18/11/2024 lúc 17:26 (GMT+7)
Breaking News

Thủ tướng gợi mở 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho ngành nông nghiệp

Ngày 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Bộ NN&PTNT ở Hà Nội kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng thăm quan gian hàng giới thiệu về sản phẩm của nông nghiệp. Hiện có 8.689 sản phẩm đạt chuẩn thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP, tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành NN&PTNT với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và "đổi mới tư duy" để vượt qua khó khăn, thách thức từ các "tình huống bất bình thường" của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.

Toàn bộ 6/6 chỉ tiêu của ngành được Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch: Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36% là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%); kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD (Chính phủ giao 50 tỷ USD), thặng dư thương mại đạt 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 73,06% (Chính phủ giao 73%) và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 235 đơn vị); số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt 78% (Chính phủ giao 77%); tỉ lệ che phủ của rừng đạt 42,02%.

Bộ trưởng nhấn mạnh ngành đang nắm giữ nguồn tài nguyên, nguồn lực rất lớn của đất nước, cần đẩy mạnh đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng nông nghiệp, phát huy cao hơn nữa trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân, trước người nông dân, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào thành tựu, kết quả chung.

Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn...; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cho hàng nông sản Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong năm 2022, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi. Trong đó, dù chúng ta có nhiều chính sách ưu tiên cho nông nghiệp như miễn thuế, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đối mặt với những khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển trong xu hướng và nhu cầu tiêu dùng.

Song, Bộ và ngành NN&PTNT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, đóng góp vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước. Thủ tướng mong ngành tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2023 và hoàn thành tốt hơn năm 2022.

Nhấn mạnh vai trò, vị trí, đóng góp của ngành, Thủ tướng nêu rõ, qua nhiều thăng trầm, ngành đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế; đóng góp nhiều vào xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Về kết quả cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, Bộ đã chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đóng góp xây dựng, quán triệt và triển khai kịp thời, quyết liệt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Bộ và toàn ngành nông nghiệp đã có nhiều cố gắng, chủ động, đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, thích ứng linh hoạt, xác định trúng, đúng các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của ngành để từ đó tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm.

Ngành đã có nhiều nỗ lực và kết quả trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, điều này rất quan trọng để góp phần thúc đẩy ngành phát triển, tăng trưởng bền vững hơn, bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Ngành đã có bước tiến mới trong gắn sản xuất với thị trường, chế biến, chuỗi giá trị gia tăng, bởi theo quy luật thị trường, phải sản xuất, cung cấp cái gì người ta cần chứ không phải cái mà mình có, nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, Thủ tướng nêu rõ.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực. Bộ đã tập trung xây dựng, phê duyệt các Đề án thuộc Chương trình, các văn bản hướng dẫn triển khai, Chương trình mang lại hiệu quả thực tế, lượng hóa được, có thể nhìn thấy được. Có 8.689 sản phẩm đạt chuẩn thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP, tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021.

Bộ, ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển ba trục sản phẩm bền vững, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Hạ tầng nông nghiệp được củng cố; công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai tiếp tục được quan tâm theo dõi, chỉ đạo sát sao, kịp thời, hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước chủ động ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chặt chẽ, hiệu quả hơn, trong đó, phải phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp.

Thủ tướng gợi mở 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho ngành nông nghiệp

Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm về giữ vững, phát huy đoàn kết, thống nhất; nắm chắc tình hình, điều hành sáng tạo, linh hoạt, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát nguồn lực; xác định, triển khai công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập của ngành: Tăng trưởng chưa bền vững; chưa giải quyết dứt điểm việc tháo gỡ thẻ vàng IUU; việc phối hợp giữa các bộ, ngành cần đồng bộ, chặt chẽ hơn theo quy chế, quy định; một số vấn đề khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cần tiếp tục được tháo gỡ; ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp chưa được nhiều, việc phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông cần hiệu quả hơn; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn chênh lệch giữa các địa phương; chương trình OCOP còn một số sản phẩm chưa gắn với thị trường, vùng nguyên liệu; lao động nông nghiệp còn chiếm tỉ trọng lớn trong cả nền kinh tế, cần cơ cấu lại để năng suất lao động cao hơn, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, thêm nhiều người nông dân có thể làm giàu; giải ngân đầu tư công còn nhiều vướng mắc...

Năm 2023, dự báo tình hình với ngành nông nghiệp sẽ khó khăn, thách thức nhiều hơn năm 2022 và nhiều hơn cơ hội, thuận lợi. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu phải luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, bởi tình hình lúc nào cũng có khó khăn, không khó khăn này thì khó khăn khác, song "trong nguy có cơ", "Núi cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi".

Thủ tướng yêu cầu quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội để xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh, lấy nông dân là trung tâm, xây dựng nông thôn là nền tảng, phát triển nông nghiệp là động lực.

Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, điều hành: Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa và du lịch; phối hợp với ngành ngân hàng để đáp ứng nguồn vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là cho xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả. Thủ tướng lấy ví dụ như các mô hình đưa trái cây lên sườn dốc, trồng cà phê ở các vùng lâu nay không có truyền thống...

Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị ngành phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt khoảng 3,5%; xuất khẩu khoảng 55 tỷ USD; tỉ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80%, 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn khoảng 60%.

Thủ tướng gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mà trước hết là quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Coi trọng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ, thực hiện nghiêm các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Trung ương.

Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định số 105/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT, khẩn trương ổn định tổ chức, sắp xếp lại cả 4 tổng cục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ, công chức. Tăng cường công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, trong đó có nhiệm vụ tham gia xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai, các chiến lược, quy hoạch, nhất là các quy hoạch ngành quốc gia - phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Có giải pháp cụ thể để kịp thời tháo gỡ các nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp mạnh mẽ về cho địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển khoa học công nghệ, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hoá chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.

Thứ tư, tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp, phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tổng kết lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổng kết thực tiễn, bám sát thực tiễn, nhu cầu của thị trường, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao, những cách làm hay để điều chỉnh sản xuất phù hợp nhằm mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất.

Thứ năm, đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỉ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Thứ sáu, làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại FTA, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tiếp tục tháo gỡ rào cản để thâm nhập vào các thị trường mới. Đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Thứ bảy, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; khẩn trương ban hành và thực hiện chương trình hành động 180 ngày giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng" IUU, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để có thể tập hợp, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản.

Thứ tám, tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; đẩy mạnh phát triển điện sinh khối, bán tín chỉ carbon... Theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, cần chủ động chỉ đạo sản xuất và triển khai công tác phòng, chống thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thứ chín, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc ga xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền, gắn với đô thị hóa, tránh làm theo phong trào, hình thức, lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phối hợp với các cấp, các ngành chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Xây dựng nông thôn mới không chỉ chạy theo chỉ tiêu số lượng xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới mà xây dựng nông thôn mới, phát triển nông thôn phải theo hướng nông thôn văn minh, hiện đại nhưng phải gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa, thực hiện Nghị quyết của Trung ương về phát triển văn hóa.

Thứ mười, đẩy mạnh chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam./.

Thanh Khê