27/12/2024 lúc 00:02 (GMT+7)
Breaking News

Thông tin đối ngoại góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, thực hiện nhiệm vụ thông tin các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực, về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam ra quốc tế, góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam.

1. Quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thông tin đối ngoại bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước, đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ xuyên suốt các thời kỳ cách mạng. Năm 1962, khi cả nước đang tập trung thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, bên cạnh nhiệm vụ nêu cao tính chính nghĩa trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, Đảng ta chủ trương trong tuyên truyền đối ngoại phải “Vạch một cách liên tục và có hệ thống những âm mưu đen tối của đế quốc Mỹ và tay sai đối với Việt Nam”(1).

Thời kỳ đổi mới, Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI của Đảng ngày 29-3-1989, khẳng định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin luôn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đổi mới tư duy là nhằm khắc phục những quan điểm không đúng, làm phong phú những quan niệm đúng về thời đại, về chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chứ không phải xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin”(2).

Trước tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng và phức tạp, sau khi chế độ XHCN ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc lâm vào tình trạng khủng hoảng, các lực lượng thù địch với CNXH đẩy mạnh các hoạt động thông tin xuyên tạc, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 11 CT/TW về đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại, nêu rõ nhiệm vụ của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới là: “Kịp thời phê phán, bác bỏ những thông tin xuyên tạc, sai lệch về tình hình Việt Nam, nhất là về tình hình dân chủ, nhân quyền, ngăn chặn việc truyền bá vào nước ta những quan điểm, tư tưởng, lối sống văn hóa phản động, đồi trụy, kích động bạo lực”(3); Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 09 NQ/TW về một số định hướng trong công tác tư tưởng hiện nay, yêu cầu cần “rút kinh nghiệm công tác đấu tranh chống những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch, nhất là trên báo, đài, có kế hoạch chủ động, kịp thời chống âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình”(4).

Trước biến đổi của tình hình thế giới và trong nước, Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX của Đảng về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới đề ra 6 nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “chủ động tiến công, triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch”.

Triển khai Nghị quyết, Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, xác định nhiệm vụ quan trọng của thông tin đối ngoại là “Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch một cách chủ động, có tính thuyết phục và hiệu quả hơn”(5).

Để phục vụ các nhiệm vụ đã đề ra, Ban Bí thư đã ban hành, một số ban chỉ đạo đã ra đời như: Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ, Ban Chỉ đạo đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Trung ương (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương 94), Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng hệ thống lý luận đấu tranh chống âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình” (Ban Chỉ đạo 609), Ban Chỉ đạo 213 đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và Hướng dẫn số 01-HD/BCĐ ngày 25-6-2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện và tương đương về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các ban, bộ, ngành và địa phương các cấp đã thành lập Ban Chỉ đạo 35.

Đại hội XIII chủ trương tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong thông tin đối ngoại và đấu tranh dư luận và “đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”(6).

Như vậy, công tác thông tin đối ngoại luôn được xác định là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, với mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, có vị thế trên trường quốc tế, được nhân dân thế giới yêu mến; thông tin, tuyên truyền đối ngoại góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, và các Ban Chỉ đạo Trung ương, hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình đối ngoại đã nỗ lực đưa những thông tin chính xác, kịp thời, sinh động, cung cấp cho bạn bè quốc tế những hình ảnh khách quan, toàn diện, đúng đắn về tình hình Việt Nam, tiêu biểu như: dangcongsan.vn, tuyengiao.vn, hcma.vn mở chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; qdnd.vn, cand.com.vn, bienphong.com.vn mở chuyên mục “Bình luận - phê phán” “Bình luận phê phán”; hdll.vn mở chuyên mục “Đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái, thù địch”; hocvienpkkq.com mở chuyên mục “Bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam; “baohaiquanvietnam.vn” mở chuyên mục “Phòng chống diễn biến hòa bình”;...

