VNHN - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Hiệp hội Sắn Việt Nam dự báo, trong năm 2019, xuất khẩu (XK) sắn tiếp tục gặp khó.
Ảnh minh họa
Cụ thể, Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ sắn lớn nhất của Việt Nam, đang tăng cường kiểm tra, có sự điều chỉnh chính sách và áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Trong khi đó, hầu hết các nhà máy đều không đầu tư vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu mua từ nông dân, dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyết liệt trong thu mua nguyên liệu, ảnh hưởng trực tiếp tới người trồng sắn cũng như đẩy chi phí lên cao, tác động đến yếu tố cạnh tranh quốc gia trong khu vực.
Việc đầu vào quy hoạch không đồng bộ, tăng số lượng nhà máy cũng như công suất sản xuất quá nhanh làm phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu, cộng với việc đầu ra hơn 90% phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi giao dịch tiểu ngạch chiếm lợi thế đã dẫn tới khó khăn khi Trung Quốc siết chặt giao dịch thương mại biên mậu.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay: Người tiêu dùng Trung Quốc thích nông sản Việt Nam, nhưng nếu không đầu tư vào chất lượng và thay đổi tư duy buôn bán thì nông sản Việt sẽ khó vào được thị trường này. Do đó, nông dân và các DN phải thay đổi phương thức sản xuất, quản lý, tăng cường khâu chế biến sâu để gia tăng giá trị.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã yêu cầu các nhà máy quy mô thủ công hộ gia đình phải thực hiện nghiêm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đề nghị thống nhất chung quy ước ghi thông tin sản phẩm trên bao bì để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và thông quan hàng hóa giữa 2 đầu cửa khẩu Việt - Trung.
Đặc biệt, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm xác nhận và có công hàm đề nghị Hải quan Trung Quốc cũng như Hải quan Nam Ninh chấp thuận cho các đơn vị còn lại được XK sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, đề nghị Bộ và các Sở địa phương phối hợp với hiệp hội để định hướng và quản lý quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với đầu tư mới các nhà máy chế biến nhằm tránh phát triển nóng, chồng chéo dẫn đến cạnh tranh.
Vì ngành sản xuất sắn chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, sản xuất bằng vốn DN là chính, Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% như mía đường. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương làm việc với Trung Quốc yêu cầu mọi sự thay đổi cần có thời hạn và thông báo qua kênh thông tin chính thống.
Hiện, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc nhằm tạo điều kiện cho các DN sản xuất, kinh doanh tinh bột sắn của Việt Nam được XK sang thị trường này một cách thuận lợi.