13/05/2024 lúc 07:30 (GMT+7)
Breaking News

Thủ tướng Đức làm 'sống dậy' ý tưởng thành lập quân đội châu Âu

VNHN - Cuộc tranh cãi về việc nên hay không nên thành lập quân đội chung của châu Âu đã chứng kiến một bước ngoặt mới bởi sau Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã có thêm một nhà lãnh đạo của một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) chính thức lên tiếng ủng hộ đề xuất này.

VNHN - Cuộc tranh cãi về việc nên hay không nên thành lập quân đội chung của châu Âu đã chứng kiến một bước ngoặt mới bởi sau Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã có thêm một nhà lãnh đạo của một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) chính thức lên tiếng ủng hộ đề xuất này.

Theo tờ The Guardian, phát biểu tại phiên họp của Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg (Pháp) ngày 13/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra lời kêu gọi rõ ràng về việc thành lập một quân đội châu Âu trong tương lai. Bà Angela Merkel cho rằng thời đại mà một quốc gia có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của nước khác mà không đặt ra vấn đề gì đã kết thúc, và do đó đã đến lúc châu Âu cần thành lập quân đội của riêng mình. Bà nói: "Nếu chúng ta nhìn vào những diễn biến trong năm qua, điều thực sự quan trọng là chúng ta phải hợp tác vì một viễn cảnh về một ngày sẽ xây dựng được một quân đội châu Âu thực chất và đúng nghĩa".

Bên cạnh đó, tờ Channel News Asia cho biết Thủ tướng Angela Merkel cũng đưa ra lộ trình cụ thể để triển khai kế hoạch này, trong đó có việc thành lập Hội đồng an ninh châu Âu tập trung vào chính sách quốc phòng, an ninh của châu lục với cơ chế chủ tịch luân phiên và một chiến lược xuất khẩu vũ khí chung cho toàn bộ các quốc gia thành viên EU. "Châu Âu phải tự nắm bắt vận mệnh của mình nếu chúng ta muốn bảo vệ toàn thể cộng đồng. Tôi sẽ đề xuất thành lập Hội đồng an ninh châu Âu với vị trí chủ tịch luân phiên", Thủ tướng Đức nhấn mạnh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại phiên họp của Nghị viện châu Âu ngày 13/11. Ảnh: The Guardian.

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà lãnh đạo Đức, đề xuất thành lập quân đội chung của châu Âu này có thể tiến hành song song với các hoạt động hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel được xem là lời đáp trả với Tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi trước đó không lâu, ông Donald Trump đã chỉ trích đề xuất tương tự của người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và cho rằng kế hoạch thành lập một quân đội của khu vực châu Âu là "một sự xúc phạm".

Cụ thể, trả lời phỏng vấn đài phát thanh Europe 1 ngày 6/11 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi xây dựng một "quân đội châu Âu thực sự" để bảo vệ chính mình trước Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Mỹ. Người đứng đầu điện Elysee cũng cho rằng EU cần giảm bớt phụ thuộc vào sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô ký từ tháng 12/1987. Ông Emmanuel Macron cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump sẽ làm "chao đảo" an ninh châu Âu và do vậy, "lục địa già" cần một quân đội thực sự để có thể tự bảo vệ mình.

Những tuyên bố mà Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra ngay lập tức đã khiến quan hệ Pháp-Mỹ rơi vào sóng gió. Cùng với việc kịch liệt phản đối ý tưởng nói trên, Tổng thống Donald Trump đã công khai công kích người đồng cấp Pháp, đồng thời yêu cầu kêu gọi châu Âu tăng đóng góp tài chính cho NATO thay vì chờ đợi các khoản bao cấp từ Mỹ.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker mới đây cho rằng quân đội châu Âu nếu được thành lập "sẽ phải liên kết với lực lượng NATO" và sẽ không đối đầu hay cạnh tranh với lực lượng Mỹ.

Những diễn biến nói trên phần nào đã cho thấy ý tưởng thành lập một lực lượng quân đội chung của châu Âu đang tiếp tục trở thành một chủ đề gây tranh cãi vượt qua khỏi biên giới của lục địa này./.

Theo Qdnd.vn