24/11/2024 lúc 12:40 (GMT+7)
Breaking News

Thành quả từ mô hình “Dân vận khéo” về Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Thái

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để nước ta phát triển kinh tế; nhưng chúng ta cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, trong đó bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nói riêng đang đối diện với xu hướng bị lai căng và mai một... Do vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa người ĐBDTTS có vai trò quan trọng trong công tác dân vận hiện nay.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được xây dựng và không ngừng mở rộng hình thức vận động Nhân dân, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Ðảng, năm 2009, Ban Dân vận Trung ương đã chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước. Từ đó đến nay, “Dân vận khéo” đã trở thành một phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, nhất là ở các vùng có ĐBDTTS sinh sống; góp phần tích cực vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Từ những chủ trương đúng đắn trong công tác dân vận

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” - Đó là câu kết của bài báo “Dân vận” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 15/10/1949 đăng trên báo Sự Thật, số 120. Bảy mươi lăm năm qua, lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, có sức lan tỏa sâu rộng và đã trở thành ý thức chính trị, phương châm hành động cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Bác dạy rằng, phải làm dân vận với tất cả mọi người, khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi một con người, không để sót một ai, người nào cũng là đối tượng tranh thủ, vận động. Có như vậy mới thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” để đi đến “Thành công, thành công, đại thành công” trong mọi nhiệm vụ cách mạng.

Thực hiện lời Bác dạy và phát huy những thành quả đã đạt được, những năm qua, phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Nghệ An không ngừng phát triển lan tỏa theo bề rộng, ngày càng đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả; góp phần khơi dậy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Từ đó đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, làm cho công tác dân vận ngày càng sinh động và mang lại những kết quả to lớn. Đặc biệt trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng như trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay, vấn đề bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng đã và đang trở thành một yêu cầu hết sức quan trọng, nhưng cũng đầy những khó khăn, thách thức. Nhưng khó khăn không có nghĩa là không thực hiện mà càng phải quyết tâm cao hơn để thực hiện với những giải pháp phù hợp và hiệu quả. Trong quá trình đó, thực hiện phong trào “Dân vận khéo” cũng là một trong những giải pháp trực diện, gắn với con người cụ thể, đời sống cụ thể, môi trường cụ thể và nếu làm tốt sẽ mang lại những kết quả nhanh và có tính bền vững.

Từ thực tế đó, nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 49 ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, trong nhiều năm qua công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS đã được các cấp, ngành tỉnh Nghệ An triển khai đồng bộ, quyết liệt, gắn với thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ ĐBDTTS của Đảng và Nhà nước. Trong đó, “dân vận khéo” về gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của ĐBDTTS đã và đang góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo đồng thuận cao trong nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Màn sử thi mang đậm bản sắc của Người Thái hòa quyện với văn hóa người Thổ và Kinh.

Đến thực tiễn sinh động trong phong trào “Dân vận khéo”

Như đã trình bày ở trên, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ĐBDTTS là một trong những vấn đề hết sức cần thiết hiện nay. Và để thực hiện tốt chủ trương đó, rất cần làm tốt công tác dân vận và “dân vận khéo” trở thành một phong trào thiết thực, có ý nghĩa to lớn trong thực tiễn phát triển.

Đồng hành cùng phong trào đang không ngừng phát triển đó, Làng Minh Lâm, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An là một trong những mô hình dân vận khéo thành công, đã và đang lan tỏa sâu rộng những giá trị của yêu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa đến mọi tầng lớp Nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn xã và huyện nói riêng. Thành quả đạt được của mô hình dân vận khéo Minh Lâm trươc hết là nhờ có được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền huyện Nghĩa Đàn, xã Nghĩa Lâm, và trực tiếp là Khối Dân vận xã Nghĩa Lâm với vai trò là Đơn vị phụ trách xây dựng mô hình…

Một buổi sáng cuối tháng 7 trong tiết trời cuối hạ với cơn mưa dịu nhẹ, chúng tôi về với làng Minh Lâm, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Thái. Bên ấm nước chè xanh tỏa hương thơm, ấm áp tình người, chúng tôi được trò chuyện với bác Hà Thanh Sơn - người có uy tín trong ĐBDTTS ở xã Nghĩa Lâm. Trong những năm qua, bác được Đảng ủy xã Nghĩa Lâm tin tưởng giao nhiệm vụ là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của làng Minh Lâm. Với bác Sơn, đó là một công việc tuy không nặng nhọc, nhưng để làm tốt đòi hỏi phải thật sự tâm huyết, dành tâm trí và thời gian cho nhiệm vụ; gắn mình với thực tiễn đời sống của các hội viên trong Chi hội và của bà con trong Làng để có được sự tiếp cận gần gũi và phương pháp vận động quần chúng tốt nhất. Với người dân, nhất là ĐBDTTS, để bà con nghe mình, đồng hành với mình thì sự chân thành và nhiệt tâm là tiêu chí đầu tiên trong công tác vận động quần chúng.

