22/01/2025 lúc 20:06 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hoá: Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng và giải ngân đầu tư công

Ngày 23/8/2022, UBND tỉnh Thanh Hoá họp phiên thường kỳ tháng 8 năm 2022. Tham dự Hội nghị có đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; đại diện Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng các Đoàn thể, Giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Mở đầu phiên họp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Trọng Trang đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2022. Theo báo cáo, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2022 trên địa bàn tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đạt kết quả khá, nhiều chỉ tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ như: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi, sản lượng thủy sản tăng 1,8% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 10,58%, có 21/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 34,6%, khách du lịch gấp 12,9 lần, tổng thu du lịch gấp 24,5 lần; doanh thu vận tải tăng 42,9%. Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm đã vượt 23% so với dự toán năm 2022, tăng 54% so với cùng kỳ. Chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; các chế độ, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng sản xuất tháng 8 đạt thấp so với cùng kỳ như: Sắt thép các loại giảm 20,4%, xi măng giảm 23,6%, dầu ăn giảm 22,7%... giá trị xuất khẩu giảm 5,3%. Giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao; nguồn cung cấp vật liệu san lấp cho các dự án khan hiếm, giá cả thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án đầu tư công…

Trưởng ban Quản lý Khu KTNS và các Khu công nghiệp phát biểu tại hội nghị.

Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9, báo cáo cũng nhấn mạnh đến các vấn đề, như: Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 9 để sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Mùa năm 2022 và xây dựng phương án sản xuất vụ Đông năm 2022 – 2023. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Thường xuyên rà soát, đánh giá các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thường xuyên chăm lo và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế. Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp. Củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại hội nghị.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đồng thuận với báo cáo do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh đã chuẩn bị cũng như các ý kiến đã thảo luận tại hội nghị. Đồng chí giao các đơn vị soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, hoàn thiện lại báo cáo trình UBND tỉnh thông qua, để giao nhiệm vụ đến các ngành, đơn vị, địa phương. Đồng thời nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong tháng 8 thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cơ bản thống nhất với những hạn chế, yếu kém đã chỉ ra trong báo cáo; đồng thời nhấn mạnh về tư tưởng sợ trách nhiệm, né tránh nhiệm vụ trong 1 bộ phận cán bộ, lãnh đạo của tỉnh đang diễn ra thời gian qua; việc phối hợp giữa các ngành chưa hiệu quả đã ảnh hưởng đến công việc chung của tỉnh. Đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém, nhất là công tác tham mưu.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nhất quán, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn của Ngành Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm phòng tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng chống Covid-19 cho người dân; hoàn thành sớm việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, phấn đấu tỉnh Thanh Hóa đứng trong 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm chủng cao trong cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị.

Từ tháng 9, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề với các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tập trung vào các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, giải ngân đầu tư công và những vướng mắc khác nếu có. Đồng thời yêu cầu: Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tiếp doanh nghiệp định kỳ; Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo giải pháp cụ thể về việc chuyển đổi số; Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt về điều kiện cho năm học mới; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị tốt điều kiện để tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Sở Công thương báo cáo tình hình triển khai các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó đặc biệt phải chú trọng đến giải pháp tháo gỡ khó khăn vương mắc hiện tại. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi sơn và Các khu công nghiệp báo cáo đánh giá và phương án xử lý các Cụm công nghiệp trong địa bàn khu kinh tế Nghi Sơn.

Tiếp đó, hội nghị đã nghe và cho ý kiến vào tờ trình do Giám đốc Sở Tài chính trình bày: Tờ trình về đề nghị điều chỉnh dự toán thu NSNN trên địa bàn tỉnh; thu chi NSĐP; điều chỉnh phân bổ dự toán chi NSĐP năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày: Tờ trình về điều chỉnh bổ sung kế hoạch năm 2022 nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh để chi bồi thường GPMB và đầu tư hạ tầng đối với các dự án khai thác quỹ đất do tỉnh quản lý. Đại diện Sở Xây dựng báo cáo đề án sửa đổi Bảng giá xây dựng mới đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất và Quy định việc xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ ban hành kèm theo Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 06/8/2019 của UBND tỉnh. Với những nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh đồng thuận với nội dung tờ trình, đồng thời giao Văn phòng UBND tỉnh, phối hợp với các sở liên quan tổng hợp, hoàn thiện lại, báo cáo UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trình bày dự thảo Đề án bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Đối với dự thảo Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cần làm rõ thêm sự cần thiết, căn cứ, pháp lý của đề án. Với mục tiêu của đề án, phải làm rõ mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; xem xét đến những mục tiêu thiết thực với tình hình thực tiễn khi thực hiện đề án. Về giải pháp thực hiện, đồng chí lưu ý thêm đến các giải pháp về số hóa tài liệu tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc; việc truyền dạy tiếng nói và chữ viết cần xem xét giao trực tiếp về cơ sở cấp huyện thực hiện. Việc tổ chức liên hoan trang phục truyền thống các dân tộc như đề án đề cập, cần lồng ghép vào các sự kiện ngày hội dân tộc thường niên hàng năm… Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục lấy ý kiến các ngành, các chuyên gia dân tộc để hoàn thiện lại đề án; báo cáo UBND tỉnh xem xét trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.

Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo Kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ, giai đoạn 2022 - 2025. Với nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ tính toán hoàn thiện lại, báo cáo UBND tỉnh trước 15/9 để báo cáo UBND tỉnh trong kỳ họp tới./.

Hải Nam - Hoàng Trang