VNHN - Vấn đề Biển Đông, thỏa thuận hạt nhân Iran, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên... tiếp tục là những vấn đề "nóng" tại nhiều hội nghị và diễn đàn quốc tế, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Để giải quyết những thách thức này cần thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích của các bên.
1. ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định tại Biển Đông
Ngày 31-7, trong Thông cáo chung được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tại Bangkok (Thái Lan), Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và công nhận những lợi ích của việc Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách trọn vẹn.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng hoan nghênh việc tiếp tục cải thiện quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, và được khích lệ bởi tiến bộ của các cuộc thương lượng thực chất hướng tới việc sớm ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực và thực chất trong một tiến trình thời gian đã được nhất trí.
Các bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi cho các cuộc đàm phán COC, do đó hoan nghênh các biện pháp thực tế có thể làm giảm những căng thẳng và nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu nhầm và tính toán sai.
Thông cáo chung nêu rõ các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa nhằm tăng cường sự tin cậy và tin tưởng giữa các bên; đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc nêu cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thông cáo chung khẳng định các bộ trưởng đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó một số bộ trưởng đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động cải tạo đảo và những vụ việc nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin cũng như sự tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Các bộ trưởng tái khẳng định sự cần thiết tăng cường sự tin tưởng, kiềm chế tiến hành các hoạt động và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
2. Mỹ và Nga chính thức “khai tử” INF
Ngày 2-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một hiệp ước kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh Lạnh với Nga. Cùng ngày, Nga cũng thông báo chính thức chấm dứt hiệp ước INF, đồng thời cho rằng Mỹ đã sai lầm nghiêm trọng khi rút khỏi hiệp ước này.
Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988 (ảnh tư liệu).
Trước đó cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov kêu gọi Mỹ thực thi một lệnh đình chỉ triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung. Nếu Mỹ không triển khai tên lửa tầm trung ở một số khu vực, Nga cũng sẽ không làm điều này.
INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký năm 1987. Đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí đầu tiên và duy nhất đến nay loại bỏ hoàn toàn một loại vũ khí hạt nhân, khi yêu cầu hai cường quốc thủ tiêu các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km, nhất là loại tên lửa tầm trung có thể thực hiện đòn tấn công hạt nhân mang tính hủy diệt trên toàn lãnh thổ châu Âu trong thời gian chỉ chưa đầy 6 phút, khiến quốc gia bị tấn công gần như không có cơ hội đáp trả.
Tháng 2-2019, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga và bắt đầu tiến trình rút khỏi hiệp ước này. Để đáp trả lại Mỹ, Nga cũng thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng. Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.
3. Gian nan tìm "liều thuốc" cứu thỏa thuận hạt nhân Iran
Cuộc họp nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPO) giữa nước này và các quốc gia còn lại trong thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga đã kết thúc mà không đạt được kết quả gì khả quan ngoài cam tiếp tục cam kết duy trì thỏa thuận.
EU kêu gọi Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Ảnh: Getty
Cuộc họp này diễn trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran tiếp tục leo thang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngay cả Anh, một bên tham gia JCPOA, cũng đã lao vào cuộc tranh cãi với Tehran sau khi hai bên bắt giữ tàu chở dầu của nhau. Mặc dù đều tuyên bố không muốn đối đầu, song cả Iran và Anh đều chưa tỏ thái độ nhân nhượng.
Trong khi đó, ngày 28-7, ông Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Tổ chức năng lượng nguyên tử của Iran cho biết nước này đã làm giàu 24 tấn urani kể từ khi tham gia thoả thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới và Tehran hiện đã tái khởi động lại lò phản ứng nước nặng tại cơ sở Arak. Trước đó, hồi đầu tháng 7-2019, Iran cho biết đã sản xuất vượt giới hạn 300 kg urani làm giàu.
Tehran nêu rõ chỉ hủy bỏ những động thái này nếu các bên khác trong thỏa thuận đưa ra các sáng kiến bù đắp thiệt hại đối với Iran do các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tình hình trở nên phức tạp hơn khi rạng sáng 1-8, Mỹ đã công bố áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif. Theo đó, bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu của ông Zarif tại Mỹ hoặc do các thực thể Mỹ nắm quyền kiểm soát sẽ bị đóng băng. Mỹ cũng áp đặt hạn chế đi lại đối với quan chức này.