Bác Hà Thanh Sơn chia sẻ cùng phóng viên về những mong muốn thành lập CLB bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

 

Chính vì vậy, từ khi đảm nhận công tác này, Bác Hà Thanh Sơn luôn trăn trở, lo cho công việc và luôn cố gắng phát huy vai trò trách nhiệm của người có uy tín trong ĐBDTTS với tinh thần “Tuổi cao trí càng cao”. Bác Sơn hiểu rằng, để đồng bào thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế, phải tuyên truyền để mọi người hiểu và ghi tâm được những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quyết định của địa phương. Đồng thời cán bộ phải gắn bó, gần gũi, chân thành với đồng bào, giúp bà con nắm được cái đúng để làm theo, cái sai để tránh xa; giúp đồng bào nắm được những cách làm hiệu quả, thiết thực trong xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập… Và Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi làng Minh Lâm - bác Hà Thanh Sơn, đã bám sát những yêu cầu đó trong công tác dân vận và nâng lên trở thành một hình mẫu về “Dân vận khéo”.   

Trong cuộc sống và công việc, bác Sơn là người luôn đi đầu và có trách nhiệm trong mọi hoạt động của làng; Sáng - trưa - chiều - tối không kể thời gian, bác luôn gần gũi, chia sẻ tâm tư tình cảm cùng mọi người; qua đó tích cực vận động bà con tham gia các phong trào chung, góp phần xây dựng thôn làng ngày càng đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Thái, đi đôi với việc xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vận động bà con tham gia tích cực trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần xây dựng làng Minh Lâm, xã Nghĩa Lâm đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Về những việc cụ thể, thiết thực, nhất là trong hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa, bác Hà Thanh Sơn chia sẻ: “Tôi và bà con làng Minh Lâm rất mong có được một Câu lạc bộ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa người Thái. Ý tưởng này được nhen nhóm từ năm 2009, thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận động, nhất là về kinh phí hoạt động; mặt khác người dân trong làng cũng chưa ý thức rõ ý nghĩa việc bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình, nên công tác vận động khó khăn hơn. Nhưng qua những hoạt động văn hóa được tổ chức trong các dịp lễ, tết, bà con ngày càng tham gia nhiệt tình và ngày càng gắn kết với phong trào nhiều hơn…Điều đó là rất đáng mừng”.

Với vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản làm nòng cốt trong công tác vận động quần chúng, bác Sơn dành thời gian và tâm trí tập trung xây dựng khối đại đoàn kết trên địa bàn bằng cách vận động hội viên tham gia phong trào, tạo sân chơi và môi trường giàu bản sắc văn hóa của người Thái, kết nối giao lưu cùng người Kinh, người Thổ ngày càng bền chặt, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển văn hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng làng bản ngày càng phát triển, văn hóa, văn minh.

Mong muốn và tâm huyết thành lập CLB bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ĐBDTTS người Thái tại làng được tổ chức đúng dịp Ngày Đại đoàn kết dân tộc 18/11/2009, với niềm vui và sự hào hứng không chỉ của bác Sơn, mà của rất nhiều người; đến nay đã có hơn 100 hội viên tham gia. Để xây dựng và phát triển CLB, bác Sơn đã cùng với các thành viên trong Chi hội Người cao tuổi và Chi hội Phụ nữ của làng đi đến từng nhà người dân vận động, tuyên truyền, giải thích, tập hợp những người có năng khiếu đánh cồng chiêng, nhảy sạp, khắp luống…phục vụ cho các hoạt động văn hóa gắn với bản sắc dân tộc; động viên kết nối những người còn lưu giữ và biết may các trang phục truyền thống của người Thái; sưu tầm, lưu giữ các nhạc cụ Cồng, chiêng… Nhiệt huyết đó của bác và mọi người thật sự đáng trân trọng.

Bà con vui vẻ, háo hức tập luyện những tiết mục đặc sắc chuẩn bị cho ngày Lễ trọng đại.

Những thành quả đáng trân trọng

Hình thành và phát triển đến nay đã 15 năm (2009 - 2024), được sự quan tâm và hỗ trợ của Đảng bộ và Chính quyền xã Nghĩa Lâm, sự chỉ đạo trực tiếp của Khối Dân vận xã Nghĩa Lâm, sự gắn kết của Nhân dân trong xã, mô hình Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ĐBDTTS làng Minh Lâm đã có hơn 100 thành viên tham gia, chủ yếu là hội viên hội người cao tuổi và hội viên hội phụ nữ cùng người dân trong làng. Đặc biệt là hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng của mô hình ngày một lan tỏa sâu rộng và các phong trào trở thành nhu cầu không thể thiếu tại địa phương; đồng thời phong trào là sợi dây kết nối tình cảm đoàn kết giữa ba dân tộc anh em Thái, Kinh và Thổ trong đời sống cộng đồng.

