VNHN - Mặc dù thanh toán điện tử là phương tiện hiện đại và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng thực tế người dân vẫn ngại sử dụng.
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), dù thương mại điện tử đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, mỗi năm tăng trung bình 25% - 30% (năm 2018 giá trị giao dịch thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD), nhưng chủ yếu vẫn là thanh toán bằng tiền mặt. Chỉ 3% - 5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỷ trọng rất thấp. Vì sao?
Thanh toán điện tử là xu thế tất yếu của phát triển
Dân chưa tin…
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, rào cản lớn nhất trong việc thanh toán không dùng tiền mặt là do thói quen của người tiêu dùng cho dù phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mang lại sự tiện lợi nhiều hơn. Việt Nam hiện có 60% dân số ở độ tuổi mở thẻ, nhưng 80% trong số này vẫn dùng tiền mặt. Họ vẫn mua hàng trực tuyến, mong muốn sự tiện lợi, nhưng vẫn chọn phương thức thanh toán trực tiếp khi nhận hàng. Nguyên nhân chính là ở tâm lý khách hàng, họ không có niềm tin trong việc thanh toán điện tử. Vì rất nhiều trang bán hàng, trang quảng cáo rao bán không đúng sự thật, không đúng chất lượng hàng hóa, nhưng không được các ngành thông tin truyền thông, ngành công thương kiểm tra, xử lý nên người dân không tin vào hàng hóa khi mua trên mạng. Do vậy, khách hàng không thực hiện thanh toán trước, mà chỉ đặt hàng, khi nhận kiểm tra hàng xong mới thanh toán kiểu “tiền trao cháo múc”. Muốn cải thiện lòng tin của khách hàng, khuyến khích người dân ứng dụng thanh toán điện tử, cần các ngành chức năng vào cuộc, xử lý các trang quảng cáo gian dối, trả lại niềm tin cho dân thì mới giải quyết được tận gốc của vấn đề.
Đối với các doanh nghiệp, họ cũng ngại chấp nhận phương thức thanh toán mới vì ngại phí. Hơn nữa, trong khi nhà nước khuyến khích thanh toán điện tử, nhưng các ngân hàng chưa có sự đồng bộ. Đôi khi lệnh thanh toán khác tuyến (từ ngân hàng này qua ngân hàng kia) bị “giam” tiền nhiều ngày mới tới. Đó là chưa kể một số ngân hàng không những không khuyến mãi để khuyến khích mà còn thu phí. Nào là phí giao dịch, phí kiểm đếm, phí quẹt thẻ…
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), muốn áp dụng thanh toán điện tử rộng rãi cho các dịch vụ, cơ quan quản lý cần cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống Open API liên thông với những bộ ngành liên quan để chia sẻ thông tin khách hàng nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt. Bởi rào cản nằm ở sự tham gia của các bộ ngành liên quan trong việc áp dụng thanh toán điện tử cho các dịch vụ như điện, y tế, giao thông...
Tuy nhiên, về vấn đề kỹ thuật, các chuyên gia cho rằng, cần phải cải tiến các phần mềm thanh toán, mọi nghiệp vụ phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải đáp lại yêu cầu trong thời gian 1 giây và không có sự can thiệp của con người trong quy trình này.
Quá nhiều rủi ro
Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Công ty bảo mật Kaspersky Lab Việt Nam, trên thế giới và tại Việt Nam có đến 1/3 (32,3%) người dùng không biết cách tự bảo vệ quyền riêng tư của mình khi giao dịch trực tuyến. Đó là xem nhẹ quyền bảo mật riêng tư, có thể khiến người dùng dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng. Theo một khảo sát gần đây của Kaspersky Lab, có 17% người dùng đã thấy những thông tin về bản thân hoặc thành viên gia đình mình xuất hiện một cách không mong muốn trên Internet. Và đối với những người có con dưới 18 tuổi, con số này chiếm đến 22,3%. Bên cạnh 32,3% người dùng không biết cách bảo vệ quyền riêng tư của mình một cách toàn diện khi online, có 13% người dùng không hào hứng với việc trang bị kỹ năng bảo mật thông tin cho mình.
Còn thực tế thói quen sử dụng các thẻ quốc tế (Credit card, Debit card) của người dùng trong nước cũng không bảo mật. Lẽ ra chủ thẻ phải tự tay mình quẹt thẻ thì khách hàng thường đưa thẻ của mình cho nhân viên đem vào quầy tự quẹt thẻ. Chỉ cần gặp phải nhân viên gian, chụp lại số thẻ, số gif ở mặt trước và mặt sau thẻ là có thể dùng nó mua hàng và thanh toán qua mạng. Như vậy, khách hàng có thể mất tiền mà không biết. Việc này lẽ ra khi phát hành thẻ, nhân viên ngân hàng phải cảnh báo để khách hàng biết mà tự bảo mật thông tin trên thẻ của mình.
Ngoài ra, hiện nay tình trạng giả mạo danh tính trên các kênh giao dịch rất nhiều, ngành ngân hàng cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn trong phòng chống tội phạm lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố... Do vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ cần có cổng xác thực thông tin và dữ liệu mở để các ngân hàng khai thác thì mới có thể hạn chế được nhiều. Hiện chỉ có TPBank triển khai ngân hàng điện tử hoạt động ngày đêm không cần giao dịch viên, có thể tra cứu được các thông tin về mã số thuế, bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, vấn đề là các ngân hàng không thể kiểm tra người mang thông tin đó đến ngân hàng làm thủ tục có đúng hay không. Bởi không ít người lượm được chứng minh nhân dân của người khác,vẫn có thể vào ngân hàng mở được tài khoản. Do vậy, nếu có thêm các yếu tố về sinh trắc học như vân tay, mống mắt... thì tỷ lệ giả mạo sẽ giảm nhiều, vì đó là những sinh trắc không làm giả được. Như việc khách hàng có thể dùng vân tay để đi rút tiền mà không cần mang theo thẻ, không sợ bị làm thẻ giả để rút tiền tại ATM.
Việc chia sẻ dữ liệu ngân hàng đòi hỏi pháp lý cao, nên theo lãnh đạo một ngân hàng thì cần có sự tham gia của nhà nước. Đồng thời, cũng cần có những quy chuẩn về công nghệ khi triển khai, ví dụ như nếu mỗi trạm BOT áp dụng một chuẩn mực khác nhau khi thu phí thì sẽ trở nên khó khăn cho các ngân hàng.