22/01/2025 lúc 16:49 (GMT+7)
Breaking News

Thừa Thiên Huế: Thúc đẩy chuyển đổi số phát triển nhanh và bền vững

Thừa Thiên Huế trong nhiều năm qua luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về chỉ số Chuyển đổi số (DTI). Hiện nay, tỉnh thuộc nhóm có trình độ phát triển khoa học công nghệ ở mức cao của cả nước. Tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung thực hiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó công nghệ thông tin, chuyển đổi số được xác định là giải pháp đột phá để các ngành, các lĩnh vực phát triển nhanh và bền vững, với tiêu chí lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính người dân, doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, dữ liệu số cần phải đóng vai trò tiên phong trong việc liên kết, liên thông, đóng vai trò làm công cụ, làm nền tảng cho việc thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác liên kết và phát triển, đặc biệt: giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, kinh tế số, đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch và dịch vụ, logistics, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm đến việc xây dựng, khai thác dữ liệu và đưa vào vận hành Hệ thống dữ liệu mở của tỉnh nhằm mục tiêu thu thập, chia sẻ các bộ dữ liệu, kết nối liên thông với các hệ thống dùng chung của tỉnh, liên thông với Cổng dữ liệu Quốc gia; hướng đến sự minh bạch và phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.

Chuyển đổi số tại tỉnh Thừa Thiên Huế được xác định đóng vai trò làm nền tảng cho việc thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác liên kết và phát triển.

Hệ thống này được xây dựng và vận hành trước cả thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước. Đến nay, đã có 115 bộ dữ liệu của 32 cơ quan, đơn vị công bố trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh thuộc các lĩnh vực như: Văn hóa, y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải...

Qua đó, với việc quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn dữ liệu đã đem lại cho tỉnh nhiều lợi ích thiết thực: người dân, doanh nghiệp được tiếp cận một cách dễ dàng hơn với các nguồn thông tin như bản đồ địa chính, bản đồ quy hoạch, dữ liệu sức khỏe cá nhân, thông tin thời tiết.... thông qua ứng dụng di động Hue-S; các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiết kiệm thời gian hơn khi tìm kiếm thông tin về chỉ số kinh tế – xã hội; hệ thống di sản, văn hóa được số hóa đã giúp việc lưu trữ được tiến hành một cách khoa học hơn, đồng thời phục vụ đắc lực cho công tác trùng tu, tôn tạo và đem lại những sản phẩm du lịch mới, trải nghiệm mới cho du khách bốn phương.

Ngoài ra, Chính phủ đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng kinh tế để chia sẻ nguồn lực, tận dụng lợi thế của mỗi địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Tháng 1/2022, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị. Tháng 11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030.

Có thể thấy, hiện trạng của liên kết phát triển các vùng kinh tế nói chung, và miền Trung nói riêng còn lỏng lẻo chưa tận dụng, khai thác được lợi thế của từng địa phương. Vùng kinh tế miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế hợp tác phát triển. Tuy nhiên, việc liên kết, phát triển hiện gặp nhiều khó khăn trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Thời gian tới, để thực hiện được chuyển đổi số hiệu quả, Thừa Thiên Huế cần nhanh chóng xây dựng chiến lược về dữ liệu địa phương kết hợp trí tuệ nhân tạo; áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động điều hành, phục vụ người dân, đồng thời xây dựng hạ tầng tính toán đáp ứng xử lý hệ thống dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới. Đặc biệt, nhằm thúc đẩy liên kết vùng, Thừa Thiên Huế có thể lựa chọn các địa phương lân cận để xây dựng dữ liệu giao thông hoặc y tế giúp người dân các địa phương này dễ dàng tiếp cận các dịch vụ trong quá trình làm việc.