Trang phục mang đầy bản sắc của chị em phụ nữ người Thái 

Ở làng Minh Lâm, cứ mỗi dịp lễ tết, đám cưới hay những buổi tối hội họp, lại vang lên tiếng cồng chiêng, nhảy sạp, người già, trẻ em sum họp cùng nhảy, cùng hát múa sau những ngày lao động vất vả. Điệu cồng, chiêng hay điệu Poong Pu cầu mong điều tốt lành đều được tổ chức vào các dịp lễ tết, đám cưới; Rồi các điệu Khắp luống cầu mong mùa màng tươi tốt, giã lúa mới… theo đó được thực hiện, bảo tồn. Không chỉ như vậy, bà con người Thái làng Minh Lâm còn lưu giữ đầy đủ và chu đáo các trang phục truyền thống của người Thái như khăn đội đầu, áo, váy và các phụ kiện kèm theo với những hoa văn tinh tế, sắc sảo mang bản sắc riêng của người Thái. Không những vậy, trong các dịp lễ, tết, đặc biệt là ngày Đại đoàn kết 18/11, bà con người Thái làng Minh Lâm còn tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ với các xã bạn trong huyện và các xã giáp ranh của tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, các tiết mục đặc sắc của bà con còn được đi biểu diễn ở các khu du lịch của huyện nhằm lan tỏa bản sắc của đồng bào Thái đến với du khách thập phương...

Tiết mục Khua Luống của đồng bào người Thái  kỷ niệm 70 năm thành lập xã Nghĩa Lâm (1953 - 2023) và công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới 2022

Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2023, được sự hỗ trợ của cấp trên và đóng góp của bà con, làng Minh Lâm đã mua sắm được một bộ cồng chiêng mới để phục vụ cho các hoạt động văn hóa của Làng. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập xã Nghĩa Lâm (1953 - 2023) và công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới 2022, những tiết mục văn nghệ đặc sắc của bà con dân tộc Thái đã trở thành điểm nhấn trong màn sử thi của xã, lan tỏa bản sắc văn hóa của ĐBDTTS cùng với sự phối hợp hài hòa kết nối của văn hóa người Kinh và Thổ, tạo nên một màn nghệ thuật đặc sắc tại buổi lễ trang trọng này.

Tiết mục Poong Pu nét đặc trưng của người Thái: Cầu mong mọi sự may mắn và tốt lành đến với mọi nhà tại Lễ  kỷ niệm 70 năm thành lập xã Nghĩa Lâm (1953 - 2023) và công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới 2022

Đó là những thành quả đáng trân trọng của sự tâm huyết, sự kiên trì và cách làm hiệu quả của những người như bác Sơn trong làng Minh Lâm, trong xã Nghĩa Lâm; cũng là thành quả sinh động của mô hình “Dân vận khéo” ở Minh Lâm trong hoạt động bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.  

Vũ điệu cồng chiêng của người Thái tại sự kiện trọng đại kỷ niệm 70 năm thành lập xã Nghĩa Lâm (1953 - 2023) và công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới 2022

Với khát vọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Thái mãi trường tồn với thời gian, bác Hà Thanh Sơn và bà con ở đây mong muốn trong các kỳ sinh hoạt hè tại làng, xã với định kỳ 1 tháng/1 lần, các hoạt động đặc sắc này được tổ chức nhằm truyền lại cho các cháu thế hệ trẻ măng non của quê hương, đất nước những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời kết nối giao lưu văn hóa giữa ba dân tộc anh em người Kinh, Thái, Thổ trên địa bàn, tạo nên diện mạo mới trong đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân trong làng, trong xã.

Hy vọng rằng trong thời gian tới, với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, Chính quyền xã Nghĩa Lâm, sự hỗ trợ của cấp trên và tâm huyết của bác Hà Thanh Sơn - người có uy tín trong ĐBDTTS, cùng các tầng lớp nhân dân địa phương, những kết quả đáng trân trọng có được từ mô hình “Dân vận khéo” ở Minh Lâm tiếp tục được nâng cao và có sức lan tỏa lớn hơn; để Câu lạc bộ “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc người Thái” tại làng Minh Lâm, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An thực sự mang một diện mạo mới thấm đẫm truyền thống và giá trị nhân văn của văn hóa dân tộc./.

Minh Ngọc