Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết hôm nay ngày 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7-9). Từ ngày 7/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm.
Để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3, đêm ngày 6/9 đến sáng sớm ngày 7/9, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT, TKCN và PTDS) Thanh Hóa cùng các thành viên Ban chỉ đạo đã trực ban xuyên đêm theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của bão số 3.
Trước đó, ngày 6/9, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 8 đoàn công tác do các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 trên địa bàn 16 huyện, thị xã, thành phố: Thọ Xuân, Triệu Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Hà Trung, Thạch Thành, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thường Xuân, Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân. Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh đã có Thông báo cấm biển trên địa bàn tỉnh từ 12 giờ ngày 6/9/2024 cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không cho các tàu thuyền ra khơi trong thời gian cấm biển. Cùng với lệnh cấm biển kể từ 12 giờ trưa 6/9, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng cùng các địa phương ven biển tiếp tục theo dõi, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền trên biển lập tức tìm nơi tránh trú bão an toàn, kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, quản lý chặt không cho bất cứ phương tiện nào rời bến.
Tại thành phố Thanh Hóa: Để chủ động ứng phó với bão số 3 (bão Yagi), Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu các phường, xã và các đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế; hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa yêu cầu đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các phường, xã đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách để tập trung cho công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3. Phân công từng đồng chí Đảng ủy viên trực tiếp xuống các phố, thôn, các trọng điểm về thiên tai để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ. Các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; các cụm phòng, chống thiên tai thành phố chủ động xuống các địa bàn được phân công để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3 và chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố về công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với bão số 3 tại địa bàn được phân công. Ban Chỉ huy Quân sự thành phố khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai công tác phòng, chống bão, lũ theo quy định. Ngay trong sáng 6/9, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố cũng đã họp triển khai các phương án ứng phó với cơn bão số 3.
Tại thành phố Sầm Sơn: Để chủ động các phương án ứng phó với bão số 3 (bão Yagi), thành phố đã thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Thành phố có 1.598 phương tiện khai thác với gần 5000 lao động. Hiện tại, 100% phương tiện đã vào nơi tránh trú an toàn; trong đó, đã có 1.545 phương tiện đang neo đậu tại bến và 53 phương tiện đang tránh trú ở các đảo, tỉnh ngoài. Chỉ đạo các xã, phường ven biển và cơ sở lưu trú có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch; trong đó khuyến cáo du khách không tắm biển trong thời gian mưa, bão (thực hiện cấm biển từ 12 giờ ngày 06/9/2024 cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão). Chỉ đạo UBND các xã, phường hướng dẫn bà con khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích cây trồng để tránh ảnh hưởng thiệt hại tới năng suất, chất lượng. Đồng thời, UBND thành phố chỉ đạo các ngành liên quan, cơ quan, đơn vị và người dân gia cố công trình, nhà ở để đảm bảo an toàn; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, khu vực đê điều; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Tại huyện Vĩnh Lộc, trước diễn biến của cơn bão số 3 (Yagi), Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc đã yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, trưởng các phòng, ban, đơn vị có liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Huyện Vĩnh Lộc đề nghị các xã, thị trấn đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND xã/thị trấn trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ. Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu vực đông dân cư. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có bão, lũ, ngập lụt... Đến thời điểm này huyện Vĩnh Lộc đã thu hoạch được 1.038,50/4.461 ha lúa, đạt 23,3%...
Cũng tại huyện Cẩm Thủy, lãnh đạo huyện đã đi kiểm tra thực tế công tác ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi trên địa bàn toàn huyện.
Đồng thời, kiểm tra mực nước trên mặt ruộng, đối với diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên và diện tích lúa chưa đến thời gian thu hoạch ở vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng cần tiêu kiệt nước đệm trên mặt ruộng, nước đệm trên hệ thống kênh mương nội đồng. Đối với diện tích lúa chưa đến kỳ thu hoạch ở vùng không có nguy cơ ngập úng cần duy trì nước mặt ruộng để cây sinh trưởng phát triển tốt; vùng có nguy cơ ngập úng cần tu sửa, bảo trì, nạo vét, khơi thông hệ thống tiêu để sẵn sàng tiêu úng khi mưa lớn gây ngập úng; khẩn trương tiêu cạn nước mặt ruộng; nước đệm trên hệ thống khe, suối và kênh mương nội đồng, tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh đảm bảo tiêu nước nhanh gọn.
Tại huyện Triệu Sơn: Sáng ngày 6/9, đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai tại các xã vùng trọng yếu có nguy cơ ảnh hưởng của mưa lớn, các tuyến đê xung yếu; vùng có nguy cơ sạt lở đất, vùng trũng thấp. Tại các điểm kiểm tra, đoàn công tác đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị có nguy cơ thực hiện nghiêm các biện pháp như: Di dời dân vùng trũng thấp về nơi an toàn; thực hiện ngay việc rà soát những nơi nguy cơ sạt lở đất cục bộ khi có mưa lớn và mưa dài ngày để có phương án xử lý; thực hiện di dời, thay thế các cột điện ở vùng trũng thấp, cột điện đổ gãy không đảm bảo; tranh thủ thời tiết để thu hoạch các diện tích lúa vụ mùa đã chín. Bên cạnh đó, tổ chức phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý các tình huống mưa bão xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Nhân dân chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện số 11 của Chủ tịch UBND huyện, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và các chuyến bay, Cảng hàng không Thọ Xuân thông báo sẽ ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 12 - 22 giờ ngày 7/9. Các ngành, địa phương đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Trước đó, mặc dù chưa đổ bộ vào đất liền nhưng siêu báo Yagi đã bắt đầu gây mưa và gió lớn tại TP Thanh Hóa, Tp.Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) khiến nhiều cây xanh gãy đổ, bật gốc. Ngay trong ngày, Ban chỉ huy PCTT, TKCN& PTDS thành phố và các xã, phường đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục kịp thời các thiệt hại do ảnh hưởng của bão, cắt tỉa cành cây gãy đỗ, thu gom rác thải, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Kiểm tra việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú đảm bảo an toàn. Tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của Nhân dân trước, trong và sau bão./.
Tính đến ngày 6/9, thông tin từ BĐBP Thanh Hóa cho biết, tất cả 6.116 tàu thuyền/19.901 ngư dân của địa phương đánh bắt trên biển đã vào bờ tránh trú bão số 3. Trong số đó, có 5. 627 phương tiện/15.847 lao động về cố định tại các âu neo đậu tàu thuyền của tỉnh, số còn lại đang tránh bão tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Hải Phòng.