VNHN - Chiều 26/6, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, khuyết điểm của UBND TP HCM và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai Khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm (quận 2).
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 1996 với quy mô 930 ha (trong đó khu đô thị mới 770 ha, khu tái định cư 160 ha), dân số khu đô thị mới khoảng 200.000 người, khu tái định cư khoảng 45.000 người. Theo quy hoạch 1/2000 được UBND TP.HCM phê duyệt, khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm thuộc địa bàn các phường An Khánh, An Lợi Đông, Thủ Thiêm và một phần của các phường Bình An, Bình Khánh.
Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính gồm khu vực "lõi trung tâm" chính, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía đông và khu châu thổ phía nam.
Theo đó, khu đô thị mới này đã giải phóng mặt bằng trên 99%; công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư cơ bản được thực hiện theo quy định. Thành phố đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư dự án, chủ yếu theo hình thức BT, như: 4 tuyến đường chính; cầu Thủ Thiêm 2; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc – Nam đoạn từ chân Cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ...
Thanh tra nêu rõ, trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND thành phố và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao
Tính toán sai giá cơ sở để tính giá trị sử dụng đất giao cho nhà đầu tư
Về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, UBND TP ban hành Điều lệ quản lý xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ lập, trình, duyệt dự án khi đã có nhà đầu tư tham gia mà không theo thứ tự ưu tiên.
Việc này dẫn đến đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi buông lỏng quản lý việc đầu tư xây dựng, chậm triển khai đầu tư xây dựng…
Các cơ quan chức năng của thành phố đã đề xuất và được duyệt chi phí đầu tư bình quân cho 1 m2 đất thương mại – dịch vụ - nhà ở là 26 triệu đồng/m2, giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu.
Lý do được đưa ra là bởi loại bớt một số chi phí cho các hạng mục công trình đã được duyệt quy hoạch có tổng giá trị 17.042 tỉ đồng (gồm quảng trường trung tâm, công viên bờ sông Sài Gòn, Khu lâm viên sinh thái phía Nam, 6 trường công lập và 5 cây cầu nối từ trung tâm thành phố qua Thủ Thiêm) là không đầy đủ và không đúng quy định.
Ngoài ra, khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và UBND TP đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách nhà nước, dẫn đến tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt là không đúng quy định.
Việc UBND TP HCM và các sở, ngành lấy giá 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thỏa thuận khi giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án trong KĐT mới Thủ Thiêm là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định.
Toàn bộ quỹ đất trong KĐT mới Thủ Thiêm là 221,68 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng UBND TP đã sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính KĐT mới Thủ Thiêm, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.
Như vậy, UBND TP HCM đã sử dụng đơn giá bằng chi phí đầu tư bình quân là 26 triệu đồng/m2 không đầy đủ, thiếu chính xác, không đúng quy định làm giá tối thiểu để tính tiền sử dụng đất thanh toán đối ứng cho các dự án BT, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính KĐT mới Thủ Thiêm đã được chỉ định nhà đầu tư, hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá đất theo quy định.
Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT.
"Nguyên nhân và trách nhiệm chính để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trên là do lãnh đạo UBND TP HCM không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng như không lập các dự án theo thứ tự ưu tiên để trình duyệt theo quy định; theo đó, giao đất, cho thuê đất trước khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính KĐT mới Thủ Thiêm, chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định…; trách nhiệm liên quan thuộc các sở, ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý KĐT mới Thủ Thiêm...". Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Sai phạm về đấu thầu, chỉ định thầu
Đối với các dự án đối ứng BT, UBND Thành phố đã chấp thuận sử dụng quỹ đất sạch trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho các dự án BT nhưng không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (thực chất là chỉ định nhà đầu tư) là không đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu.
Cụ thể, tính tiền sử dụng đất đối ứng để thanh toán cho các dự án BT nêu trên bằng chi phí đầu tư bình quân 26 triệu đồng/m2 là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định, cần phải xem xét, xác định lại để truy thu, tránh thiệt hại cho Nhà nước.
UBND TP chấp thuận ký và thanh lý hợp đồng, sau đó, chỉ định nhà đầu tư dự án BT 4 tuyến đường chính, cho phép sử dụng giá trị tiền sử dụng đất trên để thanh toán đối ứng là không đúng quy định.
Việc UBND TP ký hợp đồng BT trong đó, xác định giá trị quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng để thanh toán Hợp đồng BT là hơn 12.000 tỉ khi chưa có chứng thư thẩm định giá, chưa có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của UBND Thành phố là không đúng quy định. Việc này dẫn đến chênh lệch giảm tiền sử dụng đất gần 4.000 tỉ so với giá trị đã được UBND Thành phố thẩm định, phê duyệt trước đó, nguy cơ thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Mặc dù, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán đối ứng cho dự án BT 4 tuyến đường chính chưa đúng quy định, UBND TP đã tính tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp là 4.225 tỉ, đã nộp hơn 2.376 tỉ, số còn lại đến nay chưa nộp là hơn 1.800 tỉ, cần xem xét tính lãi chậm trả và thu hồi về ngân sách Nhà nước theo quy định.
