26/11/2024 lúc 07:45 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hoá: Tập trung tháo gỡ khó khăn trong xây dựng Nông thôn mới

Sáng ngày 17/8, Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh Thanh Hóa tổ chức Giao ban tình hình thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới và OCOP 8 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện các tháng cuối năm 2023.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đồng chí Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh đã báo cáo những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình Xây dựng NTM và OCOP của tỉnh trong những tháng đầu năm.

Để tạo nguồn lực cho các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các Chương trình, tỉnh Thanh Hóa được Ngân sách Trung ương phân bổ 528,190 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển và 107,637 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. Cùng với đó, giai đoạn 2021-2023 ngân sách tỉnh đã bố trí 447,432 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương thực hiện các Chương trình. Đến ngày 15/8, tiến độ giải ngân vốn năm 2021 và 2022 đạt 100%, vốn năm 2023 đạt 19,29%.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh Hóa có thêm 13 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đạt 76,5% kế hoạch; 23 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, đạt 104,5% kế hoạch; 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 62,5% kế hoạch. Toàn tỉnh có thêm 91 sản phẩm OCOP, đạt 75,8% kế hoạch. 

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất với báo cáo phân tích của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh. Đồng thời, tập trung thảo luận, đưa ra những khó khăn, bất cập, như: Số lượng đơn vị đạt chuẩn theo kế hoạch năm 2023 còn thấp, dẫn đến khối lượng đơn vị phải hoàn thành trong 4 tháng cuối năm rất lớn; còn 211/359 xã không duy trì được tiêu chí NTM; 28/81 xã không duy trì được tiêu chí NTM nâng cao và 7/10 huyện không duy trì được tiêu chí huyện NTM theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.

Các địa phương đang thực hiện xây dựng NTM hầu hết đều gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí 17.1 về tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch; tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí số 13.3 về thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương và tỉ lệ hộ nghèo đa chiều.

Đối với chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh có 19 sản phẩm hết hạn công nhận nhưng chưa được đánh giá, công nhận lại. Việc tư vấn, hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP còn bộc lộ những bất cập, chưa bắt kịp với những yêu cầu mới. Mặc dù số lượng sản phẩm được công nhận nhiều, song chất lượng chưa thực sự tốt, chưa có nhiều sản phẩm độc đáo, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm.

Hội nghị đã đề ra một số giải pháp trọng tâm để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2023. Đối với Chương trình Xây dựng NTM, các địa phương đã đạt chuẩn cần tập trung chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, đảm bảo đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025. Các địa phương đang triển khai thực hiện cần nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành thêm các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định.

Các ngành phụ trách tiêu chí, theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch và tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí. Chủ động đấu mối với các bộ, ngành ở Trung ương để tranh thủ sự hướng dẫn trong thực hiện xây dựng NTM thuộc tiêu chí do ngành phụ trách.

Mô hình sản xuất nông nghiệp thủy canh.

Cùng với đó, căn cứ vào Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và năm 2023, các địa phương cần cụ thể hóa kế hoạch, đưa ra những giải pháp thiết thực để khắc phục trong thực hiện Chương trình OCOP. Đồng thời, tổ chức thực hiện Chương trình OCOP theo chiều sâu, chất lượng, không chạy theo thành tích; nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận; quan tâm đến quy hoạch vùng nguyên liệu, lựa chọn sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương để phát triển sản phẩm OCOP.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, ngành, người dân nhận thức việc xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó mỗi người dân đóng vai trò chủ thể từ triển khai thực hiện đến kiểm tra, giám sát; huy động tổng thể các nguồn lực đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo tỉnh, Văn phòng điều phối tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn trong khảo sát, thẩm định, xây dựng quy hoạch NTM. Quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định./.

Ngọc Thể - Đỗ Thanh