28/04/2024 lúc 20:51 (GMT+7)
Breaking News

Thế giới tuần qua: Leo thang căng thẳng

VNHN – Palestine đóng băng tất cả các thỏa thuận với Israel, Anh điều tàu chiến bảo vệ tàu qua Eo biển Hormuz, Triều Tiên thử tên lửa để phản đối Mỹ-Hàn tập trận chung... là những tin tức quốc tế nổi bật tuần qua được bạn đọc quan tâm.

VNHN – Palestine đóng băng tất cả các thỏa thuận với Israel, Anh điều tàu chiến bảo vệ tàu qua Eo biển Hormuz, Triều Tiên thử tên lửa để phản đối Mỹ-Hàn tập trận chung... là những tin tức quốc tế nổi bật tuần qua được bạn đọc quan tâm.

1. Palestine ngưng thực hiện mọi thỏa thuận với Israel

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố đình chỉ toàn bộ thỏa thuận hiện có với Israel để đáp trả việc Tel Aviv trước đó phá dỡ nhà cửa của người Palestine ở Jerusalem.

Quyết định đình chỉ mọi thoả thuận với Israel được ông Abbas đưa ra tối 25-7 và có hiệu lực ngay từ ngày 26-7. Theo lời nhà lãnh đạo Palestine, việc này sẽ diễn ra vô thời hạn và chỉ được nối lại trong trường hợp người Palestine được hưởng những quyền lợi xứng đáng.

Israel đã huy động lực lượng và trang thiết bị máy móc để phá dỡ một số tòa nhà tại ngôi làng Sur Baher, nơi sinh sống của người Palestine ở Đông Jerusalem. Ảnh: Yahoo News.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Israel hồi đầu tuần đã phá hủy 16 toà nhà với hơn 100 căn hộ của người Palestine tại ngôi làng Sur Baher ở phía Đông Nam Jerusalem gần hàng rào ngăn cách với Bờ Tây.

Chính quyền Palestine coi việc phá hủy nhà ở của người Palestine là “leo thang nguy hiểm” cũng như coi đó là một phần trong kế hoạch của Israel nhằm loại bỏ người dân Palestine khỏi Jerusalem để độc chiếm khu vực này.

Nhiều nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng cho rằng hành động của Tel Aviv sẽ “làm tổn hại đến khả năng đạt được giải pháp hai nhà nước và viễn cảnh hòa bình thực sự và lâu dài”. Tuy nhiên, cơ quan này không ra được nghị quyết về vấn đề trên vì bị Mỹ phản đối.

2. Anh và Iran căng thẳng tại vùng Vịnh

Căng thẳng leo thang tại eo biển Hormuz sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Anh.

Để phòng ngừa sự việc tương tự, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các tàu treo cờ Anh dù đi một mình hay đi từng nhóm đều sẽ được hộ tống khi đi qua Eo biển Hormuz.

Tàu chiến HMS Montrose. Ảnh: Foreign Policy.

Trong đó, tàu chiến HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia Anh đã trở thành tàu chiến đầu tiên thực hiện nhiệm vụ hộ tống tàu chở dầu của Anh ở Eo biển Hormuz trong ngày 25-7.

Động thái của giới chức Anh được tiến hành sau vụ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh bị lực lượng Vệ Binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắt giữ ngày 19-7 vừa qua với lý do tàu này đã đi nhầm đường và tắt hết tín hiệu quá thời gian quy định.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là động thái trả đũa của Iran đối với vụ Hải quân Anh tham gia bắt tàu Grace 1 của Iran bị cáo buộc chở dầu tới Syria, vi phạm lệnh cấm của của Liên minh châu Âu (EU) ngày 4-7.

3. Triều Tiên lại bất ngờ thử tên lửa

Triều Tiên ngày 25-7 đã bất ngờ bắn 2 tên lửa về phía biển từ Wonsan ở bờ biển phía đông Triều Tiên. Theo thông tin từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, một tên lửa bay 430km và tên lửa khác được cho là bay xa hơn, khoảng 690km.

Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp mặt hôm 30-6 ở khu phi quân sự liên Triều (DMZ), trong đó hai bên đã nhất trí nối lại cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa cấp chuyên viên.

Người dân Hàn Quốc theo dõi Triều Tiên phóng tên lửa trong một chương trình tin tức tại nhà ga ở Seoul. Ảnh: Washington Post.

Giới phân tích cho rằng, vụ phóng là thông điệp của Triều Tiên khi Bình Nhưỡng tháng này chỉ trích việc Mỹ và Hàn Quốc sắp tập trận vào tháng tới và cảnh báo cuộc tập trận có thể ảnh hưởng đến kế hoạch nối lại đàm phán.

Trong khi đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết Seoul và Washington sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch tập trận chung, đồng thời khẳng định nước này vẫn sẽ duy trì đà đối thoại với Bình Nhưỡng.

