04/12/2024 lúc 16:52 (GMT+7)
Breaking News

Thế giới tuần qua: Chưa yên sóng gió

VNHN-Tuần qua, sóng gió tiếp tục bao trùm mối quan hệ nhiều nước bởi các đòn trừng phạt và trả đũa lẫn nhau. Bên cạnh đó, nội chiến, đói nghèo và dịch bệnh khiến bức tranh toàn cảnh thế giới trở nên u ám, bế tắc hơn.

VNHN-Tuần qua, sóng gió tiếp tục bao trùm mối quan hệ nhiều nước bởi các đòn trừng phạt và trả đũa lẫn nhau. Bên cạnh đó, nội chiến, đói nghèo và dịch bệnh khiến bức tranh toàn cảnh thế giới trở nên u ám, bế tắc hơn.

1. Ngoại trưởng Zarif tố cáo Mỹ phát động “khủng bố kinh tế” chống Iran

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran chưa có dấu hiệu lắng dịu, ngày 17-7, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết người dân nước này đang phải hứng chịu "khủng bố kinh tế" hết sức tồi tệ bởi những mục tiêu chính trị phi nghĩa. 

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif . 

Phát biểu tại phiên họp cấp cao của Hội đồng Kinh tế và Xã hội về phát triển bền vững tại trụ sở LHQ, Ngoại trưởng Iran nêu rõ chính sự bất ổn và những mối đe dọa trong khu vực, do những hành động khủng bố, quá khích và bạo lực, dưới sự tài trợ của nước ngoài đã làm phương hại đến những nỗ lực của Iran. Người dân Iran phải hứng chịu "khủng bố kinh tế" hết sức tồi tệ - vốn được tạo dựng nhằm đạt được những mục đích chính trị không chính đáng.

Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo vi phạm Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ, tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Iran cũng như nhiều nước khác trong khu vực.

Đề cập đến việc Mỹ áp đặt hạn chế đi lại đối với các quan chức ngoại giao Iran và thân nhân đang sinh sống ở New York,  Ngoại trưởng Zarif khẳng định đây là hành động "phi nhân đạo". Trước đó, LHQ cũng bày tỏ quan ngại về động thái trên của Mỹ.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng kể từ tháng 5-2018 khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga Trung Quốc và Đức) và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran. Tình hình diễn biến xấu trong hơn hai tháng qua khi Mỹ tăng cường sức ép nhằm ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, ngành kinh tế chủ lực của Iran. Trong khi đó, Iran cũng quyết định điều chỉnh phạm vi tuân thủ thỏa thuận hạt nhân kể từ đầu tháng 7.

2. Căng thẳng Nhật-Hàn tiếp tục leo thang

Căng thẳng Nhật-Hàn tiếp tục leo thang khi Tokyo cáo buộc Seoul đưa ra thông tin sai lệch sau cuộc đàm phán về việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc cách đây một ngày.

Tác động của căng thẳng thương mại Nhật-Hàn lên kinh tế khu vực và thế giới. 

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một quan chức Hàn Quốc tham gia cuộc đàm phán tại METI cho biết Seoul đã lấy làm tiếc về biện pháp của Tokyo, đồng thời đề nghị Nhật Bản ngay lập tức dỡ bỏ những hạn về xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao trong cuộc gặp trên. Các quan chức Hàn Quốc cũng bác bỏ thông tin rằng phía Tokyo đã giải thích đầy đủ hoặc thông báo trước với Seoul trước khi thực hiện quyết định hạn chế này.

Trong một diễn biến khác, Nhật Bản đã chỉ trích và triệu Đại sứ Hàn Quốc tại nước này Nam Gwan Pyo tới để phản đối việc Seoul từ chối đề xuất của Tokyo thành lập một ủy ban trọng tài nhằm giải quyết tranh cãi về vấn đề lao động thời chiến. 

Từ ngày 4-7 vừa qua, Nhật Bản đã siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên.

Tokyo khẳng định biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh, không phải để trả đũa Seoul trong vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Giới chức Nhật Bản cho rằng một số lượng hydrogen fluoride xuất khẩu sang Hàn Quốc đã được chuyển đến Triều Tiên. Loại vật liệu này thường được sử dụng để sản xuất thiết bị bán dẫn song cũng có thể dùng để chế tạo bom hóa học. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, Nhật Bản thực hiện biện pháp trên nhằm gây tổn hại nền kinh tế Hàn Quốc "vì mục đích chính trị", đồng thời giới chức Hàn Quốc cho biết nước này đang cân nhắc "mọi kế hoạch có thể" để đáp trả.

Căng thẳng đã lan sang một số lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Người dân Hàn Quốc bắt đầu tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ từ Nhật Bản. Theo Hiệp hội Các siêu thị Hàn Quốc (KMA), có hơn 200 siêu thị và cửa hàng tạp hóa tại nước này đã tự nguyện rút tất cả các sản phẩm của Nhật Bản ra khỏi kệ hàng của họ. Việc hủy các tour du lịch sang Nhật Bản cũng đang trở nên phổ biến. Công ty lữ hành Hanatour cho biết họ hiện chỉ nhận được 500 lượt đặt tour du lịch sang Nhật Bản mỗi ngày, giảm mạnh từ mức trung bình 1.100 lượt trước đó. Công ty Very Good Tour cũng cho biết lượng đặt tour du lịch Nhật Bản mới đã giảm 10% trong khi lượng hủy tour tăng 10% mỗi tuần. Bên cạnh đó, các hãng hàng không JejuAir và Korean Air cũng thông báo lượng đặt vé đến Nhật Bản “giảm nhẹ” trong thời gian gần đây.