Việc UBND TP đề nghị để được Thủ tướng chấp thuận bổ sung dự án mới vào hợp đồng BT đã ký với các chủ đầu tư khi chưa có dự án đầu tư được phê duyệt, chưa tính toán, thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất là không đúng quy định.
Thanh tra Chính phủ kết luận trách nhiệm để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư, chỉ định nhà đầu tư các dự án BT, ký kết hợp đồng và giao đất thanh toán đối ứng các hợp đồng BT, giảm tiền sử dụng đất thiếu căn cứ như nêu trên thuộc lãnh đạo UBND Thành phố và lãnh đạo các sở, ngành tham mưu như: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm.
Giao đất cho nhà đầu tư không thực hiện đấu giá đấu thầu
Đối với các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất, các dự án Khu phức hợp Tháp quan sát và Khu phức hợp Sóng Việt được UBND TP chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; UBND TP đã tính và đã thu tiền sử dụng đất của chủ đầu tư, trong đó, có việc xác định tiền sử dụng đất tại một số lô đất với đơn giá 26 triệu đồng/m2 (bằng chi phí đầu tư bình quân) là không đúng quy định, cần phải được xem xét, xác định lại giá đất để truy thu, tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
UBND TP đã chấp thuận chủ trương chỉ định 2 nhà đầu tư là Tập đoàn Lotte và Vingroup tại 2 dự án (Khu phức hợp thông minh, diện tích 5,012 ha và Khu phức hợp thể thao - giải trí, diện tích 20,047 ha) là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đất đai. Tuy nhiên, đến nay chưa tính và thu tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư.
Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm trong việc giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư và xác định tiền sử dụng đất phải nộp của các dự án như nêu trên thuộc trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở, ngành tham mưu như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sai phạm tại khu tái định cư 38,4 ha
Trong 4 dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư có 3 dự án được các nhà đầu tư xây dựng hoàn thành, bàn giao và thanh toán với UBND TP để bố trí tái định cư. Hiện, do chưa bố trí tái định cư nên UBND TP tiếp tục cho đấu giá để chuyển sang nhà ở thương mại. Còn lại 1 dự án 1.330 căn hộ đã được nhà đầu tư thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại, chuyển nhượng cho người sử dụng 1.122/1.228 căn hộ.
UBND TP đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng khu tái định cư khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng về việc giao đất là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Về việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư, Thanh tra Chính phủ nhận định UBND TP.HCM phê duyệt và điều chỉnh dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư trị giá hơn 38.600 tỉ là không đúng thẩm quyền.
Việc tạm ứng, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa đúng với quy định; không hoàn trả tạm ứng hàng năm theo Luật Ngân sách với tổng giá trị hơn 26.300 tỉ, theo đó, không tính lãi trên khoản tạm ứng từ ngân sách vào chi phí đầu tư bình quân khoảng hơn 10.500 tỉ (tạm tính đến thời điểm 30/9/2018).
Từ đây dẫn đến việc UBND TP lấy chi phí đầu tư bình quân làm mức giá tối thiểu để tính tiền sử dụng đất các lô đất thương mại - dịch vụ - nhà ở đã giao cho chủ đầu tư các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là thiếu cơ sở pháp lý, chưa chính xác, có khả năng gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, cần giao cho cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, nếu có vi phạm, thất thoát thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Căn cứ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm, đến 30-9-2018 là hơn 26.315.905 triệu đồng; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho khu đô thị mới này là 4.286.225 triệu đồng.
UBND TP nghiên cứu các phương án khai thác quỹ đất còn lại trong KĐTM Thủ Thiêm, tính lại tiền sử dụng đất của các dự án đã giao cho nhà đầu tư; đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước và khắc phục tình trạng mất cân đối khi đầu tư xây dựng khu đô thị mới này...
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ (Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư), UBND TP và Thanh tra Chính phủ xác định đúng chi phí đầu tư bình quân đối với diện tích đất sạch mà nhà nước đã dùng tiền ngân sách để đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KĐTM Thủ Thiêm.
Trên cơ sở đó, làm mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án theo quy định. Trong đó, kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng đối với khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước khoảng 10.503 tỷ đồng; xem xét, kiến nghị xử lý đối với khoản chênh lệch do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân 17.042.000 triệu đồng. Các công việc nêu trên được đề nghị hoàn thành trước ngày 30-9-2019 để báo cáo Thủ tướng.
Kiểm toán Nhà nước được kiến nghị vào cuộc thực hiện kiểm toán, xác định lại tổng mức đầu tư và giá trị tiền sử dụng đất theo giá thị trường và quy định của pháp luật, nhằm tránh thất thoát tiền của Nhà nước, khắc phục tình trạng mất cân đối vốn như hiện nay đối với các dự án BT đang thực hiện trong KĐTM Thủ Thiêm.
UBND TP chủ trì thành lập tổ công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát việc thay đổi quy hoạch chi tiết tại các dự án đã và đang đầu tư xây dựng, cụ thể như khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ...; rà soát các dự án đã có quyết định giao đất để xem xét, xử lý, tính toán lại giá trị quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tiền của Nhà nước.
Tổ công tác cũng có trách nhiệm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, nhằm sớm hoàn thành việc đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm…
Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận.
Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31-12-2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.