27/01/2025 lúc 11:49 (GMT+7)
Breaking News

Thử nghiệm thanh toán nhận diện khuôn mặt tại cửa hàng tiện lợi 

VNHN - Khách đến mua đồ tại cửa hàng tiện lợi của Seven-Eleven ở Tokyo (Nhật Bản) sẽ không phải dùng tiền mặt để thanh toán như thông thường mà chỉ cần để hệ thống nhận diện khuôn mặt.

VNHN - Khách đến mua đồ tại cửa hàng tiện lợi của Seven-Eleven ở Tokyo (Nhật Bản) sẽ không phải dùng tiền mặt để thanh toán như thông thường mà chỉ cần để hệ thống nhận diện khuôn mặt.

Hệ thống nhận diện khuôn mặt nhằm giảm thiểu nhân viên tại cửa hàng Seven-Eleven

Seven-Eleven Nhật Bản và hãng chế tạo điện tử NEC đã hợp tác để cho ra mắt hệ thống tự thanh toán không dùng tiền mặt. Họ đang tiến hành thử nghiệm hệ thống ở trung tâm thương mại trong tòa nhà của NEC tại Tokyo.

Cửa hàng thí điểm có diện tích mặt bằng khoảng 10% so với một cửa hàng điển hình của Seven-Eleven và chỉ dành cho các nhân viên NEC mua sắm.

Để vào cửa các nhân viên NEC phải xuất trình thẻ ID trước một máy đọc hoặc dùng khuôn mặt của họ để xác nhận danh tính, tất nhiên dựa trên cơ sở dữ liệu sẵn có của NEC.

Sau khi chọn hàng xong, khách chỉ cần đến một thiết bị đầu cuối để quét mã vạch sản phẩm, sau đó dùng thẻ ID hoặc khuôn mặt mình để xác thực lần nữa. Dựa trên danh tính của nhân viên, hệ thống sẽ trừ vào tài khoản của họ, giảm thiểu tối đa việc thanh toán bằng thẻ tín dụng, tiền mặt hay tiền điện tử.

Với công nghệ mới này, khách hàng chỉ cần đi vào cửa hàng, chọn sản phẩm mình muốn mua, sau đó quét mã vạch rồi đi ra.

Tuy vậy, mô hình trên chưa phải cửa hàng tự hành hoàn toàn mà vẫn phải có nhân viên kiểm kê hàng hóa, đặt lên kệ, chỉ có hoạt động thu ngân là được thay thế bằng máy móc. 

Nhân viên của Seven-Eleven cho biết hệ thống nhận diện khuôn mặt đã giúp giảm bớt một nửa số nhân viên phục vụ tại cửa hàng, từ đó tiết kiệm được nhiều chi phí và giảm ảnh hưởng vì khủng hoảng nhân lực nghiêm trọng trong ngành bán lẻ tại đất nước Mặt trời mọc. 

Tại Mỹ, Amazon cũng đã giới thiệu loại hình cửa hàng tự vận hành - Amazon Go. Máy quay và cảm biến sẽ xác định người mua hàng, và tiền được ghi nợ lại cho họ khi đi qua những cổng thiết kế đặc biệt. Việc này tiết kiệm tối đa thời gian mua hàng cũng như đem lại sự thoải mái cho khách hàng. Dự kiến đến năm 2021, Amazon sẽ mở khoảng 3.000 cửa hàng như vậy. Tại Trung Quốc cũng có hơn 1.000 cửa hàng tự vận hành không có nhân viên đang hoạt động.

Các cửa hàng không nhân viên sẽ cần một hệ thống xác thực danh tính, và một cơ sở dữ liệu những người sẽ mua hàng ở đó, nhằm ngăn chặn hành vi ăn cắp./.