Báo Nhân dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân; “Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái thù địch” của Tạp chí Cộng sản, “Chống diễn biến hòa bình” của báo Quân đội nhân dân, Vietnam Plus, Công an nhân dân,... Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với một số nhà mạng như Youtoube gỡ bỏ 4500/4700 video clips có nội dung xuyên tạc, không đúng sự thật; 107/107 tài khoản bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước; 159 tài khoản có nội dung phản động, chống phá Nhà nước Việt Nam(7).  
Công tác thông tin đối ngoại luôn được xác định là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, với mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, có vị thế trên trường quốc tế, được nhân dân thế giới yêu mến; thông tin, tuyên truyền đối ngoại góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giao lưu, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, góp phần cung cấp cho bạn bè quốc tế một hình ảnh Việt Nam chân thực, sống động và phát triển, phản bác các luận điệu của các thế lực thù địch, xuyên tạc đất nước, con người Việt Nam. Các hoạt động nổi bật, như: Triển lãm Ảnh và Phim phóng sự - tài liệu về đất nước, con người, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu (tại Lâm Đồng, Bình Phước) trong khuôn khổ các hoạt động trong Năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN; Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN; Chương trình trưng bày ảnh và phim phóng sự bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội; gửi triển lãm Ảnh và Phim “Khám phá Việt Nam” cho Đại sứ quán Việt Nam tại 05 nước (Bungari, Rumani, Inđônêxia, Đan Mạch và Nam Phi); sản xuất 67 phim tài liệu trong chuyên mục “Văn hóa và hội nhập”; sản xuất 10 video clip về 10 nước ASEAN; xuất bản sách “Việt Nam thường niên 2020”; vận hành và khai thác, xuất bản hàng nghìn tin, bài trên các trang điện tử đối ngoại gồm: vietnam.vn, Cổng thông tin aseanvietnam.vn, chuyên trang Việt - Lào, chuyên trang nhân quyền(8).

Trước tình hình đại dịch Covid - 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế giới và Việt Nam, Nhân dân điện tử tiếng nước ngoài tích cực tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, kinh nghiệm phòng, chống dịch của các nước và giúp nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế hiểu, chia sẻ, cảm thông, tin vào chủ trương, chính sách của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19.

Các trang tin, báo điện tử đối ngoại phát huy tốt vai trò tiên phong, nòng cốt trên mặt trận tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như: Báo điện tử Vietnam Plus với những tuyến tin định hướng, phản bác các luận điệu sai trái thù địch, với hàng nghìn tin, bài mỗi năm, tiêu biểu là những tin, bài về bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống “diễn biến hòa bình”, “chống tin giả”(9).

Đài Truyền hình Việt Nam có nhiều chương trình vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, tôn giáo, sắc tộc để chống phá Đảng, Nhà nước: Năm 2021, khi diễn ra Đại hội XIII của Đảng, VTV đã thực hiện tuyên truyền sâu rộng về các thành tựu lãnh đạo đất nước của Đảng một cách thường xuyên, liên tục, phản bác những luận điệu nghi ngờ về thành tựu của Việt Nam; trong các bản tin thời sự.

VTV có nhiều chương trình đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch như luận điệu vu cáo “cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay là cuộc thanh trừng phe phái trong nội bộ”, luận điệu “chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tham nhũng”, luận điệu “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”,...

Chuyên mục “Đối diện” chuyên về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phát sóng định kỳ 1 số/tháng, có sức lan tỏa cao, được đánh giá có nội dung ảnh hưởng trong xã hội. Về bảo vệ Nhà nước pháp quyền XHCN, VTV có phóng sự Những cơ hội để nâng cao tầm và thế đất nước trên VTV4, kênh báo chí đối ngoại hàng đầu. ANTV (Đài Truyền hình Công an nhân dân) có tác phẩm Luận điệu sai trái về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ngày 21-6-1998, Báo Nhân Dân điện tử chính thức hòa mạng Internet và đến năm 2019, Nhân dân điện tử có 5 ngôn ngữ hòa mạng toàn cầu, góp phần tích cực “mang Việt Nam đến với thế giới và mang thế giới gần hơn với Việt Nam”. 

