Theo sử sách, vào cuối thế kỷ XVIII, tại vùng đất Mường Khô (nay là xã Điền Trung), huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện một vị lang Mường ưu tú, đó là Quận công Khâm sai Chánh thống lãnh Thượng đạo trấn Thanh Hóa Hà Công Thái - ông là người có công lao lớn đối với vương triều Nguyễn. Ông không những đã giúp vua Gia Long gìn giữ vùng biên cương phía Tây Thanh Hóa, mà còn giúp vua trong cuộc trường trinh tiến quân ra Bắc Hà giành lấy Thăng Long, thống nhất đất nước; công lao và tên tuổi của ông đối với triều Nguyễn được sử sách lưu danh mãi muôn đời sau.
Để ghi nhớ công lao vị Quận Công đất Mường Khô, người anh hùng của dân tộc và các anh hùng, sỹ phu đất Mường Khô đã có công với nước, cuối thế kỷ XIX, Nhân dân và dòng họ Hà Công đã lập đền thờ ông (hay còn gọi là chùa Mèo), tại thôn Muỗng Do, xã Điền Trung. Từ đó đến nay, nơi đây đã trở thành chốn tâm linh của đất Mường Khô nói riêng, huyện Bá Thước nói chung và Lễ hội Mường Khô bắt đầu xuất hiện từ đây.
Lễ hội được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ Quận công Hà Công Thái và các anh hùng, nghĩa sỹ, đồng thời là dịp để Nhân dân cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân được ấm no, hạnh phúc.
Ngoài phần lễ với các nghi thức cúng tế, rước kiệu truyền thống trang nghiêm và thành kính, lễ hội Mường Khô còn có các trò chơi, trò diễn dân gian và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mang đặc trưng của dân tộc Mường. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học đặc sắc, Lễ hội Mường Khô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đây là một trong những lễ hội đặc sắc, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính, một sản phẩm văn hóa, du lịch tâm linh được tổ chức thường niên - điểm nhấn trong hành trình văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, mang thương hiệu riêng của xứ Mường Khô.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chúc mừng và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước, đặc biệt là các thế hệ nghệ nhân và người dân của 05 xã: Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ, Điền Thượng đã nỗ lực, chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo tồn, duy trì và phát huy di sản văn hóa Lễ hội Mường Khô trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.
Để tiếp tục tạo sức sống mới, sự lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ các giá trị lịch sử - văn hóa của Lễ hội Mường Khô, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan triển khai nghiêm túc, có hiệu quả việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, nghiên cứu làm sáng tỏ hơn nữa về các giá trị của Lễ hội Mường Khô để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội gắn với phát triển du lịch.
Sự kiện đón nhận và vinh danh Lễ hội Mường Khô là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hôm nay, vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao về trách nhiệm của các cấp, các ngành của tỉnh và huyện Bá Thước; về trách nhiệm của các thế hệ nghệ nhân và cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Bá Thước trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản./.