VNHN-Dư luận quốc tế tuần qua đổ dồn về bán đảo Triều Tiên để chứng kiến sự kiện được xem là cột mốc lịch sử trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên, khi ông Donald Trump đã trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.
1. Dấu mốc lịch sử trong quan hệ Mỹ-Triều
Ngày 30-6, tại Khu phi quân sự (DMZ), sau khi từ phần lãnh thổ Hàn Quốc bước chân qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp đã có cuộc gặp kéo dài gần 1 giờ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hai bên nhất trí tái khởi động cuộc đàm phán hạt nhân vốn rơi vào bế tắc hồi đầu năm nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại lằn ranh giới chia đôi khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Các bên đã dùng những mỹ từ để miêu tả cuộc gặp được xem là biểu tượng cho sự hàn gắn quan hệ song phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định đây là "ngày tuyệt vời đối với thế giới", đồng thời nhấn mạnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên về tình cảm quý mến lẫn nhau giữa hai bên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Nhà Trắng.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng ca ngợi mối quan hệ "tuyệt vời" với Tổng thống Trump, cho rằng chính mối quan hệ này giúp 2 nước vượt qua các rào cản. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định việc Tổng thống Donald Trump bước qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại Khu phi quân sự, sang lãnh thổ Triều Tiên, thể hiện quyết tâm của ông chủ Nhà Trắng trong việc đảo ngược những gì diễn ra trong quá khứ, mở ra tương lai mới. Ông Kim Jong-un tuyên bố "sẽ là một vinh dự lớn" nếu Tổng thống Mỹ thăm Bình Nhưỡng trong thời gian tới.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng qua cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu phi quân sự (DMZ) , là "kết quả của trí tưởng tượng tuyệt vời vượt lên trên khuôn phép thông thường", cho thấy trên thực tế hai bên đã chấm dứt quan hệ thù địch và bắt đầu kỷ nguyên hòa bình.
2. Chính biến tại Sudan: Hội đồng quân sự và liên minh biểu tình đạt thỏa thuận chia sẻ quyền lực
Ngày 5-7, Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) hiện nắm quyền lãnh đạo tại Sudan và một liên minh các nhóm đối lập và biểu tình đã đạt một thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Theo đó, hai bên sẽ "thành lập một hội đồng lãnh đạo luân phiên giữa quân đội và phía dân sự trong giai đoạn 3 năm hoặc hơn".
Người biểu tình ở Sudan.
Hai bên cũng nhất trí thành lập một chính phủ kỹ trị độc lập và tiến hành một cuộc điều tra minh bạch, độc lập về các vụ bạo lực trong những tuần gần đây. Việc thành lập Hội đồng lập pháp sẽ được hoãn lại.
Thỏa thuận trên đạt được trong bối cảnh căng thẳng giữa phong trào phản kháng và quân đội vẫn chưa có dấu hiệu xoa dịu sau cuộc trấn áp của lực lượng chức năng nhằm vào người biểu tình ngày 3-6. Mới đây nhất, ngày 30-6, hàng chục nghìn người Sudan đã xuống đường tại thủ đô Khartoum để yêu cầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) trao lại quyền lực cho người dân. Ít nhất 7 người đã thiệt mạng và 181 người khác bị thương, trong số đó có 27 người bị bắn thương.
3. Tấn công đẫm máu tại Afghanistan và Libya
Tại Afghanistan, ít nhất 34 người thiệt mạng và 68 người bị thương trong một vụ đánh bom lớn xảy ra tại thủ đô Kabul sáng 1-7 tại một địa điểm đông dân và gần trụ sở Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo nước này. Taliban đã lên tiếng nhận gây ra vụ tấn công.
Cột khói lớn bốc lên từ hiện trường vụ đánh bom ở thủ đô Kabul sáng 1-7.
Giao tranh đã xảy ra sau đó giữa các tay súng với lực lượng đặc nhiệm Afghanistan. Các nhân chứng cho biết một cột khói bốc lên từ khu thương mại Puli Mahmood Khan, gần Đại sứ quán Mỹ tại Kabul. Nổ lớn đã làm rung chuyển các tòa nhà cách đó khoảng 2km. Khu ngoại giao đoàn, còn gọi là "Vùng Xanh" gần đó đã bị phong tỏa, không ai được ra vào.
Vụ đánh bom diễn ra chỉ hai ngày sau khi đại diện lực lượng Taliban và Mỹ bắt đầu vòng đối thoại thứ 7 tại thủ đô Doha của Qatar nhằm tìm lối thoát cho cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan.