Hiện có gần 30.000 lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và lực lượng này vẫn diễn tập hàng năm với phía Hàn Quốc, điều luôn khiến Bình Nhưỡng phẫn nộ và coi đó là những cuộc diễn tập khiêu khích chuẩn bị cho cuộc “xâm lược” Triều Tiên.

4. Nước Anh có Thủ tướng mới

Ngày 24-7, ngay sau khi Thủ tướng Anh Theresa May đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Elizabeth II, ông Boris Johnson đã đến Cung điện Buckingham để diện kiến Nữ hoàng và nhậm chức Thủ tướng Anh.

Tại London, sau khi chính thức dọn vào số 10 phố Downing, ông Johnson trên cương vị thủ tướng mới đã thành lập và công bố nội các. Ông cũng dự kiến sẽ bắt đầu chuyến thăm tới một số thành viên chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU) để thảo luận yêu cầu của Anh về việc đàm phán một thỏa thuận Brexit mới.

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: The Independent News.

Giới phân tích cho rằng điều cần thiết nhất với ông Johnson lúc này là sự đoàn kết và ủng hộ của đảng Bảo thủ, bởi ít thủ tướng thời bình nào của nước Anh lại nhậm chức trong bối cảnh có nhiều thách thức chính trị như hiện tại, trong đó có vấn đề Brexit. Ông hiểu rõ đâu là “chướng ngại vật” khi người tiền nhiệm Theresa May đã 3 lần đề xuất kế hoạch Brexit nhưng đều không được Quốc hội thông qua.

Tân Thủ tướng Anh cũng cảnh báo Vương quốc Anh phải chuẩn bị kịch bản cho khả năng Brexit không thỏa thuận nếu EU tiếp tục từ chối đàm phán lại. Ông nói rằng Anh đã chuẩn bị đầy đủ cho kịch bản đó, bất chấp cảnh báo rằng điều này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của Anh với ít nhất là một cuộc suy thoái kéo dài 1 năm.

Giới phân tích Anh nhận định bế tắc chính trị sẽ làm gia tăng khả năng dẫn đến một cuộc tổng tuyển cử sớm trong khi tiến trình Brexit thì vẫn mông lung như khi bắt đầu.

5. Ukraine bắt tàu chở dầu Nga

Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) ngày 25-7 cho biết tàu chở dầu Nika Spirit của Nga đã bị lực lượng an ninh và các công tố viên quân sự Ukraine lục soát khi đang neo đậu tại cảng biển Izmail của Ukraine.

Tàu chở dầu Nika Spirit neo đậu tại cảng biển Izmail. Ảnh: The Star.

Giới chức Ukraine đã lục soát tàu chở dầu trên, thu giữ dữ liệu liên lạc và thẩm vấn thủy thủ đoàn. Sau đó, chính quyền Kiev đã trả tự do cho thủy thủ đoàn song tàu Nika Spirit hiện vẫn bị nhà chức trách Kiev tạm giữ.

Vụ bắt giữ tàu chở dầu của Ukraine diễn ra trong bối cảnh quan hệ của nước này với Nga xuống cấp trầm trọng và hai nước đang tiến hành các cuộc đàm phán trao trả 24 thủy thủ Ukraine bị giam tại Nga.

SBU cáo buộc tàu Nika Spirit từng có tên là Neyma trong quá khứ và con tàu này đã từng chặn đường đi của các tàu Ukraine trong vụ việc eo biển Kerch. Kiev nói rằng con tàu phải đổi tên nhưng Ukraine vẫn nắm được dựa vào số hiệu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.

6. Mỹ và Afghanistan nhất trí thúc đẩy hòa đàm

Mỹ và Afghanistan ngày 25-7 cho biết hai bên đã nhất trí thúc đẩy các nỗ lực chấm dứt xung đột tại Afghanistan thông qua đàm phán.

Trong một tuyên bố chung, Washington và Kabul khẳng định hai bên đã đạt được thống nhất về vấn đề này trong một cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 24-7.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo sau cuộc gặp ở Kabul ngày 9-7-2018. Ảnh: Financial Tribune.

Theo đó, ông Pompeo đảm bảo với ông Ghani rằng không có sự thay đổi nào đối với chiến lược Nam Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm cả cam kết của Mỹ trong việc giảm hiện diện quân sự căn cứ vào điều kiện cụ thể tại quốc gia Trung Đông này. Hai bên nhất trí rằng “hiện đã đến lúc thúc đẩy những nỗ lực đi đến chấm dứt cuộc chiến tại Afghanista thông qua đàm phán”.

Sau hội nghị giữa các tổ chức chính trị có ảnh hưởng tại Afghanistan và đại diện Taliban vừa diễn ra tại Doha trong các ngày 7 và 8-7, các bên tham gia đàm phán đã ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân Afghanistan.

Afghanistan đang trong tình trạng bất ổn do các cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh và phiến quân Taliban. Bạo lực tiếp diễn bất chấp tiến trình đối thoại giữa các phe phái đối địch tại nước này nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình.