22/12/2024 lúc 16:25 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc

Tối ngày 27/10, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và khánh thành khu lưu niệm tại TP Sầm Sơn.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh trình bày diễn văn kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trình bày diễn văn nêu rõ: Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, không chỉ là dịp để chúng ta gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm xúc động, nghĩa tình trên đất Bắc, mà còn là dịp để chúng ta tự hào về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc, nhắc nhớ chúng ta về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình cảm “Bắc - Nam một nhà”, không thể nào chia cắt.

Cách đây 70 năm, sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Việt Nam và các nước Đông Dương được ký kết. Vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải, đã trở thành ranh giới quân sự chia cắt hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc được hòa bình, bước vào công cuộc xây dựng CNXH; miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ngay sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại để lãnh đạo cuộc chiến đấu ở miền Nam và chuyển hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc... Vào thời điểm lịch sử ấy, Thanh Hóa vinh dự là nơi đầu tiên của miền Bắc, được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết... Ngày 25/9/1954 đã trở thành thời khắc lịch sử không thể nào quên, con tàu đầu tiên, đã rẽ sóng tiến vào cửa Lạch Hới - Sầm Sơn giữa tiếng reo mừng của hàng ngàn người dân Thanh Hóa, hân hoan chào đón những người con thân yêu của miền Nam ruột thịt. Chỉ trong 9 tháng (từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955), tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp 47.346 cán bộ, bộ đội, 1.869 thương bệnh binh, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết; và là địa phương đón số lượng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhiều nhất cả nước.

Sau những ngày đón tiếp, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam đã được đưa đến nhiều tỉnh, thành của miền Bắc, như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng... để lao động, học tập và công tác. Những người ở lại, được Nhân dân Thanh Hóa chăm sóc, nuôi dưỡng học tập, lao động, sản xuất. Tỉnh đã đầu tư xây dựng trường học sinh miền Nam số 9 tại xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, góp phần đào tạo những “hạt giống đỏ” cho cách mạng và cho đất nước sau này. Các nông lâm trường trên địa bàn tỉnh, như: Nông trường Phúc Do, Vân Du, Lam Sơn, Thống Nhất... được cán bộ, chiến sĩ, các gia đình miền Nam tập kết lựa chọn là quê hương thứ hai của mình. Nhiều cụ già, cháu nhỏ được các gia đình quê hương Thanh Hóa nuôi dưỡng, đùm bọc, “nhường cơm, sẻ áo”, dành những gì tốt nhất, bằng tất cả tấm lòng và tình cảm thân thương, ruột thịt.

Đáp lại nghĩa tình sâu nặng của Nhân dân Thanh Hóa và Nhân dân miền Bắc, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, đã ra sức học tập, lao động, sản xuất, công tác, góp phần vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Nhiều người sau khi dưỡng bệnh, học tập, rèn luyện, đã lên đường nhập ngũ, trở lại quê hương, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng bào, xông pha trên khắp các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều học sinh miền Nam nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu, trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh quân đội, công an, các nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sĩ tiêu biểu... đã và đang mang sức lực, trí tuệ cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, đặc biệt sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà; Thanh Hoá đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực... Trở lại Sầm Sơn hôm nay, được chứng kiến những đổi thay rõ nét. Hạ tầng đô thị được đầu tư khang trang, hiện đại; nhiều khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí được đầu tư, nâng cấp, tạo ra sức hấp dẫn mới cho du khách. Sầm Sơn hôm nay không chỉ là mảnh đất của lịch sử và huyền thoại, mà đang hướng đến đô thị du lịch trọng điểm quốc gia.

Trước nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam và Nhân dân Thanh Hóa, mong muốn xây dựng công trình lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, biểu tượng sáng ngời của chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”... Sau gần 2 năm khởi công xây dựng, các hạng mục công trình khu A đã hoàn thành, nổi bật là Cụm tượng đài Con tàu tập kết và bức phù điêu hình cánh cung. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến Sầm Sơn.

“70 năm đã trôi qua, nghĩa tình của Nhân dân miền Bắc, trong đó có Nhân dân tỉnh Thanh Hóa dành cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết, thêm lần nữa khẳng định chân lý “Bắc - Nam một nhà”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh khẳng định.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta với tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh dũng đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, theo đó ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong 300 ngày, lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17, sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Từ đây miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn, vững chắc cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trước bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam, các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), của Bộ Chính trị và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Hội nghị Giơnevơ “Trung - Nam - Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng” “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành lấy thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí”đã kịp thời chỉ ra phương hướng hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với phương châm sách lược mới, nhiệm vụ mới phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta và tình hình quốc tế lúc bấy giờ. Với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức cuộc dịch chuyển quân - dân lịch sử. Trung tuần tháng 8/1954, Hội đồng Chính phủ thông qua kế hoạch tổ chức Ban đón tiếp bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Ngày 31/8/1954, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về việc đón tiếp bộ đội, thương binh,

một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc, trong đó xác định đây là nhiệm vụ “rất trọng yếu, có ảnh hưởng và tác dụng chính trị rất lớn không những đối với tinh thần tư tưởng của những người ra ngoài này, mà còn ảnh hưởng rất lớn đối với đồng bào miền Nam ở trong kia”, vì vậy “cần phải làm thật chu đáo và có kết quả thật tốt”.

