Dự kỳ họp có bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên; ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu Khai mạc Kỳ họp, ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Năm 2023, là năm thứ ba thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả khả quan, tích cực, có nhiều điểm sáng.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,01%, thu ngân sách đang nỗ lực cố gắng để đạt mốc 20.000 tỷ đồng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra; lĩnh vực thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng tốt, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế; nông nghiệp tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, vượt mục tiêu kế hoạch; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư nâng cấp, một số dự án đầu tư công quy mô lớn đang được đẩy nhanh tốc độ, trong đó có một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống Nhân dân ổn định, từng bước nâng cao; công tác đối ngoại, quốc phòng, quân sự địa phương được triển khai thực hiện tốt; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 và bước vào năm 2024 vẫn tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Do đó, tại Kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận, đánh giá toàn diện kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; thảo luận, quyết định nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; xem xét phân bổ dự toán ngân sách, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 để đảm bảo thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025.
Cũng tại Kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến về 52 báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh trình. Trong đó sẽ xem xét, thảo luận, quyết định một số cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp tới đội ngũ cán bộ ở cơ sở, để góp phần đảm bảo tốt công tác an sinh, xã hội đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng chính đáng của cử tri như: Quy định chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, tổ dân phố; số lượng, mức hỗ trợ, mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; quy định chế độ khám, chữa bệnh, điều dưỡng đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ thuộc diện bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh và một số cơ chế, chính sách khác, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Đặc biệt, HĐND tỉnh sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do HĐND tỉnh bầu. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của HĐND tỉnh đối với kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được HĐND tỉnh bầu. Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng đại biểu HĐND, lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, đề nghị mỗi đại biểu HĐND phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi thể hiện mức độ tín nhiệm đối với từng chức danh do HĐND tỉnh bầu.
Những nội dung của Kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối với HĐND và từng vị đại biểu HĐND trong thảo luận, quyết định để đảm bảo hoàn thành các nội dung Kỳ họp đề ra với chất lượng cao nhất. Với trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân trước cử tri, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu tham dự Kỳ họp trên cơ sở các quy định của pháp luật, phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn, khách quan trong thảo luận, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến đối với từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để HĐND tỉnh quyết định đúng, sát tình hình thực tiễn, phát huy hiệu quả nguồn lực trong đầu tư, các chính sách được triển khai đồng bộ, sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng niềm tin, sự mong đợi của cử tri, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu nghe lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, các sở, ngành trình bày tóm tắt các tờ trình, các báo cáo tại Hội trường. Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong 3 ngày (từ 6 - 8/12/2023).