04/12/2024 lúc 01:53 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng nổi bật

Với tinh thần quyết tâm cao, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đã thành công trên tất cả các lĩnh vực, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng nổi bật.
Một góc thành phố Thanh Hóa nhìn từ trên cao.

Những kết quả đáng ghi nhận

Được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã bám sát thực tiễn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm, với tinh thần “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển”; cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, nên tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho người nông dân.

Theo đó, trong 9 tháng năm 2024, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện. Toàn tỉnh gieo trồng được 389,8 nghìn ha, đạt 100,5% kế hoạch, tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,56 triệu tấn, vượt 1,4% kế hoạch; đã chuyển đổi 1.578,2 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; tích tụ tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao được 6.200 ha, bằng 100% KH; giá trị sản phẩm trồng trọt trên 01 ha canh tác ước đạt 125 triệu đồng/ha/năm, tăng 5 triệu đồng so với cùng kỳ. Các nhà máy đã thu mua và chế biến 846,6 nghìn tấn mía nguyên liệu và 145,9 nghìn tấn tinh bột sắn; giá mía và sắn nguyên liệu tăng so với vụ trước, nâng cao thu nhập cho người dân. Chăn nuôi phát triển ổn định; sản lượng thịt hơi các loại tăng 6,9% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm tăng 8,3%; không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm phát triển.

Lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững; toàn tỉnh trồng được 9.250 ha rừng tập trung, bằng 92,5% KH, tăng 4,5% so với cùng kỳ; an ninh rừng được đảm bảo. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 164.027 tấn, bằng 77% KH, tăng 2,3% so với cùng kỳ; toàn tỉnh hiện có 6.115 tàu cá các loại, trong đó có 1.093 chiếc có chiều dài 15 m trở lên. Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có thêm 01 huyện, 04 xã NTM; 20 xã NTM nâng cao; 11 xã, 58 thôn NTM kiểu mẫu; 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.

Công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 3 (bão Yagi) được thực hiện nghiêm túc, thường trực 24/24 giờ, theo phương châm “bốn tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra; hiện tại, các đơn vị đã tích cực, tập trung khắc phục hậu quả và tổ chức ủng hộ, cứu trợ vùng bị ảnh hưởng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng sản xuất công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa vẫn tăng trưởng mạnh.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn tăng trưởng mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm tăng 20,2%; nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ, như: Quần áo may sẵn tăng 17%; giày thể thao tăng 19,3%; dầu nhiên liệu tăng 50,7%; sắt thép các loại tăng 15,5%; điện sản xuất tăng 30,3%...; đã thành lập mới 02 cụm công nghiệp và khởi công xây dựng một số dự án công nghiệp trên địa bàn và có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động. Tình hình cấp điện đảm bảo ổn định, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của Nhân dân; sản lượng điện thương phẩm 9 tháng ước đạt 5,99 tỉ kWh, tăng 13,4% so với cùng kỳ; các địa phương đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục, GPMB để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lưới điện, truyền tải đoạn qua địa bàn tỉnh. Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn duy trì sản xuất ổn định, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Về lĩnh vực xây dựng phát triển khá; công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư, xây dựng được tăng cường; đã tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng trên địa bàn; trong 9 tháng đầu năm, đã phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh 95 nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng; việc công bố chỉ số giá xây dựng hằng tháng được đảm bảo; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tiếp tục được quan tâm thúc đẩy.

Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ phát triển khá. Thương mại nội địa hoạt động sôi động, nguồn cung hàng hóa dồi dào; không có hiện tượng găm hàng, sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm ước đạt 145.409 tỉ đồng, bằng 77,3% KH, tăng 14% so với cùng kỳ. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được tăng cường. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm tăng mạnh; giá trị xuất khẩu ước đạt 4.575 triệu USD, bằng 76,3% KH, tăng 27,3%; giá trị nhập khẩu ước đạt 8.068 triệu USD, tăng 39,2%.

Thành phố du lịch biển Sầm Sơn. - Nơi thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.