Ngày 25/9/1954, con tàu đầu tiên đưa những người con miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc cập bến Sầm Sơn, mở ra một hành trình kéo dài 9 tháng (từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955), đón tiếp những người con ưu tú miền Nam tập kết.

Tình cảm thắm thiết như anh em ruột thịt, Nam Bắc một nhà của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân miền Bắc nói chung, trong đó có nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cổ vũ, động viên các thế hệ học sinh, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, lao động, sản xuất, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhiều đồng bào miền Nam sau khi học tập, rèn luyện đã nhập ngũ, trở lại quê hương, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều thế hệ con em học sinh của đồng bào miền Nam được Đảng, Nhà nước đào tạo, trong đó nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các địa phương, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sĩ tên tuổi,... đã và đang mang hết công sức, cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, trong trái tim của biết bao thế hệ đồng bào và chiến sỹ hai miền Nam - Bắc; là bài học vô giá về “ý Đảng, lòng dân”; biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết và khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi ”.

Để phát huy sức mạnh của truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện tập kết ra Bắc, các tỉnh thành trên cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố có vai trò quan trọng trong tập kết ra Bắc như Thanh Hóa, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình... cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả; trong chiến tranh chúng ta đã nhường cơm sẻ áo, trong hòa bình chúng ta phải chung sức, đồng lòng, phát huy tối đa sức mạnh mỗi địa phương và tương trợ lẫn nhau vì một nước Việt Nam phát triển và hội nhập.

Tiếp tục làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, thân nhân cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc; những gia đình có công lao đóng góp lớn trong nuôi dưỡng đồng bào, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong rằng: Đẩy mạnh tuyên truyền về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc để lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng và quần chúng Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc tiền bối cách mạng, của các anh hùng liệt sĩ và nhân dân ta; lòng tự hào về truyền thống văn hóa tốt đẹp và sức mạnh nội sinh của dân tộc; vận dụng, phát huy những bài học kinh nghiệm của sự kiện tập kết ra Bắc trong thực hiện chiến lược xây dựng, rèn luyện thế hệ cách mạng cho đời sau, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo... đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm phát huy hiệu quả giá trị của công trình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Bởi, đây là nơi lưu giữ ký ức một thời hào hùng của quân và dân ta, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, của thành phố Sầm Sơn được Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ là điểm tiếp nhận đầu tiên đón đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và con em miền Nam tập kết ra Bắc. Với tình cảm và trách nhiệm, mong rằng cán bộ, đồng bào miền Nam, các nhà khoa học, chuyên gia, Nhân dân cả nước tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu vào Khu lưu niệm, để nơi đây thực sự trở thành một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc; phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đoàn kết, thống nhất tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng – Đại hội có ý nghĩa quan trọng, mang tính bước ngoặt, là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển của đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo TP Sầm Sơn đã thực hiện nghi thức khánh thành công trình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Tại lễ kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo TP Sầm Sơn đã thực hiện nghi thức khánh thành công trình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Tiếp đó là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Quê Thanh - Nghĩa Bắc - Tình Nam” gồm 3 chương: Chương I, tái hiện lại ký ức không bao giờ phai, vượt khó ươm mầm cách mạng của 70 năm về trước. Cuối năm 1954, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa vinh dự là địa phương đầu tiên được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ giao nhiệm vụ đón tiếp, chăm sóc cán bộ, bộ đội và Nhân dân từ miền Nam tập kết ra Bắc, địa điểm tập kết đầu tiên là Lạch Hới, Sầm Sơn... Cuộc chuyển quân huyền thoại với những cuộc chia ly thiêng liêng và cảm động của hàng chục vạn gia đình. Mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, chồng tiễn vợ, con tiễn cha, mẹ lên đường tập kết ra Bắc với tinh thần “Đi vinh quang, ở dũng cảm” ... Cuộc chia ly và đón tiếp giữa Nghĩa Bắc – Tình Nam là sự kiện ấy đã hằn sâu trong ký ức của cả một thế hệ, đánh dấu một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam; Chương 2: Huyền thoại thời hoa lửa, là âm hưởng hoài niệm, nhớ thương của đồng bào chiến sĩ miền Nam nhanh chóng hoà nhập vào cuộc sống mới trên đất Bắc với tinh thần sống và chiến đấu cho cả 2 miền Nam – Bắc sum họp một nhà; Chương 3: Nhịp sống trào dâng sắc mới, là ký ức về cảng Hới nghĩa tình, nơi đã làm sâu sắc thêm chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Kế thừa và phát huy thành quả cách mạng trong 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cùng với cả nước tiếp tục giữ vững đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân, khơi dậy khát vọng cống hiến, phát huy hiệu quả các nguồn lực, quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh và thịnh vượng./.

Hải Nam - Hoàng Trang