanh thì kéo theo tốc độ giải ngân cả nước. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ giải ngân 34% của Thành phố thấp hơn mức trung bình cả nước là 43%. Do đó, TPHCM cần nỗ lực hơn nữa.

Ấn tượng về sự phát trển của TPHCM, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Thành phố còn nhiều tiềm năng lợi thế để khai thác, hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Về dự án nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, theo Bộ trưởng, việc thành lập tổ công tác thúc đẩy dự án là cần thiết.

Góp ý cho Thành phố, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ cảm ơn TPHCM đã quan tâm phát triển lĩnh vực y tế. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, Bộ trưởng mong Thành phố quan tâm cho y tế cơ sở, vừa qua bộc lộ một số vấn đề từ dịch COVID-19; đề nghị Thành phố đẩy mạnh triển khai, giải ngân vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 146 trạm y tế từ nguồn vốn của chương trình phục hồi.

Nhất trí với các kiến nghị của TPHCM, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang dự kiến xây dựng 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia, mong muốn phối hợp với TPHCM trong vấn đề này. Bộ cũng đề nghị Thành phố phối hợp phát triển thị trường KH&CN.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thống nhất cao với báo cáo của Chủ tịch UBND TPHCM. Ngay sau thành lập, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản do Bộ trưởng làm tổ trưởng đã làm việc ngay với TPHCM, một số doanh nghiệp bất động sản lớn trên địa bàn.

Tổ công tác sẽ cùng TPHCM tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản để thị trường vận hành ổn định.

Thủ tướng kết luận cuộc làm việc

Ba bài học kinh nghiệm

Đánh giá cao, biểu dương kết quả mà TPHCM đạt được thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 3 bài học kinh nghiệm. 

Thứ nhất, Thành phố đã chủ động, tích cực, năng động, linh hoạt, sáng tạo ứng phó với các vấn đề mới nổi thuộc chức năng, thẩm quyền xử lý của TPHCM. 

Thứ 2, Thành phố đã đoàn kết thống nhất, các cơ quan trong hệ thống chính trị "đúng vai, thuộc bài", chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành để xử lý vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. 

Thứ 3, TPHCM đã chủ động huy động mọi nguồn lực xã hội, doanh nghiệp để phục vụ phát triển nhanh và bền vững.

Chia sẻ khó khăn với TPHCM, Thủ tướng cho rằng, với một thành phố lớn, dân số hơn 10 triệu người, có vị trí đặc biệt, thì khó có thể giải quyết hết các khó khăn. Bởi Thành phố phải phát triển ngang tầm vị trí, lo công ăn việc làm cho hơn 10 triệu người, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân với yêu cầu ngày càng cao về đời sống tinh thần và vật chất, phải bảo đảm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng, ổn định trật tự an toàn xã hội.

TPHCM phải góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình phát triển, Thủ tướng yêu cầu và nhấn mạnh: Chính phủ luôn đồng hành cùng thành phố để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thúc đẩy 5 dự án trọng điểm

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả đạt được là đáng trân trọng, nhưng không được chủ quan, có tâm lý thoả mãn và cũng không bi quan trước khó khăn. Tinh thần là phát huy tối đa thành tích đạt được, khắc phục bằng được hạn chế, bất cập, phấn đấu hoàn thành vượt mức 19 chỉ tiêu đã đề ra năm 2022.

Thủ tướng yêu cầu TPHCM rà soát lại các công việc từ nay đến cuối năm, chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho năm 2023, trong đó, cần tập trung vào 3 quy hoạch là quy hoạch chung, quy hoạch kinh tế-xã hội và quy hoạch TP. Thủ Đức.

Nhấn mạnh việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng lưu ý giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu, chương trình phục hồi kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Cho ý kiến đối với 5 dự án trọng điểm của TPHCM, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp xử lý các vấn đề còn lại của Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1; với tuyến metro số 2, Bộ Tài chính cùng Bộ KH&ĐT, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ giải quyết các vấn đề về thủ tục vay vốn.

Đối với dự án đường Vành đai 3, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần bố trí đủ vốn cho TPHCM triển khai theo Nghị quyết của Chính phủ. 

Cơ bản đồng ý với kiến nghị của Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) về dự án cao tốc Bến Lức–Long Thành, Thủ tướng cho rằng, cần sớm hoàn thành dự án này để kết nối với đường vành đai 3 thành tuyến hoàn chỉnh, dứt khoát phải hoàn thành, thông xe vào năm 2025.

Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác xử lý các vấn đề của dự án Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, bảo đảm đúng tiến độ.

Đối với dự án Xây dựng đường cao tốc TPHCM–Mộc Bài, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành sớm thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 12/2022.

Thủ tướng cũng cho biết, các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ sẽ phối hợp với TPHCM trong việc sửa đổi Nghị quyết 54 về các cơ chế đặc thù cho Thành phố. Bộ KH&ĐT tập trung cao cho công việc này, tiếp thu toàn bộ ý kiến của TPHCM, đặc biệt là các chính sách thí điểm. Rà soát lại xem có nội dung gì có thể đưa vào nghị quyết để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Thủ tướng đề nghị TPHCM tập trung dành nguồn lực cho 3 động lực tăng trưởng: Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. 

TPHCM cần đi đầu về đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành phối hợp với TPHCM xây dựng một hình mẫu vè đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp (như đề xuất của Bộ trưởng KH&CN).

TPHCM cũng cần tập trung vào các ngành nghề mới nổi, chuyển đổi số, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; đồng thời phải làm tốt công tác an sinh xã hội; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; quan tâm phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển chính trị, kinh tế; phát triển công nghiệp văn hoá gắn với thúc đẩy du lịch.

Nhất trí cao với các kiến nghị của TPHCM, Thủ tướng cho biết, đối với tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tài chính ngân hàng, Thủ tướng đã thành lập 3 tổ công tác để xử lý các vấn đề trong các lĩnh vực này.

Thủ tướng nêu rõ, trong lúc khó khăn, Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, người dân, bạn bè quốc tế đến TPHCM đầu tư cùng "mỗi người cố gắng một ít, chung tay góp sức, góp gió thành bão" để giúp TPHCM phát triển. 

Thủ tướng lấy ví dụ, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, trái phiếu… cũng tự tìm cách vượt qua khó khăn, người dân cũng cần chia sẻ một phần khó khăn, Nhà nước dùng các công cụ quản lý để chia sẻ khó khăn và cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc, giải quyết với tinh thần chân thành, thiện chí, vì lợi ích chung.

Thủ tướng cũng cho ý kiến, giải đáp các kiến nghị của TPHCM về hạn mức tín dụng, có chính sách visa thông thoáng hơn, sửa quy định về điều hành xăng dầu, giá dịch vụ khám chữa bệnh...

Xuân Nam