17/01/2025 lúc 00:08 (GMT+7)
Breaking News

Thủ tướng Nga Medvedev bất ngờ từ chức nhằm triển khai cải tổ hiến pháp

VNHN - Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 15/1 tuyên bố quyết định từ chức nhằm tạo điều kiện cho Tổng thống Vladimir Putin triển khai các đề xuất cải tổ hiến pháp.

VNHN - Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 15/1 tuyên bố quyết định từ chức nhằm tạo điều kiện cho Tổng thống Vladimir Putin triển khai các đề xuất cải tổ hiến pháp.

Sau khi Tổng thống Putin đọc thông điệp liên bang thường niên, Thủ tướng Medvedev trình bày trước nhà lãnh đạo rằng các đề xuất của ông cho thấy một loạt “các thay đổi căn bản” đối với hiến pháp, theo hướng tái cân bằng quyền lực về mặt tổng thể, theo Hãng tin RT. Trước tình hình mới, ông Medvedev cho rằng cần phải tạo cơ hội cho tổng thống có thể đưa ra mọi quyết định cần thiết để thực thi các thay đổi trên. “Vì vậy, tôi cho rằng điều đúng đắn cần phải làm hiện nay là chính phủ Nga nên giải tán, theo điều 117 của hiến pháp”, ông Medvedev nhấn mạnh.

Tổng thống Putin sau đó đã gửi lời cảm ơn về sự đóng góp của ông Medvedev và đề nghị thủ tướng cũng như toàn thể nội các tiếp tục công việc cho đến khi chính quyền mới được thành lập. Tổng thống Putin đã đề nghị Cục trưởng Cục Thuế Liên bang Nga Mikhail Mishustin làm thủ tướng Nga và ông Mishustin đã đồng ý, theo Sputnik News. Sau khi chính phủ mới tiếp quản công việc, Tổng thống Putin đề nghị ông Medvedev tiếp nhận vị trí mới là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang. Ông Putin giữ chức Chủ tịch hội đồng này.

Ông Medvedev đã đồng ý với đề nghị của tổng thống. Trên cương vị mới, ông Medvedev sẽ chịu trách nhiệm hai mảng then chốt là quốc phòng và an ninh. Tổng thống Putin đã bổ nhiệm ông Medvedev vào ghế thủ tướng từ tháng 5.2012 và tái bổ nhiệm ông vào năm 2018, sau khi ông Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ tư của mình. Trong thông điệp liên bang ngày 15.1, Tổng thống Putin đã đề xuất cải tổ các điều khoản trong hiến pháp, bao gồm việc siết chặt các yêu cầu đối với ứng viên tổng thống cũng như các vị trí quan trọng khác nhằm đảm bảo an ninh và chủ quyền, theo Sputnik.

Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev trao đổi trước khi họp với nội các hôm 15/1

Cụ thể, ông Putin đề xuất ứng viên tổng thống đó không được có quốc tịch nước ngoài và phải sống ở Nga ít nhất 25 năm (so với quy định hiện hành là 10 năm). Đồng thời, ông nhấn mạnh quốc hội cần phải đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trong việc điều hành đất nước. Cải cách hiến pháp theo hướng của ông Putin giúp quốc hội có quyền lựa chọn thủ tướng và các thành viên nội các, thay vì tổng thống chọn như trong hệ thống hiện tại.

Quyền lực của các thống đốc khu vực cũng sẽ được nâng cao và các nhà lập pháp sẽ được tham vấn về việc bổ nhiệm những quan chức hành pháp cấp cao. Thủ tướng sẽ phải trình lên quốc hội để phê chuẩn các ứng viên cho chức phó thủ tướng và các bộ trưởng. “Tổng thống có nghĩa vụ bổ nhiệm và không được phép bác bỏ các ứng viên được quốc hội phê chuẩn”, ông Putin nói. Tuy nhiên, tổng thống sẽ được giữ nguyên gần như tất cả các quyền lực.

“Nga phải là một nước cộng hòa vững mạnh theo hệ thống tổng thống”, ông Putin nói. Động thái này diễn ra trước thềm cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2021, dấy lên thông tin đồn đoán về tương lai chính trị của ông Putin sau hơn 20 năm cầm quyền. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga chưa đưa ra gợi ý nào về kế hoạch sắp tới khi nhiệm kỳ tổng thống thứ tư của ông kết thúc vào năm 2024.