19/11/2024 lúc 05:41 (GMT+7)
Breaking News

Thành phố Điện Biên Phủ phát huy tiềm năng để không ngừng phát triển

VNHN - Mỗi chúng ta, nếu ai đã từng đặt chân đến mảnh đất Điện Biên cũng ít nhất một lần muốn và được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, tiềm năng thế mạnh và thành tựu phát triển của thành phố Điện Biên Phủ. Và, điều quan trọng là chúng ta không bao giờ phải thất vọng về diện mạo đang đổi thay từng ngày của Thành phố đậm dấu ấn lịch sử này.

VNHN - Mỗi chúng ta, nếu ai đã từng đặt chân đến mảnh đất Điện Biên cũng ít nhất một lần muốn và được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, tiềm năng thế mạnh và thành tựu phát triển của thành phố Điện Biên Phủ. Và, điều quan trọng là chúng ta không bao giờ phải thất vọng về diện mạo đang đổi thay từng ngày của Thành phố đậm dấu ấn lịch sử này.

Thị xã Điện Biên Phủ (nay là thành phố Điện Biên Phủ) được thành lập ngày 18 tháng 4 năm 1992 theo quyết định số 130/HĐ-BT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ). Ngày 26/9/2003 thị xã Điện Biên Phủ được nâng cấp thành Thành phố Điện Biên Phủ trực thuộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) theo Nghị định 110/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Điện Biên nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, Thành phố Điện Bên Phủ phía Đông giáp xã Mường Phăng huyện Điện Biên; phía Nam giáp xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, xã Pú Nhi huyện Điện Biên Đông; phía Bắc giáp xã Thanh Nưa, xã Nà Tấu huyện Điện Biên; Phía Tây giáp xã Thanh Nưa và xã Thanh Luông, Thanh Hưng huyện Điện Biên; với tổng diện tích tự nhiên 6.500 ha, có 9 đơn vị hành chính (7 phường, 2 xã) với 164 tổ dân phố, bản, dân số trên 70.000 người.

Đây là nơi hội tụ của 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc mang nét văn hóa độc đáo riêng. Thành phố có nền văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn nhất vùng Tây Bắc, bao bọc xung quanh là một vùng núi rừng trùng điệp hùng vĩ. Có các danh lam thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng như: dòng suối Nậm Rốm chảy qua các bản văn hóa du lịch: Him Lam 2 phường Him Lam, bản Phiêng Lơi xã Thanh Minh; Thác nước ở bản Tà Lèng, xã Tà Lèng; Hồ Huổi Phạ phường Him Lam… Đặc biệt là quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ gắn liền với cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta chống thực dân Pháp được kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” mồng 7 tháng 5 năm 1954. Những di tích của cuộc chiến đấu vẫn còn đó, như: Đồi A1; hầm Đờ-Ca-Xtơ-ri; đồi D1; Bảo tàng chiến thắng, Đồi Him Lam; đồi E... trên địa bàn thành phố được đầu tư trùng tu tôn tạo đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của du khách; các công trình văn hóa, nhà trường, trụ sở làm việc mới được mọc lên tạo điều kiện thuân lợi cho việc học tập và làm việc của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức... Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng được thành phố khuyến khích mở rộng phát triển kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.

