22/11/2024 lúc 21:35 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực

Ngày 24/6/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6 nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, thảo luận và quyết định các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn chủ trì phiên họp.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng, tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 11,5%, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 3 cả nước.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì đà phát triển ổn định; tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3,4%. Trong đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mùa; tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2024 đạt 237,7 nghìn ha, sản lượng lương thực ước đạt 893 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ; riêng năng suất lúa ước đạt 67,5 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, an ninh rừng được đảm bảo. Toàn tỉnh trồng được 6.100 ha rừng tập trung, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp tiếp tục được phát triển, đến nay, toàn tỉnh có 1.386 doanh nghiệp, 768 HTX và 2 liên hiệp HTX, 995 trang trại, 1.266 tổ hợp tác trong nông nghiệp.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm; 6 tháng đầu năm, có thêm 4 xã NTM, 13 xã NTM nâng cao và 9 xã NTM kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 363/465 xã, 717 thôn bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, 489 thôn bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Trong lĩnh vực công nghiệp, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song với phương châm “kiên trì bám trụ, tranh thủ thời cơ”, các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động cơ cấu lại, tối ưu hóa quy trình sản xuất để thích ứng linh hoạt với biến động thị trường. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động nên sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà phát triển tốt; tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 21,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại nội địa diễn ra sôi động, nguồn cung hàng hóa dồi dào; giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng găm hàng, sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 94.392 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm. Qua thống kê, tổng lượng khách du lịch 6 tháng ước đạt 9.780,6 nghìn lượt, tăng 16,1% so với cùng kỳ, bằng 70,9% kế hoạch (trong đó khách quốc tế ước đạt 261 nghìn lượt, tăng 21,3%); tổng thu du lịch ước đạt 19.848,5 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ, bằng 61,3% kế hoạch.

Cũng theo báo báo, trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 27.348 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ, bằng 76,9% dự toán. Trong đó, thu nội địa ước đạt 16.673 tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ, bằng 75,7% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 10.675 tỷ đồng, tăng 19,7%, bằng 78,8% dự toán.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 65.885 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ, bằng 48,8% kế hoạch. Toàn tỉnh đã thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 12 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.905 tỷ đồng và 177,5 triệu USD; tăng 78,8% về số dự án và tăng 25,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng, sự ổn định và sức hấp dẫn môi trường đầu tư của tỉnh.

Cùng với các chỉ tiêu trong lĩnh vực kinh tế, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống Nhân dân được cải thiện. Qua rà soát, thống kê, Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh dự thi đoạt giải và xếp thứ 4 cả nước về số lượng thí sinh đoạt giải nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024. Cũng trong năm học này, học sinh Thanh Hóa đoạt 4 huy chương các loại tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, được cấp ủy, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp, tầng lớp Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và đánh giá cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Trước những khó khăn, thách thức rất lớn, song kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 phát triển khá toàn diện, đạt nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Điều này cho thấy sự nỗ lực, vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đoàn kết, nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cho ý kiến cụ thể vào việc nhận diện những tồn tại, hạn chế; đồng thời nhấn mạnh một số tồn tại, hạn chế như tiến độ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp còn chậm; chưa thu hút nhiều dự án tại khu vực miền núi; một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa triển khai chậm; vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa phương liên quan đến dự án đầu tư; vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó lưu ý việc tập trung “mổ xẻ”, phân tích sâu hạn chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ rõ công tác lãnh đạo, chỉ dạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, chất lượng tư vấn; năng lực của nhà thầu, ban quản lý dự án...

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: 6 tháng cuối năm 2024 diễn ra nhiều sự kiện lớn cả về chính trị và văn hóa, vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra. Yêu cầu các cấp, các ngành chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai hiệu quả các luật đã được Quốc hội thông qua, nhất là Luật Đất đai 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành chức năng, các địa phương, đơn vị liên quan phải tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công các dự án lớn trên địa bàn tỉnh, như: Trung tâm thương mại Aeon Thanh Hóa; Nhà máy hóa chất Đức Giang; Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa... Đồng thời tiếp tục hoàn thiện một số quy hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng lưu ý ngành chức năng phải chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc tuyển dụng lao động của một số công ty, doanh nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2024.

Trong chương trình phiên họp, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về việc triển khai một số nội dung liên quan đến Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Thanh Hóa; Đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa; Tờ trình về việc quy định số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Tờ trình về việc ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh và một số nội dung quan trọng khác./.

Hải Nam - Hoàng Trang