26/04/2024 lúc 08:30 (GMT+7)
Breaking News

Thiền viện Trúc Lâm An Giang: Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa Phật giáo

Qua gần 5 năm xây dựng, đến nay công trình Thiền viện Trúc lâm An Giang cơ bản hoàn thành với 18 hạng mục chính, tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa. Công trình đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của văn hóa Phật giáo, kết nối các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương; cũng là mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang.

 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (bìa phải) tặng hoa chúc mừng lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm An Giang – (Ảnh: Internet).

Thiền viện Trúc Lâm An Giang tọa lạc tại ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn), trên diện tích toàn khu vực gần 15 ha, bao gồm nhiều hạng mục. Qua gần 5 năm xây dựng (từ tháng 11/2017), công trình đến nay đã cơ bản hoàn thành. Đây là thành quả từ sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang; sự quan tâm của lãnh đạo Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, đặc biệt là của Hòa thượng Thích Nhật Quang, Trưởng ban Quản Trị Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam; sự ủng hộ tài lực, vật lực to lớn của đồng bào Phật tử, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh …

Trong ngày 8-5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Trúc lâm Yên tử, cùng các ngành chức năng tỉnh An Giang đã tổ chức lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm An Giang tại thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Đến tham dự buổi lễ có Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, lãnh đạo tỉnh An Giang, lãnh đạo các tỉnh lân cận, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh bạn cùng đông đảo bà con phật tử trong và ngoài tỉnh An Giang.

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng quà lưu niệm cho đại diện Thiền viện Trúc Lâm An Giang – (Ảnh: Internet)

Thiền viện Trúc Lâm An Giang hoàn thiện mang một ý nghĩa lớn. Không chỉ là phát triển không gian kiến trúc cảnh quan xanh, sạch, đẹp theo đúng quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh; mà còn đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch sinh thái cộng đồng, góp phần lưu giữ và phát huy những nét văn hóa, những giá trị đạo đức của tiền nhân, nhất là tiếp nối tư tưởng dòng thiền Trúc Lâm. Đó cũng là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện quyền bình đẳng giữa người có đạo và người không có đạo; khẳng định chính sách của Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần của người dân.

Tựa mình bên rặng núi Thoại Sơn, hướng mắt nhìn dòng kênh Vành đai uốn khúc, Thiền viện Trúc Lâm An Giang như một nét chấm phá nên thơ trên hệ thống Thất Sơn huyền bí của miền biên giới An Giang. Như ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói “Cùng với các thiền viện Trúc Lâm tại Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang... Thiền viện Trúc Lâm An Giang sẽ mở ra những tour tuyến du lịch mới (du lịch tâm linh) đối với ngành du lịch không chỉ riêng của huyện Thoại Sơn mà còn rộng ra quy mô toàn tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Thiền viện Trúc Lâm An Giang nên thơ, tĩnh lặng. Đây không chỉ là thắng cảnh nổi tiếng, mà còn là nơi khơi dậy trong lòng người về một tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc – (Ảnh: Internet).

Lãnh đạo tỉnh An Giang mong muốn thời gian tới, Thiền viện Trúc Lâm An Giang sẽ tiếp tục động viên tu sĩ, phật tử tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an sinh phúc lợi xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh./.

Trí Đức - Bảo Châu