Afghanistan hiện đang trong tình trạng bất ổn do các cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh và phiến quân Taliban. Theo Liên hợp quốc, kể từ tháng 1-2009, hơn 26.500 dân thường ở Afghanistan đã thiệt mạng và khoảng 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang. Các nỗ lực hòa đàm giữa chính quyền Kabul và Taliban cho đến nay chưa đạt tiến triển.
Tại Libya, ngày 2-7, ít nhất 53 người thiệt mạng và 130 người bị thương trong vụ trận không kích vào trại tạm giữ ở ngoại ô Tajoura, thủ đô Tripoli.
Trại di cư ở Libya bị tấn công ngày 2-7.
Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được LHQ ủng hộ đã đổ lỗi cho lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tiến hành vụ không kích đẫm máu trên. Tuy nhiên, LNA đã phủ nhận mọi trách nhiệm.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành họp kín nhưng không đạt được đồng thuận trong việc lên án vụ tấn công kể trên do sự phản đối của Mỹ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gọi vụ tấn công là một tội ác chiến tranh. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cao ủy LHQ về người tỵ nạn (UNHCR), Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án vụ tấn công và đề nghị mở cuộc điều tra độc lập về vụ không kích này.
4. Mỹ-Iran tiếp tục tuyên bố cứng rắn về vấn đề hạt nhân
Ngày 1-7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Iran sẽ làm giàu urani ở cấp độ trên 3,67% nếu các nước châu Âu không cứu vãn được thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới. Ngoại trưởng Zarif cho rằng các nước châu Âu đã không hoàn thành cam kết bảo vệ các lợi ích của Iran theo thỏa thuận. Trước đó cùng ngày, ông Zarif cũng xác nhận Iran đã vượt quá hạn mức 300 kg dự trữ urani theo thỏa thuận JCPOA.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nghe giới thiệu về các thành tựu hạt nhân của nước này. .
Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tuần Iran công bố về những động thái phá vỡ quy định của thỏa thuận hạt nhân vốn đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ kể từ khi Mỹ rút lui hồi năm ngoái.
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 3-7 lớn tiếng cảnh báo Iran không nên đưa ra những lời đe dọa có thể "quay lại hại chính mình". Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cảnh báo Washington sẽ duy trì “sức ép tối đa” cho tới khi Iran “thay đổi tiến trình hành động”. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh nếu Iran tiếp tục từ chối ngoại giao và mở rộng chương trình hạt nhân của mình, Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép kinh tế và cô lập ngoại giao nước này.
Theo JCPOA, Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran.
5. Hàn Quốc - Nhật Bản: Căng thẳng ngoại giao lan sang lĩnh vực kinh tế
Trong khi những tranh cãi giữa Tokyo và Seoul liên quan đến vấn đề lao động bị cưỡng bức thời chiến chưa được giải quyết, Nhật Bản đã quyết định siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình điện thoại thông minh - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF) được sử dụng làm khí ăn mòn trong sản xuất chất bán dẫn.
Căng thẳng Hàn Quốc-Nhật Bản đang “lan” sang cả lĩnh vực kinh tế.
Tokyo khẳng định rằng việc hạn chế này là vì lý do an toàn. Quyết định có hiệu lực từ ngày 4-7 và được cho là sẽ ảnh hưởng đến các "gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display. Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên.
Bên cạnh đó, ngày 5-7, tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia xây dựng được sự tin cậy và đảm bảo an ninh, còn gọi là White Countries. Việc này đồng nghĩa sẽ phát sinh thêm các thủ tục kiểm tra trước khi xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng từ Nhật Bản sang Hàn Quốc như hóa chất, dược phẩm, linh kiện điện tử, máy móc...
Hàn Quốc cho rằng, đây là biện pháp trả đũa kinh tế của Nhật Bản liên tranh cãi về vấn đề lao động bị cưỡng bức thời chiến. Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee cho rằng động thái trên của Nhật Bản sẽ đặt ra "mối đe dọa lớn" đối với nền kinh tế thế giới và gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết đang kích hoạt các biện pháp đối phó với việc đưa vụ việc lên Tổ chức thương mại thế giới.
Trong một phản ứng khác, hãng tin Kyodo ngày 5-7 cho biết, Seoul đã chính thức giải thể quỹ Hòa giải và Chữa lành vết thương, do Nhật Bản thành lập tại Hàn Quốc, theo thỏa thuận song phương năm 2015 về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm việc trong các nhà chứa của quân đội Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.