17/06/2024 lúc 18:43 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có nhiều chuyển biển tích cực

Trong bức tranh kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại nội địa ngày càng phát huy tốt vai trò lưu thông cung ứng hàng hóa, góp phần đáng kể cho các ngành sản xuất phát triển, tạo sự ổn định cho đời sống dân cư. Hình thức bán hàng và phương thức kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh, đa dạng và phong phú.
Xuất nhập cảnh và thương mại nội địa có nhiều chuyển biến tích cực tại Thanh Hóa

Những tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế trong nước và khu vực chưa phục hồi hoàn toàn là nguyên nhân dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đứng trước thực tế này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách về lĩnh vực xuất, nhập khẩu, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Việc UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố; đồng chủ trì tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp là minh chứng sinh động thể hiện tinh thần đồng hành, trách nhiệm cao của các cấp chính quyền đối với sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong việc tái cơ cấu sản phẩm để thích ứng với những biến động của thị trường và duy trì đà tăng trưởng.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng, song chỉ số tăng trưởng dương luôn được duy trì tháng sau cao hơn tháng trước. Đây là tín hiệu tích cực để Thanh Hóa hướng đến hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu của năm và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế địa phương. Theo đó, tháng 5/2024, tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 557,8 triệu USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 2.333,3 triệu USD, bằng 38,9% kế hoạch và tăng 21,9% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ là do nhu cầu của một số thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh (gồm: hàng may mặc, giầy dép, nông sản đóng hộp, các sản phẩm sau lọc hoá dầu…) gia tăng. Tình hình xuất khẩu một số mặt hàng cụ thể như sau: Dưa chuột đóng hộp 771 tấn, tăng 94,2%; tinh bột sắn 17.138 tấn, bằng 58,8%; thịt súc sản 290 tấn, tăng 5%; chả cá Surimi 1.102 tấn, bằng 70,5%; bột cá 10.064 tấn, bằng 86,4%; thuốc lá 9.204 nghìn bao, tăng 39,9%; dăm gỗ 376.000m3, tăng 56,7%; hàng may mặc 170.305 nghìn sản phẩm, tăng 22,3%; giầy dép các loại 136.743 nghìn đôi, tăng 20,1%; đá ốp lát 2.724 nghìn m2, tăng 45%; P-xylen 261.356 tấn, tăng 20,2%; lưu huỳnh dạng hạt 110.082 tấn, bằng 99,1%…

Bên cạnh đó, giá trị nhập khẩu toàn tỉnh trong tháng 5 ước đạt 994,121 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, giá trị nhập khẩu ước đạt 4.483,24 triệu USD, tăng 23,2%; giá trị các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Nguyên phụ liệu sản xuất thuốc tân dược 6,87 triệu USD, tăng 62,4% so với cùng kỳ; dầu thô 5.350 nghìn tấn, tăng 26,8%; vải may mặc 152,9 triệu USD, bằng 95,9%; phụ liệu hàng may mặc 13,7 triệu USD, bằng 71,6%; phụ liệu giầy dép 65,4 triệu USD, bằng 83,1%; máy móc thiết bị, phương tiện khác 250,6 triệu USD, tăng 19,6%; hàng hóa khác 25,85 triệu USD, bằng 86,9%.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 5/2024 ước đạt 16.000 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 77.478,459 tỉ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác ổn định và phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, vướng mắc, cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, đặc biệt là các nước đang có kim ngạch xuất khẩu lớn; hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng tốt những cơ hội từ các ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do đã và đang được thực thi tại 60 thị trường lớn trên thế giới./.

Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 1.058 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 83 doanh nghiệp (tăng 8,5%) so với cùng kỳ, với số vốn điều lệ đăng ký 9.941,4 tỉ đồng, tăng 41,2%; vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 9,4 tỉ đồng/doanh nghiệp, tăng 88%. Số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm 2024 đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ; trong đó, một số địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao trên 50% KH, như: Huyện Thường Xuân đạt 80%, huyện Như Xuân đạt 73,3%, huyện Quan Sơn đạt 70%, huyện Nông Cống đạt 61,5%, huyện Quảng Xương đạt 55,6%, huyện Triệu Sơn đạt 53,3%, huyện Nga Sơn đạt 52%...

Hải Nam