18/01/2025 lúc 08:48 (GMT+7)
Breaking News

Bước vào Kỷ nguyên mới cần ý chí, quyết tâm cao cùng những hiểu biết đúng đắn, đầy đủ

Từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (ngày 20/9/2024) đến nay, với tinh thần khẩn trương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thực hiện hơn 10 phiên họp cho ý kiến giải quyết gần 100 vấn đề lớn theo thẩm quyền, trong đó tháo gỡ cơ bản những tồn đọng, vướng mắc và giải quyết nhiều vấn đề mới phát sinh. Cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho phát triển KTXH và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tại các hội nghị quan trọng này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định những vấn đề lớn mới được đặt ra: "Câu hỏi lớn được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời của chúng tôi là: Đã đủ… Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa".

Ảnh: Tạp chí Mỹ thuật

Hiểu về Kỷ nguyên mới

Vậy chúng ta hiểu thế nào về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển cho đúng với tinh thần và bản chất của vấn đề đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập?

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế tăng trưởng vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế gay gắt, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, lo lắng về đạo đức xã hội... Trong bối cảnh đó, việc nhận thức rõ những đặc trưng, thời cơ và thách thức của kỷ nguyên mới là hết sức quan trọng.

Kỷ nguyên mới của đất nước, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… Như vậy, Kỷ nguyên mới chính là khởi điểm lịch sử mới trong tiến trình phát triển. Đó là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên văn minh, hiện đại.

Kỷ nguyên mới được hiểu là một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi sự kiện với những đặc trưng quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của một dân tộc, một quốc gia hay cả nhân loại; được phát triển trên cơ sở sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong mọi lĩnh vực. Trong đó, những trụ cột phát triển chủ yếu bao gồm: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, kỷ cương, lấy dân làm gốc...; dân tộc đoàn kết, thông thái, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, nền văn hóa đặc sắc...; nền quốc phòng, an ninh hiện đại, vững mạnh, nền ngoại giao mở rộng; hệ thống chính trị tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả...

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang rất cần sự đổi mới trong nhận thức và quyết liệt trong hành động để có thể bứt phá, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ XXI, như đã được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong điều kiện đó, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền cảm hứng tích cực đến cho mọi lực lượng trong xã hội về tầm nhìn lãnh đạo, sự tự tin và tâm thế chủ động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước những nhiệm vụ, mục tiêu đầy thách thức hiện nay.

Đặc biệt khi Đại hội XIV của Đảng sẽ diễn ra vào đầu năm 2026, thời điểm có ý nghĩa lịch sử, là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của dân tộc. Đó là thời điểm đất nước ta sau 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; trải qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991); nhất là việc đánh giá, kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới (2026-2030), tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030). Kỷ nguyên mới của dân tộc nhờ đó sẽ đi vào thực chất, sẽ được hiện thực hóa một cách hiệu quả…

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng cũng phải được thực hiện một cách chuẩn chỉ và chu đáo. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 11 tháng của năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025… do Bộ Chính tri, Ban Bí Thư tổ chức ngày 1/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Phải hết sức lưu ý khắc phục những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước Đại hội như: người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích... Công tác tổ chức cán bộ là công tác của Đảng, do vậy các cấp ủy đảng phải thực hiện thật nghiêm túc Điều lệ Đảng cũng như các quy định của Đảng, của pháp luật về công tác cán bộ”... Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.

Mục tiêu đặt ra của kỷ nguyên mới

Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lên là tư tưởng lớn mang tính thời đại, được đưa ra sau quá trình tổng kết từ lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, và những xu hướng lớn của thế giới đương đại.

Nhưng để bước vào Kỷ nguyên mới cùng một tư duy và quyết tâm mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, chúng ta cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Đặc biệt, phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc, tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân," "hành doanh nghiệp," có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…Những nhiệm vụ này phải được tiến hành đồng bộ, nhưng nhiệm vụ đầu tiên phải làm cho chuyển biến ngay chính là thể chế, để từ đó có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từ hạ tầng kinh tế đến hạ tầng xã hội. Đã đến lúc những bất cập đó phải được khắc phục một cách triệt để, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ lớn đã đề ra. Bên cạnh đó, "Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất”, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định và nhấn mạnh thêm: Trong đó, đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số". Chìa khóa để Việt Nam vươn tầm chính là thực hiện tốt chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đổi mới, sáng tạo.

Có một thực tế nữa là bộ máy nhà nước hiện còn rất cồng kềnh, chồng chéo, đến mức chi tiêu hành chính cho bộ máy chiếm 70% ngân sách nhà nước; hiệu quả công tác còn thấp, trì trệ, nhiều chương trình, kế hoạch kinh tế-xã hội, nhiều dự án kém hiệu quả. Đó cũng là vấn đề lớn cần đổi mới, cải cách, tinh giản…

Để tập trung giải quyết những bất cập, hạn chế nói trên, công tác tư tưởng cần phải được đổi mới, bao gồm cả về tư duy và về hành động thực tiễn. Tiếp đến là sự tiên phong, nêu gương trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và then chốt này: Đảng tiên phong, Chính phủ tiên phong, Quốc hội tiên phong… Toàn Đảng, toàn dân một ý chí, một hành động để thực hiện, trên tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, tự tin, tự hào dân tộc và dám hy sinh, dám tiến lên, vì quốc gia, dân tộc, vì tập thể, cộng đồng.

Trên hành trình của kỷ nguyên mới, công tác cán bộ luôn là vấn đề có tính chất quyết định, là “cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được đặt ra cấp thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn và cần được triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tạo chuyển biến căn bản về xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Mặt khác, cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất; đi đôi với việc xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, vì lợi ích chung./.

Ths. Phan Văn Thắng

...