30/11/2024 lúc 10:39 (GMT+7)
Breaking News

Thị trường bất động sản năm 2018 ổn định để “rực rỡ” vào năm 2019

VNHN-Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định chung về thị trường bất động sản năm 2018 với những con số ấn tượng về cả cung và cầu. Theo đó, thị trường cũng kỳ vọng đây là bước đệm để thị trường bất động sản 2019 "rực rỡ" hơn.

VNHN-Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định chung về thị trường bất động sản năm 2018 với những con số ấn tượng về cả cung và cầu. Theo đó, thị trường cũng kỳ vọng đây là bước đệm để thị trường bất động sản 2019 "rực rỡ" hơn.

Ảnh minh họa

Thị trường đầu tàu triển vọng với nguồn cung dồi dào

Đánh giá chung về bức tranh thị trường bất động sản 2018, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho hay, thị trường bất động sản năm 2018 cơ bản vẫn giữ được sự phát triển ổn định, các phân khúc thị trường và sản phẩm có sự tái cơ cấu hợp lý hơn.

Điều này thể hiện qua các con số thống kê từ VNREA, tổng lượng cung bất động sản về nhà ở chung cư và nhà ở gắn liền với đất trong 9 tháng đầu năm trên cả nước là trên 100.000 sản phẩm, tăng gần 20.000 sản phẩm so với cả năm 2017. Trong đó, lượng sản phẩm nhà ở chung cư vẫn chiếm đa số và lượng cung chủ yếu vẫn là tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Bên cạnh đó, tổng lượng giao dịch bất động sản nhà ở trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 50.756 sản phẩm. Riêng trong quý III/2018 đạt 16.832 sản phẩm (tỷ lệ hấp thụ đạt 60%), bằng khoảng 95% so với quý II/2018 là 17.634 giao dịch. Quý II tăng 1.344 giao dịch so với tổng lượng giao dịch quý I/ 2018 là 16.290 giao dịch, tương đương với mức tăng 8,3%.

Ông Đỗ Viết Chiến nhận định: “Mặc dù số lượng giao dịch quý III giảm so với quý II song đây vẫn là con số khá tốt của thị trường bất động sản quý III thường niên. Bởi thông thường hàng năm, quý III có tháng Ngâu và mùa khai giảng nên thường có tỷ lệ hấp thụ thấp. Nhìn chung thị trường bất động sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 vẫn cho thấy một gam màu đẹp với những con số khá ấn tượng về cả lượng cung và cầu”.

Đặc biệt, 2 thị trường đầu tàu là Hà Nội và TP.HCM khá ổn định và triển vọng với nguồn cung dồi dào, phong phú, đặc biệt là nguồn cung nhà ở chung cư (tại Hà Nội là 25.574 sản phẩm, tại TP.HCM là 34.092 sản phẩm). Số lượng giao dịch nhà ở chung cư tại Hà Nội rất ấn tượng với 18.265 sản phẩm, tăng hơn 30% so với 9 tháng đầu năm 2017. Tại TP.HCM và khu vực miền Nam tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư đạt mức 22.911 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt 67,2% . Đặc biệt ở phân khúc siêu cao cấp tại TP.HCM, tỷ lệ hấp thụ xấp xỉ 100%.

Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho hay: “Với nhu cầu thực chất sử dụng bất động sản ngày càng tăng rõ rệt cho thấy dấu hiệu của thị trường bền vững và phát triển. Minh chứng rõ nhất là tại hai thành phố lớn này, hiếm dần các hoạt động mua đi bán lại của các nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu cơ. Giá bất động sản tại hai khu vực này nhìn chung cũng ổn định, tỷ lệ hấp thụ tương đối cao. Ngoài ra, người mua nhà phần lớn từ nhu cầu thực cho thấy không có biểu hiện của thị trường ảo hoặc bong bóng bất động sản”.

Theo đó, ông Chiến dự báo trong quý IV/2018, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tiếp tục ổn định và tăng trưởng tốt. Trong đó, nguồn vốn FDI có thể sẽ được đổ vào Việt Nam tốt hơn, bởi có hiện tượng các nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường Trung Quốc do lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hơn nữa, thời điểm quý IV/2018 cũng là thời điểm Việt Nam nhận được nguồn vốn kiều hối mạnh nhất trong năm. Trong khi tương quan so sánh giữa các hình thức đầu tư như chứng khoán, vàng, ngoại tệ, tiền gửi ngân hàng,… thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt.

Do đó, trong quý IV/2018, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục đưa ra thị trường các chủng loại sản phẩm đa dạng. Kéo theo đó, thị trường bất động sản cả nước sẽ đón nhận nhiều lượng hàng hóa mới từ các dự án phát triển trên cả nước. Đồng thời lượng giao dịch cũng được dự báo sẽ tăng mạnh nhất trong năm và nhiều hơn so với quý IV/2017.

Bất động sản tỉnh lẻ không “lép vế”

So với Hà Nội và TP.HCM, bất động sản ở các tỉnh cũng không chịu thua kém về sức hút đầu tư, đặc biệt là những dự án hạ tầng đã và đang hình thành là tiềm năng cho thị trường bất động sản và nếu biết nắm bắt cơ hội chủ đầu tư sẽ gặt hái thành công.

“Thị trường bất động sản hiện nay đã không còn là sự độc tôn của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang nên các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ và thậm chí là cả các nhà đầu tư phát triển bất động sản có quy mô nhỏ và vừa đã dịch chuyển hoạt động đến những thị trường mới tại các tỉnh lẻ trên cả nước có sức hấp dẫn hơn do giá cả và các ưu đãi đầu tư và đặc biệt là có sự đầu tư mạnh của nhà nước vào hệ thống hạ tầng giao thông đô thị như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đồng Nai, Bình Dương,… hơn nữa còn lan tỏa cả đến những vùng sâu xa hẻo lánh như Tây Nguyên, Tây Bắc,… Những đối tượng này thực sự đã làm thay đổi, làm sôi động thị trường bất động sản tại các khu vực mới này”, ông Đỗ Viết Chiến nhận định.

Nói về thị trường bất động sản tại các vùng dự kiến lên đặc khu, ông Chiến cũng cho hay, sự kiện Quốc Hội dừng thông qua Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt được xem là cơ hội để sàng lọc nhà đầu tư, sàng lọc thị trường, giúp môi trường kinh doanh bất động sản ở các vùng dự kiến lên đặc khu chuyên nghiệp hơn.

An Vũ