Khu du lịch sinh thái Him Lam – TP Điện Biên Phủ

Bên cạnh đó, thành phố còn có tiềm năng về cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải với các tuyến đường bộ, đường hàng không. Sân bay Mường Thanh (nay là Cảng hàng không Điện Biên Phủ) là căn cứ tiếp vận quan trọng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm xưa. Ngày nay sân bay được cải tạo, nâng cấp thành cảng hàng không dân dụng. Hiện Cảng hàng không Điện Biên Phủ thực hiện 2 - 3 chuyến bay mỗi ngày, phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân và du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng của thành phố Điện Biên Phủ. Ngoài ra, đến với thành phố Điện Biên Phủ du khách còn được ngắm nhìn những nếp nhà sàn duyên dáng bởi kiến trúc độc đáo còn giữ được nguyên vẹn của dân tộc Thái tại các bản Him Lam 2 phường Him Lam; bản Mớ, phường Thanh Trường; bản Phiêng Lơi xã Thanh Minh, bản Noong Bua phường Noong Bua. Những nét văn hóa độc đáo của người Thái tại thành phố Điện Biên Phủ còn được thể hiện qua phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca dân vũ, hát giao duyên, nhảy sạp, múa xòe, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống, các món ăn đặc trưng của từng dân tộc. Thành phố đã tổ chức bảo tồn được một số lễ hội truyền thống dân tộc Thái như: Lễ hội Xên Pang tại bản Mớ phường Thanh Trường, hội Hạn khuống bản Him Lam 2 phường Him Lam. Ngành nghề thủ công truyền thống như: Thêu, dệt thổ cẩm cũng đang được bản Him lam 2, bản Noong Chứn duy trì phục vụ khách du lịch… Hàng năm lượng khách du lịch đến với thành phố tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND Tỉnh; đặc biệt là sự lãnh chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố, cùng chung sức đồng lòng của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân các dân tọc trong thành phố, Điện Biên Phủ đã và đang “thay da đổi thịt” từng ngày, khang trang, hiện đại và văn minh hơn. Phát triển kinh tế - xã hội nói chung luôn được thành phố đặc biệt coi trọng. Bởi đó là nền tảng của quá trình phát triển dài lâu. Mặc dù khó khăn còn nhiều, nguồn lực của thành phố còn thiếu, nhưng nhờ những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thành phố, thành quả đạt được trong những năm qua rất đáng khích lệ. Ngay trong năm 2018, TP Điện Biên Phủ đã thực hiện hoàn thành 15/16 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch: Thương mại, dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng 63,51%; Công nghiệp và xây dựng chiếm 33,7%; Nông - Lâm - Thủy sản chiếm 2,79%.. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 292,955 tỷ đồng (đạt 115% kế hoạch tỉnh giao, đạt 109% kế hoạch thành phố giao). Thành phố đã thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế; Các loại hình dịch vụ tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Thu nhập bình quân đầu người đạt 3.800 USD/người/năm. Thành phố tiếp tục thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế; Các loại hình dịch vụ tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc xúc tiến đầu tư nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ được triển khai đạt hiệu quả, thông qua các Lễ hội như: Lễ hội hoa Anh Đào, lễ hội Hoa Ban,...

Thành phố Điện Biên Phủ lung linh về đêm

Năm 2018, doanh thu từ du lịch ước đạt 489,6 tỷ đồng (tăng 57,6 tỷ so với năm 2017).Cũng trong năm 2018, xã Tà Lèng được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã được công nhận Nông thôn mới là 2/2 xã, đạt tỷ lệ 100%. Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thành phố lựa chọn, đăng ký 04 bản thực hiện xây dựng “Nông thôn mới kiểu mẫu” đến năm 2020…Công tác văn hóa-xã hội ngày càng phát triển. Về Giáo dục, số trường chuẩn quốc gia đến nay là 31/33 trường.

Các thiết chế văn hóa, thể thao được thành phố quan tâm, đến nay toàn thành phố đã xây dựng được 99/164 nhà văn hóa cộng đồng ở các tổ dân phố, bản; 92,6% tổ dân phố, bản; 96,5% hộ gia đình và 100% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa, 4/7 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Duy trì 9 phường, xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Huy động được cả xã hội vào cuộc làm công tác giảm nghèo bền vững theo các tiêu chí chung. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành: Nâng cấp hạ tầng CNTT, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, liên thông phần mềm hồ sơ công việc tới tỉnh, các xã phường; cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng về CNTT, quản trị mạng. Đảng bộ thành phố đã có sự chỉ đạo quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu; sự điều hành của UBND thành phố, cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy chính quyền xã, phường, các cơ quan chuyên môn thành phố trong việc thực hiện giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Kết quả đạt được thời gian qua tạo đà cho thành phố Điện Biên Phủ phát triển không ngừng để sớm trở thành thành phố đô thị loại 2 của tỉnh.