Trong thời gian qua, không chỉ đồng nghiệp mà cả dư luận cũng đang rất bất ngờ và tiếc nuối trước việc 2 giáo viên trên địa bàn huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa xin thôi việc để bỏ ra ngoài làm kinh doanh.
Vượt qua quãng đường hơn 100km, tính từ TP Thanh Hóa, tôi có mặt tại Bá Thước vào một buổi trưa trong cái lạnh như cắt da cắt thịt. Khác với những lần trước lên viết bài về giáo dục, đó là niềm vui và sự thán phục trước tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên của đội ngũ cán bộ công nhân viên nhà trường, những nơi tôi đến thu thập tư liệu phục vụ cho công việc của mình. Lần này lại là một nỗi buồn không nhỏ khi hay tin Bá Thước vừa có 2 thầy giáo xin thôi việc ra ngoài đi làm kinh doanh.
UBND huyện Bá Thước
Để làm rõ ngọn ngành của mọi vấn đề, tôi đã tìm đến Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước. Vẫn như thường lệ, sau màn chào hỏi và pha nước mời khách của vị Trưởng phòng, tôi đã đi thẳng vào phần trao đổi lý do thầy Hà Văn Tuyệt, sinh năm 1985, giáo viên Lớp 3A, Trường Tiểu học Văn Nho, viết đơn xin thôi việc kể từ ngày 01/01/2021.
Vừa rót nước mời tôi, vị Trưởng phòng này vừa cho biết: Đúng là như vậy! vừa qua Phòng GD&ĐT đã nhận được đơn xin thôi việc của thầy Hà Văn Tuyệt, lý do thầy Tuyệt đưa ra là vì lương thấp và đã tìm được công việc mới, có thu nhập cao hơn, còn có những nguyên nhân khác nữa hay không thì phòng không rõ! Sau khi nhận được đơn, tôi cũng đã hai lần gọi điện cho thầy Tuyệt nhưng không được, hôm vừa rồi tôi lên nhưng không gặp và cũng giao cho cả Phó phòng gọi điện để lên gặp trao đổi xem tình hình như thế nào nhưng cũng không nghe máy. Tôi còn giao cho cả dưới nhà trường vào tận nhà để động viên nhưng thầy ấy dứt khoát không nghe và xin nghỉ. Nghe anh em nói là thầy Tuyệt hiện bỏ ra ngoài, giờ đang đi làm YouTube và buôn bán điện thoại.
Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng GD&ĐT còn cho biết thêm: Trường hợp của thầy Tuyệt đúng là tôi rất tiếc vì điểm thi đầu vào rất cao, là thủ khoa trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 của huyện Bá Thước, hơn nữa hiện nay huyện đang thiếu tới bốn năm chục giáo viên Tiểu học. Kể từ ngày được tuyển vào ngành đến lúc làm đơn xin thôi việc, thầy Tuyệt mới chỉ công tác được một năm hai tháng. Và ngoài thầy Tuyệt, ở Bá Thước vừa qua còn có cả thầy Ngọc, giáo viên trường THCS Thành Lâm cũng xin thôi việc ra ngoài mở cửa hàng đối diện Công an huyện để kinh doanh điện thoại.
Đơn xin thôi việc của thầy Hà Văn Tuyệt
Đem câu chuyện trên trao đổi với ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, phụ trách văn xã, ông Thắng cho biết: Đúng! Bá Thước vừa có hai trường hợp xin thôi việc, một là thầy Ngọc trong trường cấp 2 Thành Lâm, hai là thầy Tuyệt trong trường Tiểu học Văn Nho. Đối với thầy Ngọc thì đã gặp gỡ, vận động bằng tình cảm, nhưng trường hợp này tuổi cũng đã cao, hơn nữa Bá Thước đang thừa giáo viên dạy môn văn nên thống nhất là cho nghỉ và không tiếc lắm! Còn đối với trường hợp thầy Tuyệt trong Văn Nho thì rất là tiếc vì thầy Tuyệt quê ở trong xã đó, lại là thủ khoa kỳ thi tuyển đầu vào của huyện Bá Thước. Sau khi nhận được đề nghị xin thôi việc, tôi đã phân công cho cô Hồng, Phó phòng giáo dục phụ trách khối Tiểu học để liên lạc với thầy này, nhưng thầy ấy vẫn cương quyết. Thôi thì rất tiếc nhưng họ không yêu nghề thì mình đành chịu!
Theo thông tin Pv có được: Thầy Hà Văn Tuyệt được tuyển dụng vào ngành giáo dục huyện Bá Thước từ ngày 05/9/2019. Trước kỳ thi tuyển, thầy Tuyệt đã có những quyết tâm ôn thi rất cao, khiến nhiều người phải thán phục, không những thế, mong muốn của thầy là tha thiết được vào công tác trong ngành giáo dục.
Không ai biết chắc được trong thời gian tới đây có còn nữa hay không những giáo viên đang công tác tại địa bàn huyện Bá Thước lại tiếp tục xin thôi việc, nhưng sự tiếc nuối thì đã xảy ra và hãy đừng để nó tiếp diễn. Đó là trách nhiệm không chỉ riêng của cấp ủy, chính quyền huyện Bá Thước mà còn là câu hỏi lớn đang đặt ra đối với ngành giáo dục và các cấp, các ngành liên quan.
Thiết nghĩ, ngoài cơ chế chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo thu nhập và điều kiện công tác cho cán bộ công nhân viên trong ngành. Thời gian tới đây Bá Thước cũng cần sát sao hơn nữa, chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên, qua đó phát hiện sớm sự việc và kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp để các thầy cô yên tâm công tác cống hiến cho sự nghiệp trồng người tại địa phương.