Về vấn đề dân tộc, tôn giáo, các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, xuyên tạc để chống phá nước ta. Chúng lập ra những hội, nhóm trá hình mượn danh tôn giáo, dân tộc; cấu kết, liên hệ với các tổ chức phản động lưu vong, những phần tử cực đoan, bất mãn, các tổ chức, cá nhân bên ngoài tuyên truyền kích động, truyền đạo trái phép, gửi thỉnh nguyện thư đến các tổ chức nhân quyền quốc tế và các quốc gia kêu gọi “bảo vệ” người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, gây sức ép đòi thả những người vi phạm pháp luật,…

Ở trong nước, các hội nhóm cá nhân kích động biểu tình, tạo điểm nóng chính trị để gây chú ý của dư luận thế giới, được các tổ chức quốc tế hà hơi, tiếp sức(10)… Trước những thủ đoạn sai trái, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các cơ quan báo chí, truyền thông, các đài phát thanh Trung ương và địa phương đã phát sóng liên tục các chương trình, phân tích chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của mọi người dân.

Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực phản động, thù địch đang tìm nhiều phương cách tinh vi để chống phá Đảng và Nhà nước ta trên nhiều phương diện, đặc biệt trên không gian mạng. Các tổ chức phản động còn tổ chức theo dạng Group Facebook, lợi dụng các tính năng cộng đồng, tính bảo mật để xây dựng các diễn đàn trao đổi, phát tán thông tin phản động hay tạo các nhóm bí mật để liên lạc, lên kế hoạch biểu tình, chống phá chế độ. Núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ, các thế lực thù địch xúi giục, gây nghi ngờ, tâm lý bất mãn, bức xúc trong dân chúng, làm mất ổn định xã hội, tiến tới bạo loạn, lật đổ chính quyền... Thực tế này đòi hỏi công tác thông tin đối ngoại của Đảng phát huy vai trò hơn nữa trên mặt trận này

2. Giải pháp phát huy vai trò công tác thông tin đối ngoại bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Một là, cần tổng kết, đánh giá thực tiễn triển khai, hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW về Đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại - chỉ thị đầu tiên của Đảng về thông tin đối ngoại trong thời kỳ đổi mới; khẳng định thông tin đối ngoại được nhận thức là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng; là một nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài; Chỉ thị số 26, ngày 10-9-2008, Về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới; yêu cầu đổi mới công tác thông tin đối ngoại cả về nội dung và phương thức hoạt động, tăng cường mạnh mẽ hoạt động thông tin đối ngoại cả về số lượng và chất lượng; nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tính linh hoạt, sự phong phú và sắc bén của các hoạt động thông tin đối ngoại.

Hai là, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác thông tin đối ngoại. Nội dung lãnh đạo của Đảng cần chuyển mạnh từ chỉ đạo cụ thể theo vụ việc sang xây dựng các chủ trương, định hướng, phổ biến quan điểm, thông tin, quán triệt nhận thức, tổng kết đánh giá, giới thiệu kinh nghiệm, hướng dẫn, phân công và chỉ đạo sự phối hợp trong công tác thông tin đối ngoại.

Để làm được điều đó, cần chú trọng chỉ đạo các cơ quan có chức năng thông tin đối ngoại quán triệt thực hiện một số nội dung như: tăng cường công tác nghiên cứu về tình hình quốc tế; đề xuất các chiến lược, chủ trương, trọng tâm và giải pháp trong từng lĩnh vực và vấn đề quốc tế liên quan, xây dựng kế hoạch và phân công cho các tổ chức, các cơ quan ở trrong và ngoài nước tham gia triển khai thực hiện;cung cấp các thông tin định hướng, phổ biến các quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề đối ngoại và quốc tế cho các cơ quan đại diện người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài, các đại sứ quán Việt Nam, các cơ quan báo chí đối ngoại, các văn phòng đại diện Việt Nam ở nước ngoài,...