3. Sóng gió trong quan hệ EU -Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 15-7, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các biện pháp trừng phạt chính trị và tài chính nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara tiến hành các hoạt động khoan thăm dò ngoài khơi CH Cyprus bất chấp nhiều cảnh báo.

Một tàu thăm dò, khai thác dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ được tàu hải quân hộ tống tới Địa Trung Hải hồi tháng 6.

Trong đó biện pháp nghiêm trọng nhất là cắt giảm 145,8 triệu euro (164 triệu USD) trong  các Quỹ châu Âu được phân bổ cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020 và đình chỉ hoạt động đối thoại cấp cao với Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên không cắt đứt hoàn toàn.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tiếp tục các hoạt động ở Địa Trung Hải bất chấp sự trừng phạt của EU. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, Ankara sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền của mình và quyền của người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như sẽ tăng cường hoạt động trong lĩnh vực này.

Tranh chấp giữa Cộng hòa Cyprus - nước thành viên EU - và Thổ Nhĩ Kỳ đã bùng phát sau khi một trữ lượng khí đốt khổng lồ được phát hiện ở phía đông Địa Trung Hải. Ankara đã gửi tàu đến khu vực này để thực hiện khoan thăm dò trong sự phản đối gay gắt của EU. EU coi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "sự leo thang không thể chấp nhận", đồng thời yêu cầu chính quyền Ankara phải dừng ngay các hoạt động thăm dò trái phép nếu không muốn bị trừng phạt. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hoạt động thăm dò này dựa trên  "quyền lợi hợp pháp", theo đó vị trí thăm dò nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

4. LHQ cảnh báo tình cảnh tồi tệ ở Yemen

Ngày 18-7, Liên hợp quốc (LHQ)  đã đưa ra cảnh báo về tình cảnh ngày càng tồi tệ của người dân Yemen do công tác cứu trợ nhân đạo gặp khó khăn.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng được chăm sóc tại bệnh viện ở Sanaa, Yemen. 

Phó tổng thư ký LHQ phụ trách cứu trợ nhân đạo, ông Mark Lowcock cho biết, các phe tham chiến ở Yemen đã cản trở công tác cứu trợ nhân đạo bằng cách đưa ra các yêu cầu rườm rà về thủ tục và lộ trình di chuyển. Trong khi nguồn cung tài chính cho hoạt động nhân đạo rất eo hẹp. Tại hội nghị huy động ngân sách cứu trợ hồi tháng 2, các nước tài trợ đã cam kết đóng góp 2,6 tỷ USD. Nhưng đến nay, những nước cam kết tài trợ nhiều nhất là những nước láng giềng của Yemen mới chỉ đóng góp một phần rất nhỏ nên hiện tại quỹ cứu trợ mới có được 34% số tiền như cam kết.

Trong 2 tháng tới, các cơ quan của LHQ sẽ ngừng 21 chương trình cứu trợ tại Yemen, đồng nghĩa với việc hơn 800.000 người sẽ không có chỗ ở tạm, khoảng 1 triệu phụ nữ nghèo không có dịch vụ hỗ trợ sức khỏe sinh sản. Trong khi đó, tình trạng dịch tả ở Yemen đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, có 500.000 ca mắc bệnh tả và khoảng 700 ca tử vong, trong đó có 200 trẻ em.

Kể từ tháng 6 tới nay, hơn 120.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa do cuộc chiến kéo dài ở Yemen, nâng tổng số người bị mất chỗ ở lên tới hơn 300.000 người.

5. FAO: Gần một nửa số dân Triều Tiên thiếu ăn

Theo báo cáo Tình trạng An ninh lương thực và Dinh dưỡng thế giới năm 2019, do Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 15-7, có tới gần một nửa dân số Triều Tiên bị thiếu ăn.

Nông dân Triều Tiên làm việc trên đồng gần Sinuiju, giáp biên giới với Trung Quốc tại TP Đan Đông vào tháng 4-2017. 

Báo cáo trên cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016-2018, có 47,8% dân số Triều Tiên ở trong tình trạng thiếu ăn thường xuyên, cao hơn nhiều các mức tương ứng 35,4% giai đoạn 2004-2006 và 43,4% giai đoạn 2015-2017. 

Trước đó, FAO và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết sản lượng lương thực của Triều Tiên năm ngoái đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, khiến khoảng 10 triệu người dân nước này (tương đương 40% dân số) cần cứu trợ lương thực khẩn cấp.

Trong khi đó, tình trạng hạn hán đang tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Triều Tiên. Các tổ chức cứu trợ quốc tế và truyền thông Triều Tiên đồng loạt đưa ra cảnh báo thời tiết bất thường có thể gây ra hạn hán và lũ lụt, đẩy Triều Tiên đến nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 18-7 cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng gia tăng tỷ lệ người suy dinh dưỡng và dịch bệnh liên quan đến nguồn nước tại quốc gia này.

Tuần trước, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã thông báo về chiến dịch giảm thiểu tác động của hạn hán tại nước này bằng cách khuyến khích đào giếng, đào mương dẫn nước, lắp máy bơm, đồng thời sử dụng sức người và xe cộ để vận chuyển nước.