Cùng với đó, hoạt động du lịch khởi sắc ngay từ đầu năm; đã tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối du lịch với các tỉnh, thành phố có lợi thế phát triển du lịch; tổ chức thành công các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao, du lịch, đưa vào khai thác các dịch vụ vui chơi giải trí tại Công viên nước Sun World Sầm Sơn và Flamingo Ibiza Hải Tiến, góp phần thu hút đông đảo du khách đến; tổng lượng khách du lịch 9 tháng đầu năm ước đạt 14,5 triệu lượt khách, vượt 4,7% KH, tăng 19,6% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế ước đạt 551 nghìn lượt, tăng 22,7%); tổng thu du lịch ước đạt 31.935,5 tỉ đồng, bằng 98,6% KH, tăng 39,2%.

Đồng thời các hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư tiếp tục được chú trọng. Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại nhiều nước như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp và Hà Lan; tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn để thu hút đầu tư vào tỉnh và tiếp nhận các kiến nghị để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án lớn như Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn; Nhà máy hóa chất Đức Giang; các Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, Phú Quý, Đồng Vàng; Trung tâm thương mại Aeon Thanh Hóa... để sớm khởi công, đầu tư hoàn thành, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng đó, công tác phát triển doanh nghiệp và giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp cũng được quan tâm thực hiện. Trong 9 tháng đã thành lập mới 2.411 doanh nghiệp, bằng 80,4% kế hoạch, tăng 22,5% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước với vốn điều lệ đăng ký đạt 18.417 tỷ đồng, tăng 43,5%.

Hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân; vận chuyển hành khách ước đạt 19.012 nghìn lượt, bằng 48,5% KH, tăng 12% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 42.607 nghìn tấn, bằng 59,6% KH, tăng 12,8%; xếp dỡ hàng hóa qua cảng ước đạt 43,2 triệu tấn, tăng 27,8%; doanh thu vận tải ước đạt 15.032 tỉ đồng, bằng 74,6% KH, tăng 14,3%.

Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2024 ước đạt 42.695 tỉ đồng, vượt 20% dự toán, tăng 44,7% so với cùng kỳ, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước; trong đó, thu nội địa ước đạt 26.194 tỉ đồng, vượt 19% dự toán, tăng 45,7%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 16.501 tỉ đồng, vượt 21,8% dự toán, tăng 43,1%.

Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; toàn tỉnh có thêm 4 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong lĩnh vực giáo dục, Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh dự thi đoạt giải (93%) và xếp thứ 4 về số lượng thí sinh đoạt giải nhất tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; có 1 học sinh giành HCB Olympic Vật lý quốc tế 2024 và 1 học sinh giành HCĐ Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58. Các chế độ, chính sách an sinh xã hội, hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tỉnh đã phát động và bước đầu thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh và Cuộc vận động Nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo... Những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, góp thêm những đường nét, những gam màu tươi sáng cho bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. 

Quyết tâm tăng tốc, bứt phá

Trên cơ sở nhìn nhận rõ những khó khăn và thuận lợi, cơ hội và thách thức; đánh giá đúng những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế. Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2024, đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trước những khó khăn, thử thách rất lớn, song kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2024 vẫn đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực đạt tốp đầu của cả nước. Điều này khẳng định sự nỗ lực lớn của các cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành; sự đoàn kết, nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 09/2024.

Trong những tháng cuối năm 2024, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương thường xuyên theo dõi tình hình trong tỉnh, trong nước và quốc tế, có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả đối với các vấn đề phát sinh. Đồng thời khẩn trương rà soát, đánh giá, xác định rõ các nội dung, công việc còn lại của 3 tháng cuối năm 2024 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040; các chương trình, cơ chế, chính sách cụ thể hóa Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội; kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.

Chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình biến động về giá nguyên, nhiên vật liệu, vật tư đầu vào và hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, không để gián đoạn sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát huy tối đa công suất, gia tăng sản lượng để bù đắp thiếu hụt cho các sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào vận hành các dự án công nghiệp quy mô lớn trong những tháng cuối năm 2024, góp phần gia tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Nhìn lại những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua, chúng ta có quyền tự hào về những thành công của tỉnh, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn những thách thức, khó khăn trước mắt, tiếp tục giữ vững niềm tin, quyết tâm bứt phá để về đích kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2024 là "Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển", từ đó tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc./.

Hải Nam