Thời gian qua, đã có hơn 5 nghìn người lao động trở về thành phố Thanh Hóa từ các tỉnh, thành trong cả nước do dịch Covid-19. Để giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người lao động hồi hương, thành phố Thanh Hóa đã triển khai phương án số 198 ngày 2/9/2021 của UBND tỉnh về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.
Trước đây Chị Dương Thị Út Mai, phố 2, phường Thiệu Dương làm công nhân may mặc tại khu công nghiệp Bình Dương. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 chị cùng gia đình trở về quê hương. Hiện nay, chị Mai đang làm công nhân may tại Công ty cổ phần quốc tế ABC- Chi nhánh Thanh Hóa tại Cụm Công nghiệp Thiệu Dương, phường Thiệu Dương. Chị cho biết: “Sau khi hoàn thành cách ly tại quê nhà, gia đình tôi cũng lo lắng vì không biết làm gì, nhưng khi được phường Thiệu Dương giới thiệu đến Công ty cổ phần quốc tế ABC- Chi nhánh Thanh Hóa đang có chế độ tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động hồi hương và có nhiều chính sách đãi ngộ với người lao động vào làm việc. Hiện tôi đã làm ở đây được 6 tháng với mức thu nhập 6,5 triệu đồng/ tháng. Mặc dù lương thâp hơn so với công ty may ở miền Nam nhưng ở quê chi phí thấp, dịch được kiểm soát tốt nên cuộc sống gia đình hiện nay cũng tạm ổn”.
Xưởng may Công ty cổ phần quốc tế ABC- Chi nhánh Thanh Hóa
Hiện Công ty cổ phần quốc tế ABC- Chi nhánh Thanh Hoá đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 500 người lao động cho 16 chuyền may, đặc biệt là thu hút lao động hồi hương trở về từ các tỉnh, thành khác trong cả nước và người lao động đang sinh sống tại Thanh Hóa bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19. Công ty sẽ hỗ trợ lương thời gian theo cấp bậc tay nghề và thưởng năng suất, chất lượng, hỗ trợ xăng xe, cầu phà, cơm ca… Đối với lao động trở về từ các tỉnh khác, công ty thưởng ngay khi vào làm việc từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng tuỳ thuộc vào tay nghề người lao động và thưởng thêm tháng 13 là 3 triệu đồng. Đối với lao động đang sinh sống tại Thanh Hóa được thưởng thêm tháng 13 là 4 triệu đồng, đây là mức thưởng tương đương với 1 năm người lao động làm việc tại đơn vị. Với chính sách này, thời gian qua, công ty đã thu hút được 70 lao động đến làm việc.
Đại diện lãnh đạo phường Thiệu Dương cho biết: Phường đã và đang tổ chức tiếp nhận hồ sơ lao động thất nghiệp, cử cán bộ túc trực, sẵn sàng tư vấn, kết nối việc làm cho người lao động. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các hình thức kết nối cung cầu lao động, các chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp thông qua hệ thống truyền thanh, hội nghị,… Cùng với đó, Ban đại diện HĐQT ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Thanh Hóa cũng đã phối hợp với các phường, xã tuyên truyền các chính sách hỗ trợ cho vay đối với người lao động về thành phố Thanh Hóa trở về từ vùng dịch được vay vốn để giải quyết việc làm, với mức 100 triệu đồng/người và không phải thế chấp tài sản, lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Đối với người lao động thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay từ 100 triệu đồng trở lên, phải có phương án kinh doanh khả thi, có tài sản bảo đảm tiền vay.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần quốc tế ABC- Chi nhánh Thanh Hóa
Theo phương án 198, người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sẽ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính giúp họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Theo khảo sát của phòng Lao động Thương binh và xã hội, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rất cao, khoảng hơn 10 nghìn lao động. Nhu cầu cần lao động tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc cần tuyển dụng lao động, với số lượng lớn như: Công ty TNHH Sakura Việt Nam tuyển hơn 1.000 lao động; Công ty TNHH Giày Aleron Hoàng Long tuyển 2.000 lao động; Công ty TNHH Giày SUNJADE tuyển 1.500 lao động, công ty may quốc tế- Chi nhánh Thanh Hóa tuyển hơn 500 lao động… nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động thành phố Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sẽ đáp ứng khoảng 90%.
Với những giải pháp thiết thực, cách làm linh hoạt của các địa phương, các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ công dân hồi hương có việc làm, ổn định cuộc sống tại quê nhà, không chỉ là chia sẻ khó khăn cho những địa phương vùng tâm dịch, còn thể hiện trách nhiệm với công dân là người địa phương, trách nhiệm ổn định xã hội và bảo đảm công tác phòng, chống dịch./.