Nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng giáo dục, môi trường học tập an toàn, lành mạnh và hiệu quả giáo dục của địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chú trọng vào đầu tư cho cơ sở giáo dục, đa dạng hóa loại hình đào tạo.
Từng bước tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định dành nguồn kinh phí gần 3 nghìn tỷ đồng cho chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025. Trước thềm năm học mới 2021-2022, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã bố trí nguồn vốn đầu tư tập trung và huy động nhiều nguồn lực tài trợ khác tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện môi trường giáo dục ngày một tốt hơn.
Năm 2020, toàn tỉnh có 683 cơ sở giáo dục (242 trường cấp mầm non, 441 trường cấp phổ thông), tăng hơn 11 trường so với năm 2015; cùng với 9 trung tâm GDNN - GDTX; 01 trung tâm GDTX cấp tỉnh; 01 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Trong đó, đáng chú ý, hệ thống các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập, chất lượng cao là 28 trường. Sự ra đời của một số trường học mô hình hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế tạo nên luồng gió mới tích cực cho giáo dục.
Giai đoạn 2016-2020, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã xây mới và sửa chữa 5.033 phòng học, 2.298 phòng bộ môn và các công tình phụ trợ khác phục vụ học tập với tổng kinh phí gần 4 nghìn tỷ đồng. Theo đó, nhiều công trình, dự án lớn đã hoàn thành như: Xây mới trường Trung học phổ thông Chuyên (240 tỷ đồng), cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trường phổ thông dân tộc nội trú (trên 200 tỷ đồng); kiên cố hóa trường lớp trên 180 tỷ đồng, xóa phòng học tạm: 20 tỷ đồng… Nhờ đó, cơ sở vật chất trường học cơ bản đáp ứng tối thiểu cho giáo dục mầm non, phổ thông. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp trên toàn tỉnh đạt trên 71%, tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đạt trên 84%.
Tuy nhiên, những năm qua quy mô trường lớp tăng, nhu cầu kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho ngành giáo dục rất lớn, cơ sở vật chất nhiều cơ sở giáo dục mới chỉ đáp ứng được các điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình học và các nhu cầu phục vụ học tập khác của các trường, chưa đủ kinh phí để duy tu sửa chữa kịp thời các trường, lớp học đã và đang xuống cấp.
Mặt khác, yêu cầu về cơ sở vật chất của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải đáp ứng được điều kiện cao hơn, trong thực tế phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên toàn tỉnh mới chỉ có các phòng học thông thường, các công trình thuộc khối phụ vụ học tập còn thiếu.
Trước thực tế trên, tại kỳ họp thứ 2 vừa diễn ra, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã quyết nghị từ nay đến năm 2025 đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, phòng phục vụ học tập. Trong đó đầu tư xây dựng bổ sung 1.566 phòng học, 3.007 phòng học bộ môn và phòng phục vụ học tập; mua sắm 550 thiết bị tối thiểu mầm non, 550 bộ đồ chơi ngoài trời mầm non, 6.602 bộ thiết bị tối thiểu từ lớp 2 đến lớp 12; 12.963 bộ máy tính.
Cấp mầm non đầu tư xây dựng bổ sung 485 phòng học do thiếu phòng học và tăng quy mô; xây dựng bổ sung 134 phòng giáo dục thể chất; 162 phòng giáo dục nghệ thuật, 113 nhà bếp. Cấp tiểu học: Đầu tư xây dựng bổ sung 469 phòng học do thiếu phòng học và tăng quy mô; xây dựng bổ sung 209 phòng học bộ môn âm nhạc; 230 phòng học bộ môn khoa học - công nghệ; 147 phòng học bộ môn tin học; 259 phòng học bộ môn ngoại ngữ; 268 phòng da chức năng; 205 phòng tư vấn học đường và hỗ trợ học sinh khuyết tật học hòa nhập.
Cấp trung học cơ sở: Đầu tư xây dựng bổ sung 548 phòng học do thiếu phòng học và tăng quy mô, xây dựng bổ sung 153 phòng học bộ môn âm nhạc; 168 phòng học bộ môn mỹ thuật; 122 phòng học bộ môn công nghệ; 100 phòng học bộ môn khoa học tự nhiên; 65 phòng học bộ môn tin học; 163 phòng học bộ môn ngoại ngữ; 188 phòng đa chức năng; 150 phòng tư vấn học đường và hỗ trợ học sinh khuyết tật học hòa nhập.
Cấp trung học phổ thông: Đầu tư xây dựng bổ sung 64 phòng học do thiếu phòng học và tăng quy mô; đầu tư xây dựng bổ sung 29 phòng học bộ môn âm nhạc; 18 phòng học bộ môn tin học, 12 phòng học bộ môn ngoại ngữ; 16 phòng đa chức năng; 14 phòng tư vấn; 29 phòng họ bộ môn mỹ thuật; 15 phòng học bộ môn công nghệ; 29 phòng học bộ môn sinh học.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Thái Nguyên xác định sẽ cân đối, bố trí phù hợp nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; lồng ghép hỗ trợ thực hiện Đề án thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành giáo dục và các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa; huy động các nguồn vốn trong dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, góp vốn xây dựng, hiến đất, cho vay vốn đầu tư. Đặc biệt, Thái Nguyên cũng hướng đến phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập ở tất cả các cấp học góp phần giải quyết nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn.
Đây là sự bổ sung cần thiết, đa dạng hóa loại hình trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng quá tải về trường, lớp, học sinh, nhất là với cấp mầm non, tiểu học. Với những sự đầu tư thiết thực, Thái Nguyên đã đạt nhiều chuyển biến tích cực trong mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục một cách đồng đều, bền vững.