19/12/2024 lúc 14:03 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên: Ứng phó với nguy cơ sạt lở tại các mỏ

Trong mùa mưa bão, nguy cơ mất an toàn tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn. Là địa phương có nhiều mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, huyện Đồng Hỷ đã xây dựng kế hoạch chủ động phòng ngừa, ứng phó với sự cố thiên tai (đặc biệt là tình trạng sạt lở), bảo đảm an toàn trong hoạt động khai thác mỏ.

Trong mùa mưa bão, nguy cơ mất an toàn tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn. Là địa phương có nhiều mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, huyện Đồng Hỷ đã xây dựng kế hoạch chủ động phòng ngừa, ứng phó với sự cố thiên tai (đặc biệt là tình trạng sạt lở), bảo đảm an toàn trong hoạt động khai thác mỏ.

Khai thác đá phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng tại Mỏ đá Lân Đăm 2, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ).

Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có 65 điểm mỏ khai thác khoảng sản (51 điểm có giấy phép còn hiệu lực; 14 điểm đã hết hạn giấy phép, đóng cửa, giải thể). Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, huyện Đồng Hỷ đã ban hành nhiều văn bản về việc chủ động ứng phó đối với sự cố môi trường, lũ quét và sạt lở đất; yêu cầu các xã, thị trấn, đơn vị khai thác trên địa bàn thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết để chủ động triển khai phòng ngừa có hiệu quả với các tình huống thiên tai; thực hiện kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, các hồ chứa bùn thải, bãi thải để có phương án xử lý, ứng phó kịp thời khi sự cố xảy ra... 

Huyện cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp cam kết khai thác đúng thiết kế theo đề án được phê duyệt; chấp hành nghiêm các quy định, thông báo, hiệu lệnh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Khi có hiện tượng bất thường như: Mưa bão, lũ quét ảnh hưởng đến hoạt động khai thác phải tạm dừng hoặc thay đổi kế hoạch sản xuất…

Trên thực tế, thời gian qua, thiên tai đã gây ra tình trạng sạt lở tại một số điểm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Như tại mỏ đá Lân Đăm 2, cách đây hơn 2 tháng (ngày 11-5), xảy ra tình trạng mưa lớn làm sạt lở đất, đá khiến tuyến đường dân sinh bị vùi lấp, hơn 18 hộ dân của xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn bị cô lập; một số hộ dân ở xóm Dạt, xã Văn Lăng bị thiệt hại nhà ở và nhiều tài sản. 

Sau khi sự cố xảy ra, Công ty TNHH Hải Bình (đơn vị được cấp phép khai thác mỏ Lân Đăm 2) đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục. Ông Trịnh Quang Tĩnh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hải Bình thông tin: Sau khi sự cố xảy ra, Công ty đã nhanh chóng rút kinh nghiệm và xây dựng phương án khai thác mỏ phù hợp, cụ thể: Đẩy nhanh việc hạ độ cao của mỏ núi; hạn chế khai thác vào mùa mưa bão; bố trí hệ thống báo động khi có nguy cơ xảy ra sạt lở… 

Ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tập Trung (chủ mỏ đá Tập Trung, ở xóm Làng Mới, xã Tân Long) nói: Để tránh sạt lở khi có mưa bão, sau mỗi lần nổ mìn, chúng tôi đều cử cán bộ kiểm tra lại toàn bộ đất, đá trên vách, đỉnh núi, trường hợp còn những tảng đá lớn, đá mồ côi sẽ tiến hành xử lý, cạy gỡ.

Còn Công ty TNHH Chiến Thắng vừa qua cũng đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ 4 hộ dân trong khu vực di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm gần khu vực mỏ. Cùng với đó, hành kiểm tra rà soát khai trường sản xuất để phát hiện và tổ chức xử lý kịp thời các nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra… 

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Để bảo đảm an toàn tại các mỏ khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo tất cả các cơ sở mỏ xây dựng phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ. Tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún, mất an toàn phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, đồng thời có phương án thiết kế, gia cố, bảo vệ, bảo đảm an toàn... Từ đó, giảm thiểu đến mức tối đa những thiệt hại có thể xảy ra, ổn định cho cuộc sống của người dân quanh khu vực mỏ khai thác khoáng sản.