Ba là, xây dựng chiến lược thông tin đối ngoại theo hướng đổi mới cơ chế chỉ đạo, tổ chức và quản lý hoạt động thông tin đối ngoạiTrong đó, xây dựng chiến lược thông tin đối ngoại cần xác định các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể ở mỗi giai đoạn, theo định kỳ 5 năm hoặc 10 năm trên cơ sở thống nhất mục tiêu hoạt động thông tin đối ngoại, triển khai đến các cơ quan, đơn vị các cấp và tổ chức trong nước và quốc tế hiểu được đường lối, định hướng, trách nhiệm khi tham gia thông tin đối ngoại.

Chiến lược thông tin đối ngoại được Bộ Chính trị ban hành ngày 14-2-2012, là Đề án Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020. Đến nay, tình hình thế giới, trong nước và công tác thông tin đối ngoại đã có nhiều biến đổi, do đó, cần có một chiến lược thông tin đối ngoại mới phù hợp. Việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động là cần thiết nhằm tạo điều kiện để phát triển được tính chủ động, tính chịu trách nhiệm của các chủ thể thực hiện, đồng thời bảo đảm sự phân công, phối hợp thống nhất giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bốn là, tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng đối với hoạt động thông tin đối ngoại. Trước hết là nhận thức về tính thống nhất nhưng không đồng nhất giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tiến hành những hoạt động thông tin đối ngoại phù hợp với cơ chế triển khai các hoạt động cho từng địa bàn, từng khu vực, từng quốc gia, vùng lãnh thổ và cần xác định những địa bàn trọng yếu để có cơ chế đặc thù. Thứ hai là thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của thông tin đối ngoại trong sự nghiệp cách mạng và đặc điểm của tình hình đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế, sự gắn bó giữa đối nội - đối ngoại và yêu cầu đặt ra đối với hoạt động thông tin đối ngoại trong thời kỳ mới.

Năm là, phát huy vai trò của các ban, bộ, ngành, địa phương và tổ chức của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động thông tin đối ngoại. Ban Đối ngoại Trung ương cần thực hiện tốt chức năng tham mưu, hướng dẫn việc thực hiện các chủ trương của Ban Bí thư, điều phối sự phân công, phối hợp hoạt động của cơ quan, các tổ chức làm thông tin đối ngoại trong các địa bàn, lĩnh vực và hoạt động có sự tham gia của nhiều tổ chức. Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại cần chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chất lượng các hoạt động thông tin đối ngoại.

Phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của các cơ quan nghiên cứu, các Học viện, các trường đại học, các chuyên gia, trí thức trong nước và ở nước ngoài đối với công tác tư vấn, tham mưu trong việc cung cấp những luận cứ khoa học, phân tích, luận giải một cách thấu đáo, toàn diện những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, mới nảy sinh, nhất là những vấn đề chính trị, những vấn đề lớn ảnh hưởng đến quốc gia, quốc tế.

Các cơ quan báo chí đối ngoại cần nhận thức rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác thông tin đối ngoại, do đó cần củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn, bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ thực thi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Cần quan tâm khảo sát nhu cầu công chúng ở các nước để đổi mới nội dung, phương thức thông tin đối ngoại cho phù hợp.

TS DƯƠNG MINH HUỆ

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

_________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.525.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.49, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr.591.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.52, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr.58.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.54, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr.233-234.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.67, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr.995.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.331.

(7) Nguyễn Bá Dương: Phòng, chống “diễn biến hòa bình”- Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.101

(8) Bộ Thông tin và Truyền thông - Cục Thông tin đối ngoại: Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, tr.6-7.

(9) https://dangcongsan.vn: “Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, phản động trên mạng xã hội hiện nay”, truy cập ngày 12-10-2021.

(10) https://www.tapchicongsan.org.vn: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái ở vùng Tây Nam Bộ”, truy cập ngày 12-10-2022.