4. "Lực cản" trong việc nối lại đàm phán Mỹ - Triều
Quân đội Hàn Quốc ngày 2-8 cho biết, Triều Tiên vừa bắn các vật thể tầm ngắn chưa xác định vào vùng biển phía Đông nước này (biển Nhật Bản). Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tuần, Triều Tiên đã ba lần phóng các vật thể bay mà Hàn Quốc cho là tên lửa đạn đạo.
Tên lửa Triều Tiên phóng ngày 25-7. Ảnh: KCNA
Trước đó, ngày 1-8, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử nghiệm một hệ thống tên lửa mới trong các vụ phóng được thực hiện trước đó một ngày, dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay, vụ phóng này nhằm thử nghiệm một "hệ thống tên lửa dẫn đường đa nòng cỡ lớn đời mới". Tuần trước, Triều Tiên cũng đã phóng thử 2 vật thể bay từ khu vực gần thành phố Wonsan ở bờ biển phía Đông nước này.
Các vụ phóng diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa thể tổ chức cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa ở cấp chuyên viên như lãnh đạo hai nước đã nhất trí tại cuộc gặp bất ngờ ở làng đình chiến Panmunjom cuối tháng 6. Bên cạnh đó, Triều Tiên tiếp tục hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ; Washington và đồng minh Hàn Quốc tiếp tục tổ chức tập trận chung, như cuộc tập trận chung 19-2 Dong Maeng vào tháng 8 tới, bất chấp Triều Tiên vẫn coi những cuộc diễn tập như vậy là hành động chuẩn bị cho cuộc xâm lược Bình Nhưỡng. Những điều này đang trở thành "lực cản" nối lại đàm phán giữa hai bên.
5. Israel tiếp tục phá hủy lều, trại của người Palestine ở Bờ Tây
Các nguồn tin của Palestine ngày 30-7 cho biết binh sĩ Israel đã phá hủy các lều và trại gia súc của người Palestine tại khu dân cư Ras al-Ahmar ở Thung lũng Jordan sáng cùng ngày.
Một tòa nhà của người Palestine tại Sur Baher, Đông Jerusalem bị phá dỡ ngày 22-7-2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là chiến dịch phá hủy thứ 2 của lực lượng Israel tại khu vực này kể từ tháng 6. Trước đó hôm 12-6, các xe ủi của Israel cũng đã phá hủy 5 trại gia súc, 1 lều của người dân và 25 bể nước của các gia đình người Palestine cũng tại khu vực trên.
Israel nhiều lần tuyên bố sẽ không từ bỏ kiểm soát khu vực chiến lược Thung lũng Jordan, trong khi người Palestin cho rằng khu vực này phải là một phần của quốc gia tương lai của mình.
Giới chức chính quyền Palestine cho biết lực lượng Israel đã ngăn chặn sự tiếp cận của các nhân viên cứu trợ tới khu vực hiện trường.
Hôm 25-7, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố đình chỉ toàn bộ thỏa thuận hiện có với Israel để đáp trả việc Tel Aviv trước đó phá dỡ nhà cửa của người Palestine ở Jerusalem.
6. Thảm sát tại Nigeria
Ít nhất 65 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công được cho là do nhóm phiến quân Boko Haram tiến hành nhằm vào một đám tang ở Đông Bắc Nigeria vào ngày 27-7. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất trong vài năm gần đây ở quốc gia Tây Phi này.
Hiện trường một vụ tấn công ở Nigeria. Nguồn: Reuters
Theo người đứng đầu chính quyền địa phương, các tay súng đã sát hại 21 người ở huyện Nganzai, gần thủ phủ Maiduguri của bang Borno, khi họ vừa dự tang lễ trở về, sau đó giết hại thêm 44 người khác khi nhóm người này đang tìm cách tập trung để tự vệ. Ngoài số nạn nhân thiệt mạng nói trên, vụ tấn công đã khiến 10 người bị thương.
Người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn, ông Filippo Grandi đã gọi đây là “vụ thảm sát khủng khiếp”, thể hiện sự bất ổn đang đe dọa đời sống của những người dân ở khu vực này, bao gồm hơn 2 triệu người tị nạn và tha hương.
Phiến quân Boko Haram thời gian gần đây thường xuyên tấn công vào huyện Nganzai. Trước đó, tối 25-7, các chiến binh thuộc lực lượng này đã tấn công một khu trại dành cho những người lánh nạn ở bên ngoài Maiduguri, giết hại 2 người và cướp bóc thực phẩm sau khi phóng hỏa một căn cứ quân sự ở gần đó.