10/01/2025 lúc 08:16 (GMT+7)
Breaking News

Thành công xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật của Chính phủ Hàn Quốc – Tham khảo cho Việt Nam

Từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất sau Thế chiến thứ II, ngày nay Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, được gọi là “Kỳ tích sông Hàn”.

Góp phần tạo nên kỳ tích đó của Hàn Quốc, không thể không nhắc đến công cuộc thông tin hóa và phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông ở quốc gia này. Hàn Quốc đồng thời là một trong những quốc gia đứng đầu về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số trên thế giới hiện nay.

 Để đạt được thành công đó, ngay từ năm 1967, Hàn Quốc đã bắt đầu đặt nền móng cho việc xây dựng Chính phủ số, với việc lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc sử dụng máy tính để phân tích dữ liệu.

Thành công và nguyên nhân tạo nên thành công

Vào những năm 1970, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc là 254 USD, nhưng chỉ sau 30 năm đã vượt mốc 20.000 USD. Tới năm 2014, con số này là 28.000 USD, tổng GDP quốc nội là 1,4 nghìn tỷ USD, xếp thứ 11 trên thế giới. Năm 2009, Hàn Quốc trở thành thành viên thứ 24 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Đặc biệt, Hàn Quốc là thành viên đầu tiên thay đổi vai trò từ người thụ hưởng thành một nhà tài trợ. Để đạt được những thành công này, không thể không kể tới những đóng góp của ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Năm 2013, Hàn Quốc trở thành nước có tỷ trọng giá trị gia tăng lớn nhất ở lĩnh vực CNTT trong số các thành viên OECD. Hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tới từ lĩnh vực này. Bên cạnh năng lực kỹ thuật đẳng cấp thế giới của các doanh nghiệp công nghệ, việc tích hợp các dịch vụ mới vào hệ thống giáo dục đã giúp người dân dễ dàng làm quen với chính phủ điện tử.

Đến nay, Hàn Quốc đã trải qua 4 giai đoạn khác nhau để xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Giai đoạn (1967-1986) được coi là giai đoạn sơ khai – Tin học hóa Chính phủ; Giai đoạn (1987-1996) – Hình thành nền tảng; Giai đoạn (1997-2010) – Hoàn thiện Chính phủ điện tử; Giai đoạn (2010 đến nay) – Nâng cấp, hướng tới Chính phủ số. 

Hàn Quốc hiện có 16.000 hệ thống thông tin khu vực công; hàng năm ngân sách dành cho công nghệ thông tin và truyền thông là 4.7 tỷ Đô la; Có 37 triệu người dân Korea, 89% dân số sử dụng Chính phủ số; có 98% người dùng hài lòng với dịch vụ cung cấp bởi Chính phủ số… 

Có nhiều nguyên nhân tạo nên thành công của Hàn Quốc trong xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó, chính sách mạnh mẽ và định hướng xuyên suốt là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển chính phủ điện tử. Tất cả những người đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc qua các nhiệm kỳ đều đặc biệt quan tâm đến các dự án chính phủ điện tử và luôn theo sát những thay đổi. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và sự linh hoạt trong phân bổ ngân sách là một yếu tố quan trọng khác làm nên thành công của mô hình chính phủ điện tử; trong đó có sự đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ - hiện bất cứ nơi nào tại Hàn Quốc cũng có thể kết nối Internet tốc độ cao. Mặt khác, chính sách phổ cập CNTT của Hàn Quốc cũng góp phần không nhỏ trong thành công của mô hình chính phủ điện tử; Người dân có thói quen tra cứu thông tin liên quan đến chính phủ qua mạng và phong cách làm việc không giấy tờ. Tất cả các bộ đều tham gia và chia sẻ trách nhiệm đối với các dự án chính phủ điện tử….

Chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật của Hàn Quốc

Cùng với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, kể từ năm 2001, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương xây dựng Trung tâm thông tin pháp luật quốc gia và hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp. Mục tiêu của quá trình chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật ở Hàn Quốc để bảo đảm cho mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng hệ thống thông tin pháp luật, bảo đảm quyền được biết của mọi người, cho phép người dân xử lý trực tuyến các thông tin liên quan đến pháp luật một cách thuận tiện, thuận lợi hóa quy trình lập pháp của Chính phủ và mở rộng sự tham gia của công chúng vào quá trình này. 

Hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp của Chính phủ Hàn Quốc là một hệ thống thống nhất bao gồm 3 thành tố chính: (1) Hệ thống lập pháp quốc gia; (2) Trung tâm lập pháp có sự tham gia của người dân; và (3) Phần mềm biên tập dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Để 3 thành tố này hoạt động thuận lợi, cần sự hỗ trợ cung cấp dữ liệu từ Trung tâm thông tin pháp luật Hàn Quốc. Trung tâm thông tin pháp luật và hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp đều được vận hành và quản lý bởi Bộ Lập pháp Hàn Quốc.

Một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam

Là quốc gia rất thành công trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, từ năm 2004 đến nay, Hàn Quốc luôn nằm trong nhóm 10 nước phát triển nhất về Chính phủ điện tử. Chính phủ Hàn Quốc đã thiết kế nhiều chương trình để hỗ trợ phát triển 3 yếu tố cơ bản là: công nghệ, nguồn nhân lực và các tiêu chuẩn Chính phủ điện tử.

Đối với doanh nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống Chính phủ vì doanh nghiệp, cổng dịch vụ một cửa dành cho doanh nghiệp: u-Trade Hub, dịch vụ hải quan điện tử, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp một lần… Đối với người dân, Hàn Quốc chú trọng vào xây dựng một hệ thống thông tin quốc gia tạo thành một cơ sở dữ liệu nền tảng và hình thành thói quen tra cứu thông tin liên quan đến Chính phủ qua mạng…

Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật là một lĩnh vực được Hàn Quốc tổ chức thành công, mà Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm ở một số nội dung sau: 

1. Phải xác định rõ mục tiêu của chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật nói riêng không chỉ là tăng cường tự động hóa các hoạt động chuyên môn của cơ quan nhà nước hay thuận lợi hóa quá trình xây dựng pháp luật, mà  mục tiêu cuối cùng là lấy người dân là trung tâm, hướng tới kết nối tốt hơn với người dân, tăng cường minh bạch, thúc đẩy sự tham gia của người dân, cộng đồng vào quá trình quản lý nhà nước cũng như xây dựng pháp luật.  

2. Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng pháp luật cần có sự đầu tư nguồn lực thường xuyên và dài hạn. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi khi xây dựng một hệ thống rất tốt, nhưng quản lý, vận hành, sử dụng không tốt thì cũng không có tác dụng. 

3. Phải xác định xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật là một quá trình lâu dài, cần nhiều thời gian và công sức, để từ đó có chiến lược cho từng giai đoạn cũng như kế hoạch cụ thể cho từng nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, để xây dựng và đi vào vận hành hai hệ thống phục vụ chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật nêu trên, cho đến nay, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã mất khoảng thời gian trên dưới 20 năm. 

4. Quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật ở các cơ quan nhà nước cần được song hành với quá trình xây dựng xã hội số. Bởi vậy, nếu chỉ tiến hành chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật của nội bộ các cơ quan nhà nước thì khó có thể đạt được hiệu quả cao nhất.  Cần tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động xây dựng pháp luật là giải pháp để nâng cao chất lượng của hoạt động này. Tích cực vận động, khuyến khích người dân hình thành thói quen sử dụng và tương tác với cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng pháp luật thông qua môi trường điện tử.

5. Chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật về lâu dài cần được thực hiện đồng bộ, ở tất cả các cơ quan trung ương cũng như địa phương. Kinh nghiệm Hàn Quốc cho thấy, trước Kế hoạch 5 năm tin học hóa hành chính lần thứ nhất (năm 1978), Hàn Quốc cũng đã trải qua quá trình tin học hóa được thực hiện riêng biệt ở từng cơ quan hành chính. Sự thành lập Ủy ban thúc đẩy tin học hóa hành chính (năm 1975) và ban hành Kế hoạch tin học hóa hành chính (năm 1978) đã tạo động lực để quá trình xây dựng Chính phủ điện tử được vận hành hiệu quả. 

6.  Xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Kinh nghiệm chuyển đổi số lĩnh vực xây dựng pháp luật của Hàn Quốc cho thấy, Trung tâm thông tin pháp luật Hàn Quốc có vai trò quan trọng tạo tiền đề cho hoạt động của hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp. Để chuyển đổi số lĩnh vực xây dựng pháp luật diễn ra thuận lợi thì một trong những yếu tố đầu tiên cần quan tâm nhanh chóng hoàn thiện đó là Cơ sở dữ liệu quốc gia văn bản quy phạm pháp luật.

Ở Việt Nam, trong hơn hai thập niên qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, so với sự phát triển chung của khu vực và thế giới thì kết quả đó chưa cao. Theo đánh giá của Liên hợp quốc về Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) năm 2022,  Việt Nam xếp hạng thứ 86 trên tổng số 193 quốc gia thành viên, đạt 0,6787 điểm; Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 06 (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonexia).

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: xây dựng Chính phủ số có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội và hình thành chính phủ số vào năm 2030./.   

CN. Nguyễn